221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
188475
Bánh chưng Bắc làm giàu trên đất Nam
1
Article
null
Bánh chưng Bắc làm giàu trên đất Nam
,

(VietNamNet) Chuyện những tấm bánh chưng Bắc hiện hữu ở Sài Gòn, len vào đời sống của không chỉ người gốc Bắc, không chỉ trong ngày Tết chẳng phải lạ. Nhưng việc một số người sản xuất, kinh doanh bánh chưng và đồ ăn Hà Nội nói chung đang nhanh phát đạt mới là điều đáng nói ở Sài Gòn trong vài năm gần đây.

Người Bắc thích bán bánh chưng đã đành

Bánh chưng tại cửa hàng Tiến Thịnh.

Dịp Tết, hàng nghìn người tìm đến cơ sở chế biến bánh chưng Thanh Đan, đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận. Cơ sở có hai cỡ bánh chính. Cỡ 1,7 ký giá 30.000đ; cỡ 2 ký giá 40.000đ. “Tôi mở cửa hàng từ năm 1978” - bà Thanh Đan, chủ cửa hàng, nói - “Cách đây gần 10 năm có hãng kinh doanh xe máy muốn thuê cửa hàng của tôi với giá 1.800 USD/tháng, nhưng tôi không chịu. Làm thế chỉ mình ấm thân trong khi nhiều họ hàng ngoài Bắc không việc làm. Tôi kéo vào đây hàng chục người làm việc cho mình với lương trung bình gần 1 triệu đồng/tháng”.

Bà Thanh Đan là người gốc Bắc, vào Sài Gòn đã mấy chục năm. Những cái Tết ở miền Nam, gia đình bà vẫn gói bánh chưng, và bà được bố mẹ truyền dạy. Một năm bận làm ăn, định không gói, mà không gói cứ thấy thiêu thiếu, bà chợt nghĩ, sao chẳng thể làm giàu bằng việc này. Bánh của bà có hương vị riêng nhờ nước dừa; hạn chế nêm hành, ướp vị hành là chính để có thể bảo quản lâu.

Với bà Cẩm Vân, một chuyên gia nấu ăn thường xuyên xuất hiện trên nhng chương trình ẩm thực của truyền hình, bánh trưng không chỉ là một thực thể bình thường, mà còn là truyền thống ngàn năm. Bán được bánh trưng nghĩa là tập tục ấy được duy trì. Đây là năm đầu tiên bà kinh doanh bánh, những năm trước có làm nhưng chỉ để biếu. Nhà hàng Dzoãn Cẩm Vân của bà trên đường Lê Quý Đôn, Q.3, dịp Tết Giáp Thân này trình làng hàng ngàn cặp bánh chưng Lang Liêu, biểu tượng của lòng hiếu thảo. Bên cạnh chất lượng, ý nghĩa của tấm bánh góp phần thu hút người mua.

Ngoài chế biến bánh trưng, vận chuyển bánh chưng bằng máy bay từ ngoài Bắc cũng là một cách. Cửa hàng Tiến Thịnh, đường Trần Quốc Toản, Q.1, chuyên bán thực phẩm Hà Nội, là một ví dụ. Tiến Thịnh mang vào Sài Gòn bánh chưng thuần miền Bắc với độ thơm, độ dẻo, độ đậm đà của nếp Bắc; xanh từ trong ra ngoài. Đây là những ưu thế so với bánh miền Nam vốn không xanh vì nguồn nước bị phèn, lại nhạt chất nếp.

Ngoài ra, Tiến Thịnh còn có bánh chưng gấc màu đỏ, tạo nét đặc sắc để cạnh tranh. 

… người Nam cũng thích mua

Tiếng lành đồn xa. Lượng khách đến Tiến Thịnh mua bánh chưng ngày càng nhiều. Từ đầu “chiến dịch” Tết đến nay, cửa hàng bán khoảng 6000 tấm, gấp đôi so với cả Tết năm trước.

Không chỉ Tiến Thịnh, lượng bánh trưng bán được tại nhiều cửa hàng khác đều tăng so với năm trước. Trong vài năm gần đây năm nào cũng tăng. Siêu thị Hà Nội trên đường Cống Quỳnh, Q.1, tính đến ngày 26 Tết đã tiêu thụ 30 tấn bánh Ước Lễ chuyển từ Hà Nội vào, tăng gấp rưỡi so với năm trước. Cửa hàng Thanh Đan gần đây còn thêm một cơ sở phụ tại Bình Chánh. Riêng cửa hàng Dzoãn Cẩm Vân phải ngừng nhận đặt bánh từ 24 Tết vì không đáp ứng nổi nhu cầu.

TP.HCM có hàng triệu người Bắc sống tập trung tại khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng Sài Gòn, quận 7. Nhưng khách mua bánh không chỉ là người Bắc, mà còn là người Nam. Theo các chủ cửa hiệu, người Nam mua bánh ngày một nhiều. Có người thậm chí chịu mua bánh ngon với giá 100.000đ/chiếc. Chị Ngọc Thảo, ở Q.3, mua bánh tại cửa hàng Tiến Thịnh, nói: “Tôi không phải người Hà Nội, mà là người Sài Gòn chánh tông. Trước, nhà tôi chỉ quen ăn bánh tét. Sau, có một người bạn miền Bắc tặng một cái bánh chưng, ăn thấy lạ miệng, tôi đòi ba mẹ mua về. Ngày Tết, nhà tôi vẫn ăn bánh tét, nhưng không thể thiếu bánh chưng”.

Gói bánh chưng.

Theo ông Tiến Thịnh, chủ cửa hàng Tiến Thịnh, bánh chưng cũng như các mặt hàng khác, muốn kinh doanh tốt, mỗi hãng phải có phong vị riêng dựa trên cái chung; ngoài ra phải giữ chữ tín. Cửa hàng Tiến Thịnh từng đổ 5000 tấm bánh ra hồ cá trước mặt khách vì số bánh này không đạt yêu cầu. 

Bà Cẩm Vân cho biết, bà bất ngờ khi thấy nhu cầu mua bánh lớn như vậy. Sang năm, bà sẽ tính toán chính xác để chế biến bánh với số lượng hợp lý hơn, khỏi phải từ chối khách. Ngoài ra, bà dự định sẽ bán kèm một số đồ ăn Tết miền Bắc như giò, chả…

  • Phạm Cường – Công Khanh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,