Trong một vài năm tới, hàng khách trên các máy bay của Boeing có thể lướt Web, mua sắm trên mạng với eBay.com hay thực hiện các giao dịch kinh tế từ trên chín tầng mây. Tất cả dựa vào một công nghệ còn khá mới: Wi - Fi.
Kết nối Internet ở mọi nơi
Wi - Fi (Wireless Fidelity) là công nghệ tiên tiến, dùng để kết nối mạng Internet qua sóng radio. Trong phạm vi phủ sóng (khoảng 100 - 300m) của các điểm truy cập (hotspot), người sử dụng máy vi tính xách tay có thể thực hiện các giao dịch, nhận e-mail, file hay nhắn tin. Thông thường, các điểm truy cập được lắp đặt tại những nơi đông người ở các thành phố lớn như nhà ga, bến tàu, quán cà phê, siêu thị, căn tin, trường học, khách sạn...
Có thể sử dụng công nghệ Wi - Fi để phủ kín các phòng làm việc tại các công ty; cũng như tạo ra một không gian mới thời đại kỹ thuật số trong phạm vi gia đình: TV, máy tính, dàn máy nghe nhạc hay thiết bị làm bếp được kết nối với nhau. Các thành viên của gia đình có thể học tập, giao tiếp, giải trí một cách tiện lợi và không kém phần thú vị qua hệ thống (không dây) này.
Theo ước tính, hiện nay có khoảng 20 triệu người trên thế giới sử dụng công nghệ WiFi, với một tốc độ tăng trưởng rất nhanh – khoảng 45 – 50% hằng năm. Theo số liệu mới nhất từ tập đoàn IDC (Anh) vào cuối năm 2003, có 50.000 hostpot trên phạm vi toàn cầu, và con số này sẽ là 85.000 vào cuối năm nay.
Chi phí bằng 1/4 mạng thông thường
Một ưu điểm của Wi - Fi so với mạng máy tính bình thường là công nghệ này khắc phục được các hạn chế về đường cáp, giảm chi phí triển khai xây dựng hạ tầng.
Kết nối nhanh với chi phí chỉ vào khoảng 1/4 so với mạng thông thường, WiFi đang là lĩnh vực kinh doanh rất được chú ý. Các công ty hàng đầu của Mỹ, từ tập đoàn xe hơi General Motor (GM) tới công ty phát chuyển nhanh UPS, từ hãng máy bay khổng lồ Boeing cho tới tập đoàn sản xuất chip máy tính Intel, tất cả đang đầu tư hàng trăm triệu USD vào công nghệ này. Giám đốc điều hành (CEO) công ty Intel, ông Craig R. Barrett nói: ”WiFi là đỉnh cao của công nghệ, có thể xem đây là một cuộc cách mạng đối với lĩnh vực Internet”.
Thị trường phần cứng cho công nghệ WiFi ước đạt 3,4 tỷ USD trong năm 2003, và mức tăng 30%/năm. Nhà phân tích Christopher Fine của Goldman, Sachs & Co. so sánh tốc độ tăng trưởng của công nghệ WiFi hiện nay với mạng máy tính vào đầu thập niên 90 hay mạng điện loại hữu tuyến vào những năm 20 của thế kỷ trước. Hiện nay, 1/2 số máy xách tay xuất xưởng, cũng như các thiết bị cầm tay kỹ thuật số hiện đại đều có sẵn chức năng hỗ trợ Wi - Fi (hoặc có kèm theo card Wi - Fi).
Cơ hội cho các nước nghèo
Công nghệ Wi - Fi mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, bởi mức chí phí thấp khi sử dụng, thiết lập hệ thống cũng đơn giản hơn. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm sao sửa đổi các thể chế đã có từ trước cho phù hợp với tình hình hiện nay hơn. Một Hội nghị về công nghệ do Liên hiệp quốc (LHQ) chủ trì vào tháng 6/2003 để thảo luận về các vấn đề trên. Tại đây, Tổng Thư ký Kofi Annan kêu gọi các Chính phủ, công ty công nghệ, viễn thông cần làm việc với nhau để đẩy nhanh ứng dụng công nghệ không dây, đưa công nghệ này đến các nước đang phát triển một cách sâu rộng hơn.
Cũng tại Hội nghị, một số ý kiến cho rằng, hiện có hàng tỷ người ở các nước nghèo đang cần nước sạch, thực phẩm, chỗ ở, quần áo,… hơn là Internet. Tuy nhiên, theo đa số đại biểu, con người đang phụ thuộc nhiều hơn vào các thiết bị kỹ thuật số - nhất là trong quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Theo đó, thiếu hiểu biết hay thông tin cũng là rào cản phát triển kinh tế, làm giảm hiệu quả công cuộc chống nghèo đói của LHQ.
Tại các nước châu Phi, châu Mỹ Latinh hay châu Á, cước phí truy cập Internet và các dịch vụ viễn thông còn quá cao so với mức sống của đa số người dân, nhất là vùng nông thôn. Trong khi công nghệ Wi - Fi hiện nay bị hạn chế trong phạm vi khoảng cách chỉ vài trăm mét tới điểm truy cập gần nhất. Các chuyên gia thống nhất quan điểm là, các thể chế có từ trước trong lĩnh vực viễn thông cần phải được sửa đổi. Theo đó, có thể mở một bǎng rộng dải phổ (sóng radio) dùng chung - điều này phù hợp với sự phát triển của công nghệ hiện nay.
Nếu phạm vi phủ sóng của các hostpot được mở rộng trong phạm vi tới hàng chục km, Wi - Fi sẽ là một đối thủ cạnh tranh đang gờm trong lĩnh vực viễn thông. Quan trọng hơn, nhiều người dân tại nhiều vùng quê ở Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh,… sẽ có cơ hội được tiếp cận và sử dụng công nghệ cao với chi phí thấp hơn nhiều so với hiện nay. Pat Gelsinger, Giám đốc Bộ phận kỹ thuật của Intel nói: “Thế giới hiện đang rất cần và sẽ có hàng tỷ người ở các nước nghèo sử dụng công nghệ Wi - Fi trong tương lai”.
(Hoàng Diệu – Theo Business Week, BBC)