Người tiêu dùng chịu giá cao, ngân sách thất thu do quá ưu đãi cho ngành ôtô trong nước. |
(VietNamNet)
- Hiện nay, thuế nhập khẩu linh kiện ôtô dạng CKD là 25% so với thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc 100%, thuế tiêu thụ đặc biệt xe lắp ráp trong nước chỉ có 5% , so với xe nhập khẩu là 100%... Tính chung các ưu đãi thì xe sản xuất trong nước đang được bảo hộ gần 300% nhưng giá lại cao gấp 2 lần so với xe sản xuất tại chính hãng. Ông Quách Đức Pháp, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính, đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.- Xin ông cho biết, các liên doanh sản xuất ôtô trong nước hiện nay đang được hưởng những ưu đãi gì?
- Với mong muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành ôtô, Chính phủ đã dành cho ngành này nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt. Tuỳ thuộc vào từng dự án đầu tư và địa bàn đầu tư, các liên doanh lắp ráp ôtô hiện đang được áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN ưu đãi mức 15% hoặc 20% (thuế suất chung là 25%), đồng thời được miễn thuế đến 4 năm và giảm 50% số thuế đến 8 năm kể từ khi kinh doanh có lãi. Các DN này còn được miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng, vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được, linh kiện, chi tiết, bộ phận rời... để tạo tài sản cố định. Về thuế giá trị gia tăng (GTGT), hoạt động nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp ôtô bán ra hiện không phải nộp thuế GTGT.
Ngoài ra, các DN lắp ráp ôtô còn được hưởng lợi từ các chính sách bảo hộ của Nhà nước dành riêng cho ngành ôtô, trong đó nổi bật lên là chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo hộ về thuế nhập khẩu. Đối với loại xe ôtô 5 chỗ ngồi trở xuống, thuế nhập khẩu đối với xe nguyên chiếc là 100%, trong khi bộ linh kiện CKD2 chỉ phải chịu thuế 20% và IKD là 5%. Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho ôtô nguyên chiếc nhập khẩu là 100% trong khi ôtô sản xuất lắp ráp trong nước được giảm tới 95%, chỉ chịu thuế 5%. Tính chung nhưng yếu tố này thì ôtô sản xuất trong nước (loại 5 chỗ ngồi) hiện đang bảo hộ gần 300% so với ôtô nhập khẩu.
- Đến nay, việc bảo hộ của Nhà nước đối với các liên doanh ôtô có đạt được mục đích không, thưa ông?
- Cho đến tận hôm nay, Chính phủ vẫn duy trì các chính sách thuế ưu đãi, bảo hộ đối với ngành công nghiệp ôtô trong nước là nhằm mục đích giúp cho các DN này giảm bớt khó khăn trong thời kỳ đầu sản xuất khi mà nhu cầu tiêu thụ ôtô trong nước còn thấp, DN có điều kiện để tái đầu tư nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, giảm giá bán. Tuy nhiên, những gì mà ngành công nghiệp ôtô đạt được đến nay chưa tương xứng với những ưu đãi ấy.
Nhiều DN cam kết trong giấy phép đầu tư sẽ đạt tỷ lệ nội địa hoá 30-40% sau 10 năm nhưng đến nay gần 10 năm nhưng hầu hết chỉ mới đạt được 2-10%, tập trung chủ yếu vào các công đoạn sản xuất đơn giản. Về chuyển giao công nghệ cũng còn rất hạn chế do các liên doanh mới dừng ở lắp ráp dạng CKD1 và CKD2 với các dây chuyền công nghệ gần giống nhau hoặc ở dạng IKD.
Như tôi đã nói, mặc dù thuế suất thuế nhập khẩu bộ linh kiện trong những năm qua được duy trì ở mức thấp (cao nhất là 25% đối với xe dưới 15 chỗ), được giảm 95% thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng giá thành ôtô sản xuất trong nước hiện vẫn còn cao gấp đôi so với giá xe các nước trong khu vực và xe sản xuất tại chính hãng.
- Như vậy, sự bảo hộ quá mức đã phản tác dung?
- Tôi cho rằng, cũng giống như các DN khác trong nước, một trong những nguyên nhân của sự kém phát triển là do sự bảo hộ quá nhiều, quá lâu đã tạo nên sự trì trệ làm hạn chế đầu tư, đổi mới công nghệ để tăng tỷ lệ nội địa hoá.
Mặt khác, sau một thời gian ký kết các hiệp định thương mại, đầu tư với các nước, các tổ chức quốc tế, đã đến thời điểm Việt Nam phải thực hiện những cam kết này. Những biện pháp bảo hộ mang tính chất phân biệt đối xử giữa sản phẩm trong nước (như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất trong nước) và sản phẩm nhập khẩu chỉ là những giải pháp tình thế, cần từng bước được xoá bỏ. Cùng với việc thực hiện các cam kết về mở cửa thị trường, thuế suất thuế nhập khẩu đối với ôtô nguyên chiếc nhập khẩu từ nước ngoài cũng phải được điều chỉnh giảm.
- Một số DN ôtô đã coi việc giảm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt bắt đầu từ 1/1/2004 là ''cú sốc bất ngờ'', sẽ đẩy họ đến chỗ đóng cửa, ngừng sản xuất. Ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?
- Cũng theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Quốc hội thông qua vào năm 1998 thì thời hạn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đã được quy định là hết năm 2003. Tuy nhiên, trước các khó khăn mà các DN sản xuất ôtô trong nước có thể gặp phải, khi Nhà nước rút ''phao'' ưu đãi này, với việc thông qua Luật thuế sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mới đây, Quốc hội đã cho phép kéo dài thời gian giảm dần các ưu đãi này cho đến năm 2007 và được thực hiện theo lộ trình nhiều bước. Đồng thời, Quốc hội đã điều chỉnh giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt: mức 100% xuống 80%, mức 60% xuống 50% và mức 30% xuống 25% tuỳ theo từng chủng loại xe.
Thực tế việc giảm dần mức ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đã được báo trước cho các DN cách đây 5 năm và nay được gia hạn thêm cho đến năm 2007. Theo tôi, đây là một quãng thời gian đủ dài để các DN có các điều chỉnh cần thiết để từng bước đổi mới công nghệ, giảm thiểu chi phí sản xuất trước những thay đổi về chính sách thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và thuế GTGT.
- Nhiều liên doanh ôtô đã tăng giá bán xe sau khi thuế nhập khẩu bộ linh kiện ôtô dạng CKD tăng thêm khoảng 5% từ 1/9/2003. Ông có cho rằng áp lực giá sẽ làm nhu cầu tiêu thụ ôtô giảm mạnh?
- Trong thời gian qua Nhà nước mới tăng thuế nhập khẩu bộ linh kiện 5%, các DN đã chủ động tăng giá bán từ 2,5-4,4%, gần ngang bằng với mức tăng thuế trong khi lượng xe bán ra vẫn tăng cao. Theo tôi, khả năng giảm giá vẫn có thể thực hiện được nếu các DN kịp thời có các biện pháp tổ chức lại sản xuất, giảm chi phí đầu vào như giá nhập khẩu bộ linh kiện, chi phí quảng cáo khuyến mãi... thì áp lực về việc phải tăng giá bán do tăng thuế sẽ được bù trừ một phần.
Mặt khác, việc tăng thuế không có nghĩa là lượng xe tiêu thụ sẽ giảm mạnh vì đời sống của người dân đã được cải thiện một cách đáng kể. Nhu cầu tiêu thụ ôtô trong nước đang tăng nhanh cùng với sự tăng trưởng về kinh tế và sự cải thiện của hạ tầng giao thông.
Sau gần 10 năm thực hiện đầu tư, đến nay ở Việt Nam đã có 11 liên doanh tham gia hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp ôtô. Trong 11 liên doanh này có sự góp mặt của các hãng sản xuất ôtô lớn trên thế giới như Daewoo, Mercedes Benz, Suzuki, Ford, Toyota...Tổng số vốn đầu tư của các liên doanh này theo giấy phép là 574,7 triệu USD, vốn thực hiện là 419,85 triệu USD, đạt 74%. Công suất đăng ký theo Giấy phép đầu tư của 11 liên doanh này là 148.200 xe/năm. Bên cạnh khối DN liên doanh, ngành công nghiệp ôtô ở Việt Nam còn có sự tham gia của các DN trong nước. Tuy nhiên, trang thiết bị, công nghệ và nhà xưởng của các DN này phần lớn còn lạc hậu, chủ yếu là sữa chữa. Trừ Công ty Cơ khí ôtô 1-5 hiện đang triển khai dự án đầu tư 443 tỷ đồng, các DN khác chủ yếu lắp ráp ôtô từ xát xi nhập khẩu có xuất xứ SNG hoặc Trung Quốc với tổng giá trị tài sản rất thấp, trung bình có 10-20 tỷ đồng/mỗi DN. (Nguồn: Bộ Tài chính) |
- Thanh Minh