(VietNamNet) - SARS bùng phát, kinh tế châu Á chao đảo, ngành du lịch trong cơn bĩ cực, mọi phương tiện truyền thông đại chúng không ngớt đưa tin về mức thiệt hại do SARS gây nên. Tuy nhiên, cũng chính vì căn bệnh chết người này, mà ngành du lịch khu vực có dịp hoàn thiện hơn. Hơn lúc nào hết, người ta đã chứng kiến sự phối hợp chặt chẽ của toàn châu Á nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đối phó với tác động tiêu cực của SARS. Chưa bao giờ, du khách được hưởng một chiến dịch khuyến mãi quy mô lớn đến vậy.
Mang khẩu trang phòng SARS. |
Người tiêu dùng được lợi
Khi Việt Nam phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm SARS, tiếp theo là khuyến cáo của WTO về việc khách du lịch nên tạm thời hoãn các chuyến đi đến châu Á, lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ giữa tháng ba sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, du khách nội địa vẫn tăng ở mức cao. Thống kê 4 tháng đầu 2003, lượng khách đi tour trong nước của Công ty Du lịch Fiditourist tăng 135% với cùng kỳ 2002. Khách nội địa của Công ty dịch vụ lữ hành Saigon Tourist, Viettravel cũng tăng 40-50%...
Tâm lý hướng nội đã tồn tại song song xu thế vọng ngoại trong ngành du lịch Việt Nam. Hàng loạt tour mới trong nước với nhiều hình thức giải trí phong phú được giới thiệu. Ngoài đối tượng khách hàng là các cơ quan, xí nghiệp, dịp hè năm 2003, giới học sinh, sinh viên đã trở thành điểm ngắm của các công ty du lịch với những tour ngắn ngày mang tính chất dã ngoại về các vùng núi, vùng biển và du lịch sinh thái, kết hợp hoạt động hướng dẫn học tập, tìm hiểu lịch sử văn hoá, sinh hoạt lửa trại và tổ chức trò chơi vận động... Du lịch Thái Lan, Hongkong, Singapore cũng tiến hành nhiều biện pháp khuyến khích du khách trong nước như giảm giá phòng, miễn phí một số dịch vụ, khuyến mãi giá vé máy bay.
SARS khiến tốc độ phát triển du lịch chững lại, ngành công nghiệp không khói châu Á nhờ đó có dịp nhìn lại mình với nhiều lỗ hổng sau mùa bội thu. Đó là phát triển bề rộng, quy mô lớn nhưng chưa chú trọng đến chiều sâu về chất lượng dịch vụ, kiến thức của đội ngũ nhân viên, sản phẩm du lịch chưa đa dạng... Trong mội hội nghị du lịch châu Á - Thái Bình Dương, hầu hết đại biểu tham dự đều thống nhất rằng, để chuẩn bị khôi phục du lịch khi dịch SARS qua đi, hàng không - lữ hành - khách sạn... cần tập trung trước hết về khả năng đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng. Hiện tại, toàn ngành du lịch châu Á đã và đang thực thi chương trình tái huấn luyện nhân sự rất hiệu quả. SARS giúp người tiêu dùng tận hưởng sự đổi thay này.
Bắt đầu từ tháng 3/2003, mọi quốc gia châu Á đều áp dụng chính sách khuyến khích du khách trong nước và quốc tế. Liên minh du lịch Hongkong phát động Chiến dịch Chúng tôi yêu Hongkong với 3.000 thành viên tham dự. Hãng hàng không Cathay Pacific và Dragonair đưa ra 3.000 vé có mức giá ưu đãi (trong đó có 2.000 suất đi Australia, Anh và Canada). Nhà hàng Yung Kee thông báo dành 500 xuất thịt ngỗng quay nổi tiếng thế giới cho những người tiêu dùng hào hiệp, sẵn sàng chi nhiều tiền dùng các dịch vụ. Maxim's Caterers dành 1.000 suất vịt quay Bắc Kinh cho bất kể khách hàng có hoá đơn mua hàng tại nhà hàng, khách sạn hoặc tour du lịch ở địa phương trị giá 1.000 đôla Hongkong. Tập đoàn bán lẻ DFS Galleria tuyên bố tặng thêm 100 đôla Hongkong cho 10 người tiêu dùng đầu tiên mua hàng trị giá 500 đôla Hongkong...
Nhiều công ty du lịch Thái Lan áp dụng chính sách giảm giá tour đáng kể cho du khách. Hàng không Singapore cùng kết hợp với các hãng lữ hành chào mới tour với giá cả khá hấp dẫn.
Còn tại Việt Nam, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) áp dụng giảm 20% giá phòng khách sạn từ tháng 5 đến 30/9/2003 (thay vì đến 30/6/2003) cho du khách quốc tế có ký kết với các công ty lữ hành thuộc hệ thống Saigontourist, gồm các công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, Fiditourist, Cholon Tourist. Ðồng thời, giới thiệu Chương trình 2+1. Theo đó khách lưu trú 3 đêm liền tại các khách sạn, khu du lịch thuộc Saigontourist sẽ được miễn phí 1 đêm, chỉ trả tiền 2 đêm, áp dụng cho khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian từ 20/5 đến 30/9/2003.
Fiditourist hào hứng tiếp thị tour khuyến mãi Thái Lan với giá trung bình giảm 70 USD so với trước. Các tour Dubai-Ai Cập "Một điểm đến hai kỳ quan" (1.595 USD cho 7 ngày); Đức-Pháp-Bỉ-Hà Lan (12 ngày giá 2.365 USD); Mỹ (hai tuần, 3.450 USD) và Australia giá 1.900 USD cho 6 ngày cũng được tăng cường quảng bá trong dịp cuối tháng 4 đầu tháng 5.
Lần đầu tiên một khách sạn quốc tế 3 sao (khách sạn Bông Sen) thực hiện miễn phí tiền phòng ngủ đối với khách lưu trú, áp dụng cho tất cả mọi đối tượng khách hàng. Tham dự chương trình này, khách lưu trú sẽ được miễn phí hoàn toàn tiền phòng, không kể thời gian. Palace Hotel tuy không giảm giá phòng nhưng lại không tính chi phí đưa đón khách tại sân bay và một số dịch vụ sinh hoạt hàng ngày. Khách sạn Melia (Hà Nội) áp dụng giảm giá trung bình 20% cho khách hàng...
Giảm giá máy bay, phòng khách sạn thực ra là "cực chẳng đã" vì sau khi châu Á và thế giới khống chế được bệnh dịch SARS, sẽ làm khó khôi phục như mức bình thường, hoặc gây tâm lý hoài nghi cho người tiêu dùng về chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, điều mà ngành du lịch khu vực đang hướng tới là làm cho khách hàng biết đến mình. Trong hội thảo về tiếp thị du lịch, một chuyên gia châu Âu cho rằng, chỉ cần thuyết phục được khách hàng sử dụng sản phẩm, người ta khi đánh giá đúng chất lượng và ưu thế sản phẩm sẽ sẵn sàng trả giá cao để tiếp tục dùng nó.
Châu Á sát cánh kề vai thực hiện mục tiêu chung
Chỉ trong vòng 30 ngày (bắt đầu từ cuối tháng 3), rất nhiều hội nghị du lịch được tổ chức ở châu Á. SARS buộc mọi ngành, mọi người dân trong khu vực ý thức rằng, phải thực hiện một nỗ lực chung thực tế, hiệu quả mới nhanh chóng khắc phục được hậu quả của bệnh dịch này.
Tại cuộc họp Đặc biệt các nhà lãnh đạo Đông Nam Á ở Bangkok, đại biểu tham dự đã thông qua việc thành lập Chính sách thông tin mạng lưới ASEAN về SARS (AACIN). AACIN cho phép mọi thành viên chia sẻ thông tin đặc biệt là kinh nghiệm phòng chống hội chứng viêm đường hô hấp cấp.
Đối phó với Hội chứng viêm phổi cấp, Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc khẳng định thực thi mọi biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng thương mại , khuyến khích đầu tư và tăng cường hợp tác du lịch, đồng thời sẽ tiếp tục củng cố hợp tác kinh tế ASEAN – Trung Quốc.
Quan chức du lịch các quốc gia châu Á tại hội nghị PATA lần thứ 52 (Bali, Indonesia) đã cam kết cùng nhau phối hợp biện pháp chấn hưng ngành công nghiệp không khói được thông qua như giảm giá dịch vụ trong kinh doanh khách sạn và hàng không, tăng cường quảng cáo, giới thiệu tour trên phương tiện truyền thông...
Gần đây nhất là diễn đàn Clark Field diễn ra ở tỉnh Pampanga, Philippines với sự hiện diện của lãnh đạo ngành hàng không 9/10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các bên nhất trí phối hợp mọi hình thức an toàn chung nhằm ngăn chặn sự lan tràn của SARS. Bao gồm: yêu cầu bắt buộc trình thẻ chứng nhận y tế với mọi hành khách, sử dụng thiết bị kiểm tra nhiệt độ cơ thể ở các sân bay trong khu vực...Theo đó, ngày 15/6 sẽ có mẫu chung cho thẻ chứng nhận y tế.
Theo giới phân tích, tổn thất về con người và kinh tế do SARS gây ra cho châu Á nói riêng và thế giới nói chung lớn hơn nhiều so với ảnh hưởng của cuộc chiến Iraq. Tuy nhiên, SARS đã buộc ngành du lịch khu vực phải: tập trung phát triển nội lực, hướng đến tăng trưởng có chiều sâu và vững bền, tăng cường tìm kiếm thị trường-sản phẩm mới, đoàn kết các quốc gia châu Á và quốc tế, chú trọng khai thác tiềm lực nội địa... Âu cũng là sự đứng dậy vững vàng hơn sau một cú hích.
- Diệu Thuý