Hôm qua 28/1, tại Geneva (Thuỵ Sĩ), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức hội nghị qua điện thoại với nhiều công ty dược phẩm cũng như các phòng thí nghiệm quốc tế để bàn về việc phát triển vắc-xin chống cúm gà hiện nay - căn bệnh mà WHO lo ngại có thể trở thành đại dịch toàn cầu.
Làm việc giữa môi trường nhiễm dịch, với trang phục thường-ngày-ở-huyện như trên thì nguy hiểm quá! |
Mặc dù chưa có dấu hiệu cúm gà H5N1 lây lan từ người sang người song các quan chức cấp cao của WHO cho biết mục đích của việc phát triển vắc-xin là sẵn sàng đối phó với tình hình tồi tệ nhất. Klaus Stohr, giám đốc Chương trình Cúm toàn cầu của WHO, nói: ''Chúng tôi đang theo dõi tình hình và đang cố gắng tiến hành các biện pháp phòng ngừa nếu virus lan truyền từ người sang người''.
Theo các quan chức WHO, có thể phải mất 6 tháng nữa mới có vắc-xin song họ hy vọng nhanh chóng bào chế được vắc-xin mẫu làm cơ sở để sản xuất hàng loạt. Để có thể có vắc-xin mẫu, cần ít ra là 2 tháng nữa song sau đó cũng phải mất thêm nhiều thời gian để thử nghiệm độ an toàn. Các cuộc thử nghiệm ban đầu sẽ được tiến hành trên chồn sương và cuối cùng là thử nghiệm lâm sàng.
Hãy cứ tiêm vắc-xin cúm thông thường!
Stohr cho biết: Qua cuộc họp trên, đã có 11 công ty quốc tế sẵn sàng tham gia vào thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, WHO cũng xem xét đưa ra đề xuất tiêm vắc-xin ngừa các dạng cúm thông thường cho bất kỳ người nào đã tiếp xúc với gà nhiễm bệnh hoặc các gia cầm khác. Mặc dù vắc-xin cúm bình thường không thể bảo vệ con người chống lại cúm gà song họ hy vọng các chiến dịch tiêm chủng như vậy có thể ngăn chặn các virus cúm ở người kết hợp với virus cúm gà, tạo ra virus đột biến, mạnh và nguy hiểm hơn.
Một tập đoàn dược phẩm cho biết các thành viên sẽ tài trợ 220.000 liều vắc-xin cúm thông thường cho cuộc chiến chống cúm gà. Liên đoàn của các Hiệp hội Sản xuất Dược phẩm Quốc tế (IFPMA) cũng nói rằng có thể có nhiều vắc-xin hơn, nếu cần.
WHO đặc biệt lo ngại cho những người đang tham gia diệt gà ở Thái Lan, Việt Nam hoặc Trung Quốc khi các hình ảnh trên vô tuyến cho thấy nhiều người đang làm việc mà không có quần áo bảo hộ. Stohr cho biết: ''Những người này có nguy cơ nhiễm bệnh và việc giết gà không có thiết bị bảo hộ làm tăng nguy cơ cùng lây lan của các virus''.
Chưa một ai chắc chắn cúm gà hiện nay lây lan như thế nào song các loài chim di cư là kẻ bị tình nghi số một. Các nhà khoa học cũng chưa biết tại sao tỉ lệ tử vong do cúm gà ở trẻ em hiện nay lại cao tới như vậy (7 trong số 10 ca tử vong tại Thái Lan và Việt Nam là trẻ em dưới 16 tuổi). Nếu cúm gà H5N1 lây lan cao hiện nay đột biến lây lan giữa người và người, sức khoẻ của hàng triệu người có thể phải trông cậy vào một kỹ thuật chuyển đổi gene chưa được thử nghiệm (do các phòng thí nghiệm Mỹ nghiên cứu).
Kỹ thuật mới sản xuất vắc-xin cúm
Vấn đề mà các quan chức y tế công cộng hiện đang đối mặt là: phương pháp truyền thống phát triển vắc-xin - liên quan tới việc nuôi cấy virus trong trứng gà mái đã được thụ tinh - tỏ ra hết sức khó khăn đối với dạng H5N1 đang hoành hành hiện nay. Kỹ thuật di truyền nghịch có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phản ứng nhanh với cúm gà. Kỹ thuật mới này có thể tái tạo dạng virus cúm gà H5N1 sao cho virus không chỉ sinh trưởng mạnh trong trứng gà mà còn không gây nguy hiểm cho nhân viên trong các nhà máy sản xuất vắc-xin.
Các nhà khoa học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh Liên bang ở Atlanta, Mỹ, đang sử dụng kỹ thuật di truyền nghịch để bào chế vắc-xin ngừa cúm gà châu Á. Công việc tương tự cũng đang được tiến hành ở các phòng thí nghiệm tại London và Memphis thông qua sự phối hợp với WHO. Sau khi tạo được dạng H5N1 đảm bảo hai điều kiện nêu trên, việc sản xuất vắc-xin hàng loạt vẫn có thể phải sử dụng kỹ thuật truyền thống: nuôi loại virus đó trong trứng gà để chúng nhân lên nhiều lần.
Đa phần bí quyết về kỹ thuật di truyền nghịch để bào chế vắc-xin được dấu kín dưới hình thức các bằng sáng chế do Công ty Sinh học MedImmune nắm giữ. Công ty này có được các bằng sáng chế khi mua Công ty Sản xuất Vắc-xin Aviron vào năm 2002. Trước đó, Aviron cũng đã mua bằng sáng chế từ Mount Sinai vào năm 1993. Theo một thoả thuận với WHO vào năm ngoái, MedImmune đã nhất trí cấp giấy phép sử dụng công nghệ di truyền nghịch cho các nhà sản xuất dược phẩm khác để bào chế vắc-xin mới trong trường hợp có đại dịch toàn cầu.
Kỹ thuật di truyền nghịch cho phép các nhà nghiên cứu tạo ra virus cúm bằng cách sử dụng công cụ sinh học để loại bỏ các tính trạng gây chết người của virus, đồng thời giữ lại tính trạng kích thích kháng thể trong hệ miễn dịch của con người. Các virus cúm sử dụng một chuỗi amino acid, gọi là RNA, với tư cách là bộ gene của chúng. Chuỗi anino acid này dễ gãy hơn so với ADN (ADN mang thông tin di truyền của các dạng sống cao hơn). Kỹ thuật di truyền nghịch biến 8 gene RNA của virus cúm thành ADN. Những ADN này sẽ được xử lý trong phòng thí nghiệm để bổ sung hoặc loại bỏ các tính trạng.
Mục đích của các nhà sản xuất vắc-xin của WHO là lấy lớp vỏ protein ngoài của virus cúm gà H5N1 để khử các tính trạng nguy hiểm của nó. Sau đó, vỏ ngoài được chuyển đổi gene này được ghép lên lõi của một dạng cúm năm 1934. Loại virus này sinh trưởng dễ dàng trong trứng. Sau đó, họ nuôi cấy virus trong trứng để nhân chúng lên nhiều lần, giết chết virus và tinh lọc các mẫu thuộc lớp vỏ ngoài của virus. Những mẩu này sẽ kích thích các kháng thể bảo vệ trong cơ thể người khi được tiêm vào cánh tay.
Minh Sơn (Tổng hợp)