Chiều nay 28/1, tại Bangkok (Thái Lan) đã diễn ra hội nghị kín bàn các biện pháp đối phó với tình hình cúm gà. 13 quốc gia châu Á, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều tổ chức quốc tế cùng dự hội nghị "thượng đỉnh" kéo dài 3 giờ này, sau khi Trung Quốc vừa khẳng định dịch cúm gà xảy ra ở 3 tỉnh Quảng Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc, còn bản đồ cúm gà châu Á đang lan dần.
Chống cúm gà: cần tinh thần minh bạch và hợp tác
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã thừa nhận sai lầm và kêu gọi các quốc gia hợp tác để chống lại virus cúm gà nguy hiểm. Các quốc gia bị ảnh hưởng phải chống lại một kẻ thù ''nguy hiểm không kém gì SARS'' - căn bệnh giống viêm phổi đã cướp đi sinh mạng của gần 800 người vào năm ngoái. Ông nói: ''Cúm gà không chỉ đe doạ tới các nền kinh tế khu vực, buộc nhiều nước phải giết hàng triệu con gà, mà còn là mối đe doạ nghiêm trọng đối với sức khoẻ công chúng. Sự minh bạch và cung cấp đầy đủ thông tin có ý nghĩa quan trọng trong việc khôi phục lòng tin cho quảng đại quần chúng''.
Thủ tướng Thái Lan nói tiếp: ''Để ngăn chặn virus cúm gà lây lan nhanh, các quốc gia cần phản ứng mau lẹ, thu thập số liệu khoa học đáng tin cậy, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với nhau. Do đó, chúng ta có thể tránh được tình trạng thoả mãn với chính mình và phản ứng thái quá''. Được biết ông Thaksin Shinawatra sẽ thúc giục các quốc gia đưa ra kế hoạch cụ thể để chống lại cúm gà.
He Changchui, đại diện của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) tại khu vực châu Á Thái Bình dương, nói hội nghị này cho thấy dịch cúm gà đã trở thành một vấn đề có tầm quan trọng lớn về chính trị và thể hiện tinh thần sẵn sàng cùng nhau giải quyết vấn đề của các chính phủ.
Phát ngôn viên Peter Cordingley của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi cần có sự quay trở lại của ''tinh thần chống SARS'' tại hội nghị Bangkok này. Ông nói: ''Dịch SARS đã mang tới tinh thần minh bạch và hợp tác giữa các quốc gia. Đó là cái chúng ta cần tại hội nghị cúm gà. Chúng ta cần các quốc gia mở cửa và chia sẻ thông tin giống như họ đã làm khi đối phó với SARS''. Ông Cordingley hy vọng hội nghị sẽ gửi thông điệp tới mọi các quốc gia trên thế giới về mức độ nghiêm trọng của dịch cúm gà. Theo WHO, chim nước di cư có thể lan truyền bệnh dịch này.
Tranh cãi về... vắc-xin
Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 8 bệnh nhân tử vong. Tiếp theo là Thái Lan, nơi đã có hai bé trai chết do nhiễm cúm gà.
Các nhà chức trách Thái Lan đã xác định 134 điểm có dịch cúm chim, mỗi điểm có bán kính 5km. Trung Quốc, Campuchia, Lào, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan và Đài Loan cũng bị ảnh hưởng song virus gây chết gia cầm ở Pakistan, Lào và Đài Loan là dạng cúm gà khác biệt, yếu hơn. Các quan chức Myanmar đang phủ nhận báo cáo từ phía Mỹ rằng quốc gia này cũng có dịch cúm gà.
Julie Hall, điều phối viên của WHO tại Bắc Kinh, cho biết cúm gà bùng phát tại Trung Quốc là rất đáng lo ngại. Điều khẩn cấp bây giờ là nhanh chóng đối phó với tình hình dịch bệnh. Khoảng 14.000 con vịt đã bị giết tại một trang trại ở tỉnh Quảng Tây trong khi 2.000 con gà bị tiêu huỷ ở Hồ Bắc và Hồ Nam. Nhà virus học Leo Poon thuộc Đ H HongKong nói: ''Các virus thuộc dòng H5 thường ít gây hại cho vịt. Do vậy, vịt tại miền Nam Trung Quốc chết với số lượng lớn là điều không bình thường. Nó cho thấy virus H5N1 đã trở nên mạnh và nguy hiểm hơn, có thể gây tử vong hàng loạt ở gia cầm và tăng nguy cơ lây nhiễm sang người''.
Một người hối hả rao bán vịt trên đường phố Bắc Kinh, sau khi Trung Quốc khẳng định cúm gà đã làm chết hàng ngàn vịt ở Quảng Tây. |
Mặc dù tính nguy hiểm của virus H5N1 hiện nay cho thấy nó đã đột biến song các chuyên gia vẫn còn tranh cãi liệu vắc-xin được tiêm cho gà ở Hong Kong và nhiều vùng ở Trung Quốc còn hữu ích hay không, do vắc-xin này được phát triển từ dạng virus H5N2 (yếu hơn H5N1).
Theo Frederick Leung, trưởng Khoa Khoa học tại ĐH Hong Kong, vắc-xin H5N2 này có hiệu quả ở 80% gà được tiêm song nó được dựa trên dạng H5N1 bùng phát tại Hong Kong vào năm 1997. Do đó, hiệu quả của nó sẽ ít hơn 80% và thậm chí là vô tác dụng.
Minh Sơn (Tổng hợp)