(VietNamNet) - Hệ điều hành thuần Việt - Vietkey Linux, phần mềm đoạt giải nhất cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2002, được hoàn thiện sau hơn 9 tháng, tối qua (4/9) đã chính thức ra mắt và đưa vào sử dụng. Không chỉ phá bỏ rào cản ngôn ngữ (tiếng Anh) khi tiếp cận công nghệ thông tin (CNTT), tăng cường khả năng an ninh, bảo mật, Vietkey Linux còn góp phần làm giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền và tiết kiệm kinh phí khi cài đặt và ứng dụng.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt do Vietkey Group tổ chức với sự hỗ trợ của Hội Tin học Việt Nam và Ban tổ chức cuộc thi Trí tuệ Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khen ngợi, với việc đưa vào sử dụng Hệ điều hành thuần Việt - Vietkey Linux, các kỹ sư CNTT của Việt Nam hoàn toàn có năng lực làm chủ công nghệ. Không những thế, còn giúp người dân dễ dàng hơn trong việc sử dụng máy tính, đặc biệt là khi ở Việt Nam, tỷ lệ người không biết tiếng Anh là rất lớn. Một hệ điều hành riêng của Việt Nam với các ứng dụng nguồn mở thuần Việt sẽ giúp phá bỏ rào cản về ngôn ngữ đối với những người lần đầu tiên tiếp xúc với máy tính, từ đó, tác động quan trọng tới việc phổ cập tin học và Internet tới mọi người dân.
Không chỉ vậy, một sản phẩm do người Việt Nam phát triển sẽ khẳng định tính chủ quyền cũng như tăng cường khả năng an ninh, bảo mật - điều kiện quan trọng đối với những hệ thống tin học của các cơ quan Chính phủ.
Bên cạnh vấn đề phổ cập tin học, một hệ điều hành hoàn toàn của Việt Nam sẽ giúp tháo gỡ khó khăn trước mắt do thời điểm hội nhập quốc tế và khu vực đang tới gần. Việt Nam sẽ buộc phải tuân thủ Luật Bản quyền theo lộ trình AFTA hay Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, và xa hơn nữa là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Khi đó, hệ điều hành "nội" này sẽ giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho Việt Nam so với việc phải mua phần mềm của Microsoft.
Thời gian qua, trong khi trên thế giới, 56 quốc gia đã tiến một bước rất xa về phần mềm nguồn mở (đặc biệt là Trung Quốc mới đây đã quyết định chỉ sử dụng các phần mềm nội địa cho các cơ quan chính phủ), thì Việt Nam vẫn đang còn chập chững ở những bước đi ban đầu. Chính vì vậy, nỗ lực của Vietkey Group đã nhận được sự cổ vũ của tất cả mọi người, trong đó có giới CNTT và các cơ quan quản lý.
Ngay trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, Vietkey Group đã kết hợp chặt chẽ với nhiều đơn vị khác như Tổng công ty Điện tử Tin học Việt Nam, một số đơn vị sản xuất phần mềm trong nước và các đơn vị sản xuất máy tính thương hiệu Việt Nam như Mekong Xanh, VTB, Điện tử Huế, FPT... để đưa sản phẩm ra thị trường.
Ông Đặng Minh Tuấn, Trưởng nhóm Vietkey, cho biết, để hỗ trợ mục tiêu phổ cập tin học và Internet, Vietkey Group đã quyết định miễn phí bản quyền Hệ điều hành máy tính Vietkey Linux 3.0 cho cộng đồng sử dụng máy tính của Việt Nam. Song song đó, Vietkey Group cũng sẽ hỗ trợ trong việc đào tạo sử dụng hệ điều hành này. Phối hợp với Trung tâm đào tạo tin học PT và một số tổ chức khác, nhóm đã hoàn thiện bộ giáo trình đào tạo phần mềm mã nguồn mở và tin học thuần Việt. Hiện hai bên đã tiến hành đào tạo cho Trường PTTH Tây Hồ và Trường đội Lê Duẩn. Cũng mới đây, Vietkey Group đã chính thức được Sun Microsystems công nhận là đơn vị đầu mối bản địa hoá tiếng Việt cho sản phẩm OpenOffice ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã nhắc nhở, việc triển khai và ứng dụng hệ điều hành này không phải là dễ, khi người Việt Nam có thói quen sử dụng hệ điều hành của Microsoft, cũng như tỷ lệ vi phạm bản quyền ở nước ta còn rất cao. Đây cũng là tồn tại lớn, thách thức lớn đối với nhóm Vietkey Group.
Theo ông Đặng Minh Tuấn, ngay sau khi đoạt giải tại cuộc thi "Trí tuệ Việt Nam", Vietkey Goup đã tập trung toàn bộ nguồn lực để tiếp tục phát triển sản phẩm này. Nhóm đã tuyển và đào tạo thêm 14 thành viên mới. Trong thời gian ngắn, Vietkey Goup đã có thêm một phiên bản mới với những nâng cấp vượt bậc so với phiên bản mang đi dự thi. Cùng với hệ điều hành này, nhóm cũng cho ra đời 4 sản phẩm khác cũng trong dòng giải pháp mã nguồn mở. Đó là bộ phần mềm soạn thảo tin học văn phòng thuần Việt (phần mềm tương đương của Microsoft có giá trị hơn 400 USD/máy), bộ trình duyệt web tiếng Việt, phần mềm cho máy chỉ dựa trên mã nguồn mở (tương đương 5.000 USD/máy nếu sử dụng phần mềm của Microsoft). Đặc biệt, Vietkey Group cũng đưa ra giải pháp máy tính chuyên dụng giá thành thấp, hoàn toàn thuần Việt, phù hợp với trên 10.000 điểm truy cập văn hoá xã. Đây là những sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam, được một số chuyên gia đánh giá cao về mặt khoa học và thực tiễn. |
-
Hạnh Phương