Cừu Dolly |
Cừu Dolly - động vật có vú đầu tiên được nhân bản từ một tế bào của một con cừu cái trưởng thành - đã qua đời vào chiều qua (14/2) sau khi mắc một dạng bệnh phổi nghiêm trọng. Sự kiện ra đời của nó cách đây 6 năm rưỡi gây sốc cho toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều con cừu bình thường thọ gấp đôi Dolly và cái chết của nó sẽ làm cho sự tranh cãi về tuổi thọ và sức khoẻ của động vật nhân bản trở nên nóng bỏng hơn.
Cừu Dolly có mặt trắng và lông xoăn màu kem. Được các chuyên gia cho ăn bằng tay, nó rất thân thiện với con người. Trái ngược với những người anh em chịu được rét của nó - những con cừu Dorset Phần Lan được thả ra ngoài để gặm cỏ trên các sườn đồi dốc ở Scotland, Dolly sống trong nhà. Nó đứng bằng hai chân sau để dí mũi vào các vị khách để tìm kiếm thức ăn mà họ ban phát.
Một số nhà khoa học tin rằng hành vi này làm cho cừu Dolly bị viêm khớp, chứ không phải là kỹ thuật nhân bản. Ian Wilmut, nhà khoa học nhân bản cừu Dolly cho biết cơ thể của nó sẽ được mổ xẻ cẩn thận để xác định nguyên nhân cái chết. Tiến sĩ Robert Lanza thuộc Công ty công nghệ tế bào tiên tiến ở Massachusetts nhận xét: ''Có một khả năng rằng bệnh của Dolly không liên quan tới nhân bản. Có một loại virus mà những con cừu ở độ tuổi gần bằng Dolly bị nhiễm. Loại virus đó có thể gây viêm khớp và nhiễm trùng hô hấp, đặc biệt là những động vật nuôi trong nhà''.
Lanza nói: ''Rõ ràng cái chết của Dolly là tin tức đáng buồn. Tất cả chúng tôi hy vọng Dolly sẽ sống tới già. Nó là một biểu tượng của tất cả những nghiên cứu mà chúng tôi đang tiến hành''. Đối với Lanza, cái chết của động vật có vú đầu tiên được nhân bản này làm sáng tỏ quan điểm phản đối nhân bản người của đại đa số các nhà khoa học.
Ca sĩ Dolly Parton
Sau khi tin tức về cái chết của cừu Dolly được loan báo, cổ phiếu của Geron, Công ty mua quyền sở hữu công nghệ tạo cừu Dolly tại California, đã giảm 16%. Mẹ hay cũng có thể gọi là con cừu sinh đôi với Dolly chết nhiều năm trước khi Dolly chào đời. Dolly được tạo ra từ một tế bào đông lạnh. Tế bào đó được lấy từ tuyến vú của con cừu cái trên. Wilmut cho biết ông đã lấy tên của Dolly Parton, ca sĩ người Mỹ nổi tiếng với hai ''trái đào'' của cô.
Mọi người biết Dolly là một bản sao gần như chính xác song không mấy ai biết nhóm của Giáo sư Wilmut đã thí nghiệm nhân bản 276 phôi thai cừu. Cừu Dolly là thành quả duy nhất của thí nghiệm đó. Mike Bishop, Cựu Chủ tịch của Infigen Inc. - công ty nhân bản vật nuôi, cho rằng rõ ràng là cừu Dolly chết sớm. Tại một nông trường ở Wiscosin, Mỹ, ông nói: ''Ở đây chúng tôi có những con cừu cái 8-9 tuổi đang sinh con''. Phần lớn cừu không bao giờ sống tới già và chúng bị loại ra để làm thịt ngay khi không còn khả năng sinh sản.
Telomere ngắn
Một số động vật nhân bản, bao gồm cừu Dolly, có telomere ngắn hơn các động vật khác cùng tuổi. Telomere là những mẩu ADN bảo vệ đầu của các nhiễm sắc thể. Nghiên cứu cho thấy telomere hành động như các đồng hồ phân tử chỉ đạo tiến trình lão hoá trong tế bào.
Có những nghiên cứu mâu thuẫn nhau về tuổi thọ của động vật nhân bản. Vào tháng 11/2001, Công ty nhân bản Công nghệ tế bào tiên tiến ở Mỹ cho biết một cuộc điều tra chi tiết 24 con bò nhân bản cho thấy tất cả đều bình thường.
Một nghiên cứu chuột nhân bản do Viện nghiên cứu Bệnh lây nhiễm quốc gia ở Tokyo, Nhật Bản, tiến hành vào tháng 2/2002 cho thấy chúng có tuổi thọ ngắn hơn chuột bình thường. Vào ngày 2/2/2003, con cừu nhân bản đầu tiên của Australia chết khi được 2 tuổi 10 tháng. Nguyên nhân của cái chết vẫn chưa được làm rõ và xác chết của con cừu này đã được hoả thiêu nhanh chóng do nó phân huỷ rất nhanh.
Hiện việc nhân bản vật nuôi đã trở nên phổ biến. Động vật nhân bản đang được gây giống để tạo protein của người phục vụ mục đích chữa bệnh và lấy thịt. Một số nước cũng nhân bản các loài động vật quý hiếm nhằm bảo vệ chúng khỏi bị tuyệt chủng chẳng hạn như gấu trúc.
(Minh Sơn - Theo NewScientist, Reuters)