Cừu Dolly khi còn sống |
Dolly - con cừu trở nên nổi tiếng là động vật có vú đầu tiên trên thế giới được nhân bản từ một tế bào của một con cừu trưởng thành khác - đã qua đời. Viện Roslin, trung tâm nghiên cứu tại Scotland tạo ra Dolly, đã khẳng định thông tin này vào hôm qua (14/2).
Trong một tuyên bố, Viện Roslin cho biết đã quyết định ''đưa cừu Dollly vào giấc ngủ vĩnh viễn'', nhẹ nhàng, sau khi một cuộc kiểm tra thú y cho thấy nó mắc bệnh nhiễm trùng phổi nghiêm trọng và không thể cứu chữa.
Dolly chào đời ngày 5/7/1996 và sự kiện này được giữ bí mật trong nhiều tháng trong khi những người tạo ra nó ở Viện Roslin và PPL Therapeutics Plc - một công ty công nghệ sinh học nhỏ ở Scotland - kiểm tra cẩn thận dòng giống của ''nàng cừu'' này. Tuyên bố về sự ra đời của Dolly vào tháng 2/1997 làm cho toàn thế giới bị sốc.
Tiến sĩ Harry Griffin thuộc Viện Roslin cho biết: ''Cừu có thể sống tới 11 hoặc 12 năm và nhiễm trùng phổi thường phổ biến ở những con cừu già hơn, đặc biệt là những con bị nhốt trong nhà. Chúng tôi đang tiến hành khám nghiệm tử thi và sẽ thông báo mọi kết quả quan trọng''. Dolly là một con cừu được tạo ra hoàn toàn là có chủ ý. Thậm chí tên của nó được lựa chọn để tạo sự hấp dẫn.
Cừu Dolly và con của nó, Bonnie |
Sự ra đời của cừu Dolly được dự đoán là một trong những đột phá khoa học quan trọng của thập kỷ 90. Tuy nhiên nó cũng làm dấy lên sự tranh luận kéo dài về đạo đức nhân bản. Dolly, một con cừu giống Dorset Phần Lan, được nhân giống bình thường 2 lần với một con cừu đực núi xứ Wale tên là David. Lần đầu tiên Dolly sinh con (được đặt tên là Bonnie) vào tháng 4/1998. Sau đó, nó sinh thêm 3 cừu con nữa vào năm 1999.
Viêm khớp
Tuy nhiên, vào tháng 1 năm ngoái tình hình sức khoẻ của nó khiến các chuyên gia lo lắng vì họ chẩn đoán nó mắc một dạng viêm khớp. Viêm khớp thường thấy ở những động vật lớn tuổi hơn và một cuộc tranh luận nữa nổ ra về tuổi thực sự của Dolly cũng như nguy cơ lão hoá sớm ở động vật nhân bản.
Vào thời gian đó, Giáo sư Ian Wilmut, trưởng nhóm nhân bản cừu Dolly, cho biết viêm khớp ở Dolly cho thấy các kỹ thuật nhân bản chưa hoàn thiện và giới khoa học cần nghiên cứu nhiều hơn nữa. Theo Tiến sĩ Patrick Dixon, một người viết về đạo đức nhân bản người, bản chất cái chết của Dolly có tác động lớn tới triển vọng nhân bản người. Ông nói: ''Vấn đề thực sự là cừu Dolly chết vì nguyên nhân gì và liệu cái chết đó có liên quan tới lão hoá sớm hay không. Theo các tiêu chuẩn của cừu thì nó chưa già''.
Phát biểu trên kênh tin tức BBC 24, Giáo sư Wilmut cho biết sự ra đời của cừu Dolly là một sự kiện quan trọng. Ông nói: ''Sự thực là chúng ta có thể tạo ra một động vật từ một tế bào của một động vật trưởng thành khác. Nó có tác động sâu sắc tới nghiên cứu sinh học cũng như trong y học''.
Giáo sư Richard Gardner, Chủ tịch nhóm nghiên cứu tế bào gốc và nhân bản liệu pháp thuộc Hiệp hội Hoàng gia cho biết: ''Chúng ta phải đợi kết quả khám nghiệm tử thi cừu Dolly để đánh giá liệu cái chết tương đối sớm của nó có liên quan gì tới việc nó là một động vật nhân bản hay không. Nếu có liên quan, đó sẽ là một bằng chứng nữa về nguy cơ vốn có trong nhân bản sinh sản và sự vô trách nhiệm của bất kỳ người nào đang cố nhân bản người''. Người ta đã hứa trao xác cừu Dolly cho Viện bảo tàng quốc gia Scotland và nó sẽ được trưng bày tại Edinburgh vào thời điểm thích hợp.
(Minh Sơn - Theo BBC)