Xác ướp Ai Cập. |
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm các hoá chất được tìm thấy trong chất dẫn xuất này của cây tuyết tùng trên sườn lợn tươi. Kết quả cho thấy nó có tác dụng diệt khuẩn cực cao song không làm tổn thương mô của cơ thể. Ulrich Weser thuộc ĐH Tuebingen cho biết: ''Khoa học hiện đại cuối cùng đã tìm ra bí mật tại sao một số xác ướp lại có thể tồn tại trong hàng nghìn năm''.
Khám phá trên sẽ làm các nhà nghiên cứu Ai Cập ngạc nhiên bởi trước đó họ nghĩ rằng người Ai Cập cổ đại sử dụng dầu ướp chiết xuất từ cây bách xù chứ không phải tuyết tùng. Nhóm nghiên cứu cũng đã thử nghiệm các chất chiết xuất từ cây bách xù song kết quả là chúng không chứa chất bảo quản guaiacol.
Weser cho biết mặc dù người cổ xưa đã đề cập tới ''nước ép từ cây tuyết tùng'' song các học giả hiện đại lại tin rằng chất bảo quản được lấy từ cây bách xù. Nguyên nhân là do trong tiếng Hy Lạp tên gọi của hai loài cây này giống nhau và giới khảo cổ tìm thấy bàn tay của một số xác ướp nắm chặt quả của cây bách xù.
Do lo ngại về các vụ ăn trộm vật báu trong mồ nên người Ai Cập cổ đại, những người đã ướp xác chết với hy vọng họ sẽ sống vĩnh viễn, buộc phải chôn lãnh đạo quá cố sâu hơn. Ở tầng đất sâu hơn, tiến trình phân huỷ xác sẽ xảy ra nhanh hơn. Điều đó có nghĩa là họ phải tìm ra một chất bảo quản tốt không kém gì ướp muối cho cơ thể.
Nhóm nghiên cứu đã chiết xuất dầu tuyết tùng bằng cách sử dụng phương pháp mà nhà bách khoa La Mã Pliny đã đề cập tới trong một tác phẩm của ông. Ông đã viết về một loại dầu ướp xác tên là ''cedrium''. Họ tìm thấy nhựa của gỗ tuyết tùng chứa chất bảo quản guaiacol. Weser cho biết: ''Bằng khoa học của thế kỷ 21, chúng tôi có thể chứng minh tính chính xác của những gì mà Pliny đã viết''.
(Minh Sơn - Theo Reuters)