Các kỹ thuật viên đang lắp đặt mạng siêu máy tính Big Mac. |
Bất cứ ai trong giới công nghệ thông tin đều muốn được sở hữu một chiếc "siêu máy tính" theo đúng nghĩa đen của từ này. Nhưng với cái giá 100 triệu USD/chiếc, đây không phải là điều dễ dàng. Vậy mà với 5 triệu USD, tập thể giáo viên và sinh viên Trường Công nghệ Virginia Tech (Mỹ) vừa tạo được một trong những "siêu máy tính" mạnh nhất thế giới có tên gọi thân mật là Big Mac.
"Siêu máy tính" được kết nối từ 1.000 máy tính G5 đời mới nhất của Apple. Nó có khả năng thao tác 17,6 tỷ tỷ phép tính dấu phẩy động trong 1 giây và có dung lượng lưu trữ lên tới 176 terabyte. Pat Arvin, Điều phối viên dự án tại Virginia Tech, cho biết: "Mỗi máy G5 là một bộ xử lý song song có tốc độ 2 GHZ và bộ nhớ 4GB. Vì thế nó chạy cực nhanh".
Sử dụng 2.900 sợi cáp, mạng máy tính Apple chạy nhanh gấp 100 lần mạng kết hợp thông thường. Nhưng khâu khó nhất trong việc chế tạo "siêu máy tính" là tính ổn định. Tiến sĩ Srinidhi Varadarajan, kiến trúc sư trưởng của dự án, đã phải viết một chương trình đặc biệt có tên Deja Vu sao cho khi đang thực hiện một phép tính kéo dài hàng tuần, có khi hàng tháng, nếu có máy trục trặc thì có ngay máy khác thay thế. Ông nói: "Việc này cũng giống như phẫu thuật tim thôi, bởi vì bạn phải thao tác máy tính và di chuyển một ứng dụng lúc máy tính đang chạy. Bạn không thể ngừng chương trình lại được, và đấy chính là đặc trưng của hệ thống này".
Đầu tháng 9, các bộ máy G5 bắt đầu được chở đến để tiến hành lắp đặt. Theo Jason Lockhart, giám đốc điện toán của dự án, họ cần phải hoàn thành nhanh chóng công việc trong tháng 10 theo đơn đặt hàng của Quỹ Khoa học Quốc gia. Nếu không, Quỹ sẽ mất tín nhiệm với hàng ngũ siêu điện toán toàn cầu, đồng thời bản thân trường Virginia Tech cũng mất cơ hội cạnh tranh với các dự án nghiên cứu khoa học hàng đầu, trị giá hàng trăm triệu đôla mỗi năm.
Với dự án Big Mac, Trường Virginia Tech đã tạo nên một cuộc cách mạng trong thế giới siêu máy tính, tạo tiền đề cho các cơ quan khác làm theo. Tiến sỹ Varadarajan cho biết: "Nói chung, dự án cỡ lớn như thế này thường góp phần mang lại ứng dụng tốt nhất cho nghiên cứu khoa học quy mô lớn. Chẳng hạn như trong ngành điện tử nano: Nếu anh muốn tạo được loại chip máy tính cho 30 năm tới, anh cần phải xem xét trên quy mô hạt nhân, trong đó mỗi hạt nhân đóng vai trò một công tắc".
(Khánh Hà - Theo BBC)