Lợn nhân bản sẽ trở thành nguồn cung cấp cơ quan cấy ghép cho người |
Việc nhân bản một con lợn nhỏ, thiếu cả hai bản sao của một gene liên quan tới đào thải miễn dịch trước mắt, làm triển vọng cấy ghép các cơ quan của lợn cho người tiến thêm một bước. Các cơ quan của con lợn nhỏ đó có kích thước tương đương với cơ quan của người
.Sự ra đời của chú lợn Goldie 2 tháng tuổi - sản phẩm nhân bản của Công ty Immerge BioTherapeutics, Mỹ, được tuyên bố tại một cuộc họp báo ở New Zealand vào hôm Chủ nhật (12/1). Tiến trình nhân bản có ý nghĩa quan trọng bởi nó đảm bảo mọi tế bào trong cơ thể lợn thiếu gene liên quan tới đào thải. Mỗi năm có hàng nghìn người chết trong khi chờ đợi được cấy ghép các cơ quan. Công ty Immerge BioTherapeutics hy vọng tạo ra một đàn lợn nhỏ, làm nguồn cung cấp các cơ quan nội tạng phục vụ cấy ghép cho người.
Lợn Goldie thiếu cả 2 bản sao của gene alpha-1-galactosyltransferase. Gene này mã hoá một enzyme. Enzyme đó bổ sung một loại đường cho bề mặt tế bào của lợn. Kháng thể của con người thường tấn công chính loại đường này sau khi bệnh nhân nhận cơ quan cấy ghép. Tuy nhiên, không có hai bản sao của gene trên, kháng thể không tấn công và hiện tượng đào trước mắt được ngăn chặn.
Công ty Immerge cho biết đang lên kế hoạch tiến hành các nghiên cứu lâm sàng trên một số động vật linh trưởng. Tuy nhiên, Goldie không phải là con lợn nhân bản đầu tiên thiếu 2 bản sao của gene trên. Vào tháng 8/2002, Công ty PPL Therapeutics tại Anh tuyên bố sự ra đời của 5 con lợn nhỏ có kích cỡ bình thường. Chúng cũng thiếu hai bản sao của gene alpha-1-galactosyltransferase.
Công ty Immerge tin rằng những con lợn do công ty này tạo ra sẽ là một nguồn cung cấp nội tạng cấy ghép tốt hơn do chúng có kích cỡ nhỏ. Đây có thể là một lợi thế song nó không loại trừ những con lợn của PPL. Một giải pháp sẽ là lấy cơ quan từ những con lợn con có kích thước bình thường. Các cơ quan đó có thể ngừng tăng trưởng thêm nữa khi được cấy ghép cho con người.
Đào thải trong tương lai
Các nhà chỉ trích cho rằng cấy ghép khác loài kiểu này làm cho retrovirus trong ADN của lợn truyền sang người. Tuy nhiên, các cuộc kiểm tra trong phòng thí nghiệm do Immerge tiến hành trên những con lợn mini cho thấy điều này không xảy ra. Theo Giáo sư phẫu thuật thí nghiệm Derek Gray thuộc Đại học Oxford, Anh, mặc dù việc tạo ra lợn Goldie có thể giải quyết vấn đề đào thải trước mắt song có một tiến trình đào thải chậm hơn mà trong đó cơ quan được cấy ghép bị tế bào máu trắng của người nhận tấn công.
Giới khoa học vẫn chưa hiểu rõ cơ chế đó song đó có thể là hệ miễn dịch của con người. Hệ miễn dịch nhận ra mọi protein đơn lẻ của lợn. Protein của chúng khác với con người. Sau nhiều năm nghiên cứu, cấy ghép cơ quan của lợn cho người dường như vẫn là một triển vọng xa vời. Giải quyết được vấn đề đào thải lâu dài có thể làm cho việc cấy ghép khác loài trở nên khả thi.
Trong tương lai, cấy ghép khác loài sẽ đối mặt với sự cạnh tranh trong một số lĩnh vực chẳng hạn như mô được tạo ra từ tế bào gốc phôi thai của người.
(Minh Sơn - Theo NewScientist)