Lũ muộn bất thường, dân miền Tây bỏ xứ
- Từ “làng lưới”, “làng lờ”, “làng lợp” đến “làng đóng xuồng” nức tiếng Đồng Tháp Mười, ở đâu chúng tôi cũng nghe những tiếng thở dài của người dân về chuyện nước lũ không về. Người dân nói đây là mùa lũ buồn nhất xứ này trong mấy chục năm nay.
Nước “bặt tăm”, thiệt đủ đường
“Lưới anh hai ơi”, “Lưới anh hai ơi”… ba bốn người bán lưới cùng đon đả mời nhưng người đàn ông có dáng vẻ giống dân đánh cá chỉ đứng tần ngần một lúc rồi bỏ đi, không buồn hỏi giá.
Đã sáng bảnh mắt nhưng “chợ lưới” nổi tiếng ở ngã ba Vĩnh Thạnh ( Tỉnh lộ 89 – Quốc lộ 80, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) vẫn vắng ngắt.
Lũ không về, nước chỉ lấp xấp trên các cánh đồng đầy cỏ. Ảnh: Trung Thanh |
“Mọi năm khoảng từ tháng 8 (âm lịch) là khách từ Long An, Vĩnh Long, An Giang đã nườm nượp kéo đến mua lưới, bán không kịp nghỉ. Giờ đã giữa mùa lũ rồi mà có hôm bán chẳng được tay lưới nào”, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, dân bán lưới kỳ cựu ở đây chua chát nói.
Ngừng một lát, bà Thủy cho hay: “Đang mùa lũ mà trên đồng, nước cũng không ngập nổi ngọn cỏ thì cá tôm làm sao nhiều được. Nghe nói, sông Mê Kông bị người ta chặn ở đầu nguồn nên nước lũ không về nữa. Nước nôi kiểu này riết rồi đến con cá linh cũng hiếm" .
Chợ lưới đìu hiu. Ảnh: An Bang |
Đến làng đan lờ, làng đan lợp” (dụng cụ bắt cá phổ biến mùa nước nổi) ở ấp Long Bửu và ấp Long Bình, xã Hòa Long, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) tiếng thở dài của người dân về chuyện lũ không về lại càng nẫu ruột hơn.
“Mọi năm giờ này vào ấp này là thấy nhà nào cũng đan lờ, đan lợp nhưng giờ chỉ còn vài ba nhà mần thôi. Lũ không về nên lờ lợp đan để đó ngó chứ chẳng ai mua”, bà Nguyễn Thị Tám, nhà ở ấp Long Bửu, chép miệng.
Anh Dương Hoài Hận, “vua” đan lờ ở ấp Long Bình, cho biết, mọi năm mùa lũ (tháng 7 đến tháng 11) anh bán được từ 5 – 6 nghìn chiếc lờ nhưng năm nay anh chỉ mới bán được chừng 2 nghìn chiếc.
Người làm nghề đan lờ cá, lợp tép cũng âu sầu không kém. Ảnh: An Bang |
Theo thống kê của Trung tâm Khuyến công (sở Công thương Đồng Tháp), ở 2 ấp nói trên, trước đây có hơn 400 người làm nghề đan lờ, đan lợp. Hiện chưa có số liệu thống kê, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi số người làm nghề 2 ấp nơi này giờ chỉ còn chừng vài chục người.
“Dân xứ này chủ yếu sống bằng nghề mần ruộng. Mùa lũ đến thì chuyển qua đan lưới, đan lờ bán hoặc mua lưới, sắm xuồng kiếm cá tôm. Năm nay, nước không về nên nhiều người chẳng biết mần chi. Sáng giờ qua ra kênh thả lưới nhưng chẳng đủ để kho. Qua già rồi nên nhờ con cháu chứ mấy đứa thanh niên, trai tráng, không có gì mần rảnh tay, rảnh chân tụi nó buồn chán nên dễ sinh tật rượu chè. Đúng là không có lũ thì thiệt đủ đường”, ông Dương Văn Hến, 60 tuổi, nhà ở xã Hòa Long than thở .
Xuồng nằm bờ, người bỏ xứ
Về “làng đóng xuồng” ở ấp Long Bửu, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, câu chuyện “lũ buồn” lại càng hiển hiện rõ nét trên từng khuôn mặt của những người thợ xứ này.
Năm nay, người mua xuồng đánh cá cũng chẳng thấy đâu. Ảnh: An Bang |
“Lũ không về, xuồng chẳng ai mua nên tui cho 6 -7 đứa thợ nghỉ hết ráo. Đầu năm bỏ cả đống tiền ra mua cây dự trữ, giờ lại phải chôn xuống đáy sông để khỏi bị mục”, Anh Dương Văn Nhân, chủ xưởng đóng xuồng lớn ở đây, cho biết, những năm trước mùa lũ anh bán được 600 – 700 chiếc xuồng loại nhỏ dùng để thả lưới mùa lũ nhưng năm nay, đến giữa tháng 10 rồi mà chỉ mới bán được chừng 100 chiếc.
Anh Trần Văn Hồng, chủ xưởng đóng xuồng vừa mới mở cũng xót xa: “Trước đây tui đi đóng xuồng cho người ta, mỗi ngày kiếm chừng trăm ngàn. Năm nay, tui vay tiền mở xưởng tự làm chủ nhưng khổ nổi lũ không về nên chẳng mần ăn được gì, lại còn nợ tiền mua gỗ. Nhiều thợ đóng xuồng chán quá nên bỏ xứ đi nơi khác tìm kế mưu sinh”.
Ghe thu mua cá ở Đồng Tháp Mười cũng vắng bóng cá tôm. Ảnh: Trung Thanh |
Ông Phù Năm Đẳng, trưởng ấp Long Bửu, cho biết toàn ấp có 110 xưởng đóng ghe – xuồng nhưng năm nay lũ không vê nên đã có 40 - 45% cơ sở phải tạm đóng cửa.
“Làng đóng xuồng này trước giờ nức tiếng Đồng Tháp Mười. Năm nào, từ đầu tháng 6 âm lịch là dân lái (lái buôn) từ An Giang, Vĩnh Long, Long An đã kéo về lấy hàng đông nghẹt. Năm nay, lũ không về nên dân lái cũng chẳng thèm đến lấy xuồng đi bán. Những ai lỡ đặt hàng rồi thì họ gửi lại xưởng chờ mùa lũ năm sau…”, ông Đẳng, nói.
Ông Lê Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngoài những thiệt hại về đánh bắt nuôi trồng thủy sản, nước lũ không về còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa.
Ông Hùng nhận định: “Đồng Tháp có hơn 650.000 ha diện tích canh tác lúa nhưng lũ không về nên vụ Đông Xuân tới, nhiều nơi sẽ phải đối mặt với hạn hán. Chưa hết, lũ không về nên đồng ruộng cỏ mọc đầy, vừa thiếu phù sa vừa còn mầm bệnh nên mùa lúa tới chắc sẽ rất gay go" .
Lũ thấp kỷ lục trong 85 năm Là một nhánh của dòng Mê Kông, sông Tiền chạy qua tỉnh Đồng Tháp với chiều dài khoảng 120 km, gắn chặt với cuộc sống của người nông dân xứ này. Năm nay lũ ở thượng nguồn (Campuchia) không về nên hầu hết các cánh đồng dọc sông Tiền đều rơi vào cảnh “cá tôm khan hiếm, cỏ dại mọc đầy”. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy Lợi Đồng Tháp, lũ năm nay là một trong 2 mùa “lũ buồn” nhất (mực nước thấp) Đồng Tháp trong vòng 85 năm qua. Năm nay, đỉnh lũ ở thượng nguồn sông Tiền (huyện Tân Châu, An Giang ) chỉ có 3,05 m, thấp hơn năm 2009 đến 1,07 m. (Đỉnh lũ thấp nhất ở Tân Châu xảy ra vào năm 1998, với đỉnh lũ 2,81 m). Trung tâm Khí tượng Thủy văn Đồng Tháp, xác định, năm nay tỉnh Đồng Tháp không có lũ đầu mùa. Mực nước cao nhất tính đến cuối tháng 7 vẫn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,3 - 1 m. Nguyên nhân do lũ thượng nguồn sông Mê Kông ở mức rất thấp dẫn đến trong các tháng 8,9,10 mực nước nhiều khu vực tăng rất chậm và chịu ảnh hưởng bởi thủy triều biển Đông. Trong các tháng mùa lũ, mực nước tại khu vực đầu nguồn và khu vực nội đồng ở Đồng Tháp Mười luôn thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,2 – 1,2 m. |
Bài 2: Cá linh miền Tây "chết khát" giữa mùa lũ
• Trung Thanh – An Bang