Dân phải chạy lũ… nhân tạo!
- Khoảng 100 hộ dân phải bỏ của chạy lấy người vì công trình thủy điện Đồng Nai 3 tích nước. Nguyên nhân do công tác đền bù giải phóng mặt bằng chưa xong, phần khác một số người dân không nhận được thông báo tích nước.
Nỗi khổ nước dâng
Từ ngày 17/9/2010, Ban quản lý dự án thủy điện 6 (QLDATĐ 6) đơn vị chủ đầu tư, chính thức đóng cống dẫn dòng tích nước hồ chứa thủy điện Đồng Nai 3. Do không nhận được thông báo nên hàng chục hộ dân ở thôn 5, xã Đinh Trang Thượng (H. Di Linh, Lâm Đồng) không kịp trở tay; nhiều hộ phải chạy lên núi cao trú ẩn, có hộ đến trước UBND xã Định Trang Thượng dựng lều ở tạm.
Người dân từ Lâm Đồng qua Đắk Nông phải đi bằng xuồng máy.
Ông Trần Nhị Long, 15 năm sống tại thôn 5, xã Đinh Trang Thượng (ĐTT) bức xúc: “Gia đình tôi có 4,6ha trang trại, ao hồ, đến nay vẫn chưa nhận được quyết định thu hồi đất của huyện Di Linh, chưa nhận tiền đền bù, chưa được bố trí tái định canh, định cư, cũng không được thông báo tích nước, nên khi nước đột ngột dâng nhanh phải bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn… còn giữ được cái mạng là may lắm rồi!”.
Tương tự, hộ ông Đào Khắc Quí có 4,5ha trang trại chăn nuôi, khi nước dâng đã nhấn chìm 16 ao cá, khoảng 4 tấn cá, hàng trăm con gà, vịt, ngan bị thất lạc hoặc bị trôi theo lũ vì không kịp di chuyển. Ngay ông K’Rồng, Trưởng công an xã ĐTT cũng than thở: “Đến nay (22/10), gia đình tôi vẫn chưa nhận được quyết định thu hồi đất, 0,5/1ha cà phê, chuối của tôi bị ngập nhưng vẫn chưa được đền bù!”
Trên những đoạn đường cao thuộc quốc lộ 28 nối liền 2 tỉnh Lâm Đồng - Đắk Nông chưa bị ngập nước, người dân dựng tạm lán trại để ở, mỗi lán có từ 3 đến 4 hộ cùng ở. Ông K’ Rồng nhận định: “Sống trong điều kiện tạm bợ, thiếu nước sạch, lương thực, thuốc men thế này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và môi trường”.
Không chỉ người dân bị thiệt hại, các doanh nghiệp khai thác cát đá trong khu vực nước dâng cũng khốn đốn vì không kịp vận chuyển cát, đá thành phẩm đến nơi an toàn. Chủ doanh nghiệp Duy Khanh, cho biết, DN có 17.000 khối cát bị nước nhấn chìm, xem như mất trắng 1,7 tỷ đồng.
Đại diện công ty 7/5 cho biết, khi thấy nước dâng lên chúng tôi ngày đêm vận chuyển cát đá lên đồi cao nhưng vẫn không kịp, một số phải để lại lòng hồ.
Chưa hết, quốc lộ 28 nối liền 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông bị nước thủy điện nhấn chìm khoảng 15km, trong khi đường mới chư làm xong khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn.
Tắc trách do đâu?
Qua tìm hiểu, từ ngày 1/6/2009 UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết định số 1248/QĐ-UBND về việc thu hồi đất để tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng thủy điện Đồng Nai 3. Theo đó giao UBND các huyện liên quan “Quản lý diện tích đất thu hồi thuộc địa bàn quản lý để triển khai công tác bồi thường giải tỏa - Quyết định thu hồi đất cụ thể đối với các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất thuộc khu vực dự án - tổ chức bồi thường và giải phóng mặt bằng theo qui định, tiền bồi thường do ban quản lý dự án thủy điện 6 chi trả”.
Dân dựng lều tạm sống trên Quốc lộ 28.
Theo biên bản buổi họp giữa người dân thôn 5 với Ban QLDATĐ 6 và Ban Đền bù giải phóng mặt bằng (ĐBGPMB) huyện Di Linh ngày 6/9/2010, người dân yêu cầu hoàn tất công khai mọi thủ tục giải tỏa bồi thường trước khi họ di dời. Còn chủ tịch xã ĐTT đã có ý kiến “Trước khi dâng nước yêu cầu công khai cho người dân biết cụ thể từng hộ về vấn đề tái định canh, tái định cư”. Thế nhưng theo ông Phạm Văn Cúc Phó Ban QLDATĐ 6, do chỉ thị của Chính phủ phải tích nước trước 25/8/2010, còn UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý cho chủ dự án tích nước từ 12-15/9/2010.
Xung quanh những “hệ lụy” mà người dân xã ĐTT đang phải gánh chịu ông Tạ Văn Thành, Trưởng ban ĐBGPMB huyện Di Linh thừa nhận: “Hiện vẫn còn rất nhiều đơn thư của các hộ bị ảnh hưởng, đề nghị được đo đạc với lý do các hộ này có đất nhưng chưa được đo kiểm. Chủ dự án chưa khai hoang xong nên chưa có đất tái định canh giao cho các hộ dân, nên không thể tính toán giá trị hoán đổi đất cho các hộ dân đủ điều kiện tái định canh”. Ông Thành cho biết thêm, Bản đồ do chủ dự án cung cấp chỉnh sửa nhiều lần làm khó khăn trong công tác kiểm kê và hoàn thiện hồ sơ. Đến nay chủ đầu tư vẫn chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý.
Ngôi nhà và gần 5ha trang trại của ông Quý bị chìm trong hồ nước thủy điện.
Xung quanh vấn đế này, ngày 24/10/2010 ông Phạm Văn Cúc cho rằng: “Quyết định thu hồi đất của tỉnh ít hơn diện tích thực tế, nên có trường hợp chúng tôi đền bù họ chưa nhận. Có trường hợp dân khai hoang thêm sau khi kiểm kê (năm 2008). Sắp tới chủ đầu tư sẽ phối hợp với UBND huyện Di Linh để xem xét bổ sung thêm diện tích cho dân. Khi nào huyện có quyết định thu hồi đất của dân thì chúng tôi mới đền bù được…”
Theo số liệu Ban ĐBGPMB huyện Di Linh cung cấp liên quan đến việc bồi thường cho người dân xã ĐTT, thì Ban này đã kiểm kê 277ha với 295 hồ sơ. Đã có quyết định phê duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ của 3 đợt là 184 hồ sơ với tổng số tiền trên 30,7 tỉ đồng; trong đó có 163 hộ đã nhận tiền đền bù. Có 34 hộ (với 38,3ha) cần được điều chỉnh cho đúng với diện tích và hiện trạng sử dụng. Bên cạnh đó còn có 127 hộ (170ha) chưa trình phê duyệt bồi thường, có 79 hồ sơ đã kiểm kê hiện trạng nhưng không khớp với bản đồ năm 2009, hiện vẫn chưa có hướng xử lý.
Khi tiếp xúc với người dân, họ đều ủng hộ dự án xây dựng thủy điện Đồng Nai 3, nhưng chỉ mong được đến bù thỏa đáng, được tái định canh, định cư để sớm ổ định cuộc sống.
Công trình thủy điện Đồng Nai 3 với 2 tổ máy có công suất 180MW; tổng vốn đầu tư 3.598 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án thủy điện 6, thuộc Tổng Công ty điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Diện tích lưu vực 2.441km2,dung tích ứng với mực nước dâng bình thường (+572,5m) là 1.612 triệu m3. Đây là dự án thủy điện bậc thang thứ 4 tính từ thượng nguồn sông Đồng Nai. |
- Bài ảnh Như Mai