(VietNamNet) - Sau mỗi kỳ thi (THCS, PTTH), những thông tin về gian lận trong thi cử lại tràn ngập trên các phương tiện thông tin. Kỳ thi tuyển sinh quan trọng lại sắp đến. Người ta đang ra sức để có được kỳ thi nghiêm túc. Nhưng…
Em út tôi, vừa ra khỏi phòng thi (tốt nghiệp THCS) đã gọi điện than thở: “Phòng thi của em ở trên lầu, được vài tờ tài liệu, chuyền nhau viết không kịp. Mấy đứa thi ở dưới sướng lắm, tài liệu ném vô ào ào”. Nói rồi, em lại buồn buồn: “Ai đi thi cũng có ba mẹ hay anh chị đi theo để tìm cách ném tài liệu, nhờ người mang tài liệu vô phòng. Chỉ riêng em là không có. Không có tài liệu, rớt là cái chắc”!
Tôi giở giọng của bà chị để khuyên em, nhưng em tôi lại nói: “Không đậu, tụi nó cười cho. Chúng nó bảo em "học ngu mà còn... chảnh", không chịu quay tài liệu, không có người đi ném tài liệu. Thấy mấy đứa ngồi gần có tài liệu để quay, em thèm được như tụi nó. Nhìn tụi nó chép liền tay, em không còn muốn suy nghĩ để làm bài nữa”!
Ba ngày thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, có mặt tại nhiều hội đồng thi thuộc TP.HCM, chúng tôi cũng ghi nhận: Ở những hội đồng phổ thông, khi con em vừa ra khỏi cổng trường, sau câu hỏi “Làm bài được không?” của đa số phụ huynh thì câu hỏi tiếp theo thường là: “Giám thị dễ hay khó?”. Còn ở một số hội đồng bổ túc thì… ngược lại. Thậm chí, một số phụ huynh còn lên tiếng trách móc giám thị coi thi khi nghe con mình thông báo “Giám thị khó”.
Tôi kể cho cậu học sinh P. C. P. (Đắc Nông) vừa thi tốt nghiệp THPT về chuyện thi cử ở Sài Gòn. P. hết sức ngạc nhiên khi nghe “kết thúc buổi thi, phụ huynh bên ngoài mới biết đề thi”. P. cho biết: “Ở chỗ em, chỉ cần 30 phút sau khi đọc đề, tài liệu đã bay đầy phòng thi. Vừa rồi, em thi trên lầu nên phòng chỉ nhận khoảng mười tờ tài liệu từ ngoài vô. Còn những phòng ở dưới thì nhiều, các bạn còn chạy ra khỏi chỗ ngồi để "chụp" tài liệu”..."!
Kỳ thi vừa rồi, P. nhặt được tờ tài liệu môn Hóa, nghe đâu là do một giáo viên giải nhưng vì quá vội vàng nên... giải sai. Báo hại, P. phải... nhặt lại tài liệu khác!
P. còn kể: Ngoài lệ phí thi tốt nghiệp, tất cả học sinh ở trường phải đóng thêm 50.000 đồng để... bồi dưỡng giám thị. Mọi người gọi đó là “tiền ngu”. Lệ phí này đã trở thành cái lệ của trường. Nghe đâu, mấy năm trước đóng cả trăm ngàn. P. còn nói vanh vách về những phòng thi được mua với giá 10-15 triệu đồng. Theo như P., đây là những phòng có học sinh là con nhà giàu, có nhiều quen biết. Ai có số may mắn khi được ngồi trong những “phòng mua” này? Tài liệu sẽ vào sớm, chính xác và giám thị “có mắt mà không thấy gì”.
N.M.T., cũng ở Đắc Nông (thi tốt nghiệp cách đây hai năm) kể về kỳ thi tốt nghiệp ở quê: Cả nhà đi thi là chuyện lâu nay ở trường T. Với tất cả các kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, THCS, THPT, những phụ huynh có con đi thi (kể cả những nhà không có người đi thi) đều nghỉ ra đồng. Từ sáng sớm, họ tập trung xung quanh phòng thi để... tìm cách ném tài liệu, gởi gắm con mình cho thầy cô giáo. Những ngày thi diễn ra, người có học trong làng đều được mời tới trường thi để giải đề. Các chú bảo vệ, cô lao công, phục vụ mùa thi… đều là người đưa tài liệu. Cả thầy cô, giám thị cũng tìm cách mang tài liệu cho học sinh mình. Lúc ấy, đứa nào có anh chị, cha mẹ học giỏi hay làm trong ngành giáo dục thì…được nhiều người xin làm bạn!
Mấy hôm nay, nhỏ em - tên Linh, sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Dân lập Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, đang gạo bài Triết. Nhóm bạn của Linh đến chơi và truyền cho bí quyết: “Môn này mà mày cũng học sao? Học thuộc, vô phòng thi chắc gì nhớ. Quay cho chắc ăn. Thầy cô có bắt đâu mà sợ”. Một anh chàng đang là sinh viên năm cuối trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật còn khẳng định: “Ba năm học, chưa một lần học bài thi các môn học thuộc lòng. Quay bài, điểm cao hơn”!
Linh cho biết: “Hầu hết các bạn trong lớp đều quay tài liệu khi thi. Cách đây mấy hôm, có bạn còn mang cả máy ghi âm kỹ thuật số vào phòng thi. Chỉ khi giám thị phát hiện, tụi em mới biết đó là máy ghi âm. Nhờ chiêu này mà nhiều đứa trong lớp vượt "vũ môn" an toàn. Em nhát gan, không dám quay, cầm tài liệu trong tay, hễ nhìn thấy thầy cô là mặt em tái mét”.
“Nếu thầy cô dễ, em có quay không?”, không kịp chờ tôi dứt câu hỏi, Linh trả lời ngay: “Dại gì không quay. Học thuộc, nhưng vào phòng thi câu nhớ câu quên, quay tài liệu sẽ chính xác hơn. Với lại, trong khi mình ngồi nhớ lại bài, các bạn khác đã chép gần xong rồi”!
Không quay thì… thiệt!
Khi tôi đưa cho xem quy định mới của Bộ GD-ĐT không cho mang tài liệu vào cổng trường khi đi thi ĐH, chị T. H. (mẹ của P.C.P.) tỏ ý mừng: “Ngăn chặn được thì tốt. Chỉ sợ…”. Nói rồi, chị quay sang hỏi lại: “Nhưng mà ngăn chặn bằng cách nào? Cổng trường rộng, học sinh vô ào ào, làm sao mà phát hiện được?”. Thế rồi chị hạ giọng: “Tui cũng muốn chúng nó đi thi nghiêm túc để kiến thức tụi nó có chất lượng. Mỗi lần thì là mỗi lần quay tài liệu, riết rồi, thằng anh vừa học xong, không chỉ bài lại được cho thằng em. Thấy con mình thi đâu đậu đó, tui cũng mừng. Nhưng mỗi lần bán cà phê, bán heo, kêu chúng nó nhận tiền, có máy tính mà tính còn chậm hơn tui… Thấy ngán quá!”.
Những ngày P. thi tốt nghiệp vừa rồi, vợ chồng chị H. thay nhau chạy tới chạy lui ngoài phòng thi. Cũng như bao phụ huynh khác, chị tìm cách mang "phao" vào cho con. Chị chia sẻ: “Biết làm vậy là không hay, nhưng con người ta quay, con mình không quay thì thiệt (!). Mình không có để mua phòng cho con, thôi thì bỏ ra chút công để con nó đậu”. Trò chuyện một lúc, chị H nói nhỏ: “Đừng mang tui... lên báo. Chưa có kết quả, họ mà đọc được thì… rớt chắc. Với lại, còn mấy đứa nhỏ nữa, thầy cô đì là chết (?)”.
Thi học kỳ cũng "quay"! (Ảnh: T.T) |
Một học sinh đang học lớp 11 ở trường THPT Hàn Thuyên (Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: Em không bao giờ học bài thi các môn như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân… Trước ngày thi, chỉ cần điểm qua chút xíu xem nội dung đó nằm ở trang nào, bài nào. Giáo viên đang đọc đề là lớp đã lao nhao các câu hỏi: “Câu nhiêu? Bài nào? Trang nào?...”. Rồi thì, một đứa đọc cho vài đứa ngồi xung quanh cùng chép. Môn nào có giáo viên khó thì… chia nhau học bài. Mỗi đứa vài ba câu. Đề ra trúng phần ai, người đó có bổn phận đọc to lên. Nếu không thuộc thì tìm cách... quay. Kiểm tra trong lớp, hay đi thi học kỳ, các bạn đều áp dụng hình thức này. Học sinh này còn cho biết thêm: “Chị tìm được đứa nào không quay bài, em phục sát đất! Chỉ những đứa gan cóc tía mới không quay tài liệu”.
“Bao nhiêu năm rồi còn mãi đi thi. Thi bao nhiêu năm thi hoài vẫn vậy. Trên hai tay ta đôi tập tài liệu, còn dưới chân ta một cuốn giáo trình. Bài nào của ta, bài nào của bạn…”, hát cho tôi nghe bài hát cải biên này, N. Hữu Toàn (Trung cấp Hóa) khẳng định: “Không quay tài liệu, không phải là sinh viên! Và không quay tài liệu, không thể nào đậu các môn thuộc lòng”.
Điều này đã được N. T. Nhạn (cựu sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) chứng minh: “Hai lần đều rớt môn Triết học, lần thứ ba mình quyết định quay. Và đậu…”. Còn T. Ngọc, khoa Ngữ văn thì có kinh nghiệm xương máu: “Thi tốt nghiệp đại học, mấy bạn ngồi xung quanh đều quay tài liệu, có người đọc bài cho, nhưng mình không ghi. Kết quả là điểm thấp và bị các bạn cùng lớp chửi cho te tua”!
Sáng nay, một người bạn đang học ở Văn Hiến bảo là đi thi, nhưng khi tôi gọi điện thoại di động thì máy vẫn ở chế độ mở. Và đầu dây bên kia cho biết: “Thì vẫn mở được, có điều phải để chế độ rung và vừa nghe điện thoại, vừa canh chừng thầy cô. Thi học kỳ mà, có gì đâu”.
Khi làm bài kiểm tra, thi học kỳ, thi tốt nghiệp từ tiểu học đến đại học; học sinh chúng ta đều được thi thố trong một môi trường không nghiêm túc. Tuy không giáo viên, cha mẹ nào nói thẳng “Con, em cứ tự nhiên quay tài liệu”, nhưng những gì cha mẹ và thầy cô đang làm, phải chăng là dạy học sinh gian lận?
Làm thế nào để buộc học sinh phải nghiêm túc trong thi cử?
Đã thành một căn bệnh mạn tính của xã hội rồi chăng, khi "không quay tài liệu, không phải là sinh viên", và chỉ "những đứa gan cóc tía mới không quay tài liệu"? Cái học ngày nay đã hỏng rồi, và kéo theo nó là sự sụp đổ của hàng loạt giá trị xã hội khác? Câu hỏi đau tận xương tuỷ này không mới, nhưng vẫn chưa thấy Bộ GD-ĐT và xã hội có lời giải thoả đáng.
Đoan Trúc