221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
342819
Muốn chấn hưng giáo dục, cần quyết tâm từ trên!
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Muốn chấn hưng giáo dục, cần quyết tâm từ trên!
,

(VietNamNet) - Trao đổi với chúng tôi, GS Hoàng Tuỵ nhận xét: "Dù ông Bộ trưởng GD có thiện chí, muốn “quyết liệt” cũng khó làm được gì mạnh. Trong tình hình hiện nay, muốn chấn hưng giáo dục, cần có quyết tâm từ trên".

Giáo dục ĐH: Đáng lo hơn giáo dục phổ thông

- Thưa GS, trong  nhiều bài báo cũng như phát biểu gần đây, tại sao GS thường đánh giá tình hình giáo dục là "nguy kịch"?

- GS Hoàng Tụy: Tình trạng sút kém của giáo dục kéo dài triền miên quá lâu, có thể nói cả chục năm nay rồi. Những chuyện thi cử, dạy thêm, sách giáo khoa - ba khối u đó có từ lúc nào và đến nay đã giảm bớt được gì? Với công sức tiền của bỏ ra đâu phải ít mà kết quả đạt được chỉ như vậy, vẫn cứ tụt hậu ngày càng xa, thế là bình thường hay sao? 

Hai kỳ tuyển sinh đại học (ĐH) 2002-2003 gây sốc cho mọi người, rồi chuyện bằng giả, học giả, làm luận án thuê, v.v... Nếu cứ đà này mà phát triển thì những căn bệnh tiêu cực cứ thấm dần vào xương tuỷ, trở thành thâm căn cố đế, không thuốc nào chữa khỏi, sẽ đi tới đâu?

Có người nói chẳng có gì đáng lo: Giáo dục phát triển nhanh như thế này, dân ta hiếu học như thế này, là hồng phúc lắm rồi, còn phát triển nhanh thì tất đẻ ra chuyện này chuyện nọ. Theo tôi, cách suy nghĩ như thế rất sai lầm và thiếu trách nhiệm. Tôi thật sự kinh ngạc khi nghe có người cho rằng nên tuyên dương việc dạy thêm chứ sao lại cấm. Nguy kịch chính là ở chỗ đó: Không có gì đáng lo hơn là lạc hậu mà không nhận ra được sự lạc hậu!

Sự thật là, với trình độ đội ngũ giáo viên phổ thông của ta, với điều kiện tài chính, phương tiện vật chất đã đầu tư, nếu quyết tâm chấn chỉnh thì đâu đến nỗi giáo dục phổ thông không đuổi kịp được các nước phát triển nhất của khu vực trong thời gian ngắn. Cái chính là ta làm GD sai quá. Điều tệ hại là do phổ thông có quá nhiều chuyện bức xúc, nên cả xã hội tập trung bàn về phổ thông mà quên ĐH. Trong khi đó, so với thế giới và các nước trong khu vực, giáo dục ĐH của ta tụt hậu còn xa hơn giáo dục phổ thông

Nếu nguyên nhân phổ thông tụt hậu không phải chủ yếu do đầu tư hay tiềm năng thì ở ĐH, cả tiềm năng và đầu tư đều chưa đủ. Cứ để ĐH nhếch nhác như hiện nay thì ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ các ngành.

Muốn chấn hưng ĐH, có bốn khâu cấp thiết cần chỉnh đốn: thi cử, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, xét phong chức danh GS, PGS, và chính sách sử dụng giảng viên ĐH (phổ biến là giáo viên dạy 25-30 giờ một tuần!).

Trên thế giới, không ở đâu đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ nhanh, nhiều, rẻ, và ẩu như ở nước ta.

GS Hoàng Tuỵ (ngồi giữa) và một số nhà toán học Trung Quốc. (ảnh tư liệu)

Cũng không ở đâu có cách phong GS, PGS kỳ lạ như ở ta: Năm 1996, lớn tiếng tuyên bố GS, PGS ta đã phong là hoàn toàn đạt trình độ quốc tế, nay lại bảo 80% số GS, PGS đã được phong chưa đạt chuẩn mực quốc tế bình thường, thậm chí hầu hết các GS, PGS đã được phong trước đây còn kém hơn! Xây dựng ĐH theo kiểu ấy, coi GS, PGS, TS đều là “hàng nội” cả thì cạnh tranh, hợp tác với ai được, làm sao hội nhập.

Song điều đáng nói hơn là tiêu chuẩn “nội” ấy một mặt rất thấp về khoa học, mặt khác lại gạt ra được nhiều người trẻ có năng lực hoàn toàn xứng đáng theo tiêu chuẩn quốc tế. Nghĩa là: Cái mình trọng thì người ta không coi là chính, cái người ta coi là chính thì mình không trọng. Phong GS, PGS để thúc đẩy đại học đi vào nề nếp, nâng cao trình độ, hay để làm... đề tài cho thiên hạ đàm tiếu?

Giải pháp cho giáo dục ĐH?

Bộ GD-ĐT: còn rất bảo thủ

- Thưa giáo sư, thế nhưng gần đây Bộ GD-ĐT cũng đang có những nỗ lực tích cực để chấn chỉnh việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đấy chứ?

- Vâng, chúng tôi kiến nghị mãi rồi cuối cùng cũng có vài điều được chấp nhận, nhưng... muộn màng và chắp vá!

Ở Bộ GD-ĐT, phải nói là còn rất bảo thủ. Chẳng hạn, việc ra đề thi ĐH theo một bộ đề thi in thành sách, bao nhiêu người  “phê phán" mà sau tám năm mới bỏ được. Rồi chuyện coi GS, PGS là "học hàm": Phải ngót 20 năm mới xác định trở lại là "chức danh", nhưng cũng chỉ mới hình thức thôi. Hay như chuyện thi tiểu học, có lần Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tại Quốc hội đã đề nghị bỏ, Bộ vẫn "xin" giữ lại, mãi vài năm lại đây mới chịu nghe, nhưng cũng chưa dứt khoát...

Ngay đến lúc này, khi bàn việc sửa đổi Luật Giáo dục, người ta vẫn cố dành quyền đào tạo thạc sĩ cho các trường ĐH, lấy lý do... khôi hài là để cho các viện nghiên cứu tập trung vào việc nghiên cứu. Người ta đã đưa ra các biện pháp không thể chấp nhận được: Các viện nghiên cứu  phải “liên kết” với một trường ĐH để đào tạo thạc sĩ,  song thật ra đó chỉ là một cách giữ độc quyền mà người ta vẫn cố duy trì năm - bảy năm nay.

 - Thưa GS, nhưng cũng có ý kiến cho rằng thực ra đào tạo thạc sĩ chỉ là giai đoạn "nối dài" thêm chương trình ĐH. Còn đào tạo tiến sĩ mới thực sự có sự khác biệt, để đi sâu vào nghiên cứu?

- Chính vì quan niệm sai lầm ấy nên nhiều giảng viên ĐH không nghiên cứu khoa học, dẫn đến nhiều người nói ĐH của ta chỉ là "phổ thông cấp 4"! 

Nhiều đại học trên thế giới (chẳng hạn Học viện Công nghệ châu Á - AIT) chỉ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Vậy họ dốt hơn ta sao?

Trong việc liên kết đào tạo thạc sĩ, mọi việc từ tuyển sinh, giảng dạy, hướng dẫn luận văn cho đến thi tốt nghiệp đều do viện nghiên cứu làm, còn trường ĐH chỉ có danh nghĩa nhưng lại cấp bằng. Hoàn toàn giống như các... nhà xuất bản chỉ bán danh nghĩa để xin giấy phép chứ chẳng làm gì cả mà vẫn hưởng phần trăm về những sách in ra. Không hiểu tại sao Nhà nước lại cho phép công khai những kiểu làm ăn không lành mạnh như vậy?

- Đã bao giờ GS trực tiếp góp ý với Hội đồng nhà nước về chức danh GS để vạch ra những bất cập?

- Tôi đã góp nhiều ý kiến, khi gặp trực tiếp, khi bằng văn bản, thậm chí gửi cả kiến nghị lên Thủ tướng. Và không phải chỉ có mình tôi góp ý kiến. Việc này lộn xộn đến mức một số bạn Việt kiều ở xa cũng quá bức xúc nên đã gửi liên tiếp nhiều kiến nghị cho các cơ quan lãnh đạo của ta.

Thế nhưng sức ỳ từ trên xuống dưới còn quá lớn. Chỉ lo cho nền ĐH của ta, với đội ngũ GS, PGS như thế này thì làm sao khỏi đào tạo kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ... dỏm; làm sao tránh khỏi tụt dốc; làm sao tránh khỏi lạc hậu. Có vị bảo cần đặt tiêu chuẩn thấp để hợp với thực tế, nhưng có lẽ  lý do chính là không hiểu vấn đề.

Nếu Bộ GD-ĐT mời GS làm... cố vấn?

- Có bao giờ GS đề đạt ý kiến của mình lên lãnh đạo cấp cao?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Viện Toán học. (ảnh tư liệu)

- Vừa rồi, có một vị giáo viên lão thành viết thư kể cho tôi nghe là trong bao nhiêu năm trăn trở về giáo dục, vị ấy gửi hết thư này đến thư khác lên trên mà chẳng bao giờ nhận được dù chỉ một lời xác nhận hay cám ơn. Chỉ duy nhất một lần trước đây đã lâu, vị ấy gửi thư lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi ấy thì được Thủ tướng trả lời và cử người đến liên hệ để trao đổi, còn thì không bao giờ được hồi âm, cho nên về sau vị ấy thôi chẳng góp ý kiến gì nữa.

Tôi có may mắn hơn nhưng chắc cũng không thể kiên nhẫn hơn vị ấy. Gần đây, qua mấy lần làm việc với Bộ GD-ĐT, tôi nhận thấy anh Hiển và một vài anh lãnh đạo ở Bộ có thiện chí, muốn nghe ý kiến của anh em làm khoa học. Nhưng có lẽ xung quanh các anh ấy còn nhiều người khác, và trong cơ chế của ta nhìều khi những việc không hay lắm thì dễ làm, còn những việc đúng mà đụng chạm quyền lợi ai đó thì khó khăn vô cùng. Mà việc đúng thì phần nhiều vấp phải quyền lợi ích kỷ, cục bộ của một số người, một số cơ quan.

- Nhiều người khác là như thế nào?

- Tôi chỉ kể một ví dụ: Cách đây sáu - bảy năm, tôi cùng một số anh em trong Hội Toán học có đề nghị thành lập một trung tâm đào tạo tiến sĩ toán học, vốn là thế mạnh của Việt Nam. Thủ tướng Võ Văn Kiệt hồi ấy đã đồng ý, Bộ trưởng GD khi được hỏi ý kiến cũng đã có công văn chính thức trả lời ủng hộ. Thế mà sau đó chỉ vì một thứ trưởng chống lại (có lẽ vì khi ấy ông đang lo "làm ăn" với một trường quốc tế... ma) mà cuối cùng không thành. Ông thứ trưởng ấy tẩy chay, không chịu dự họp bàn, thế là chúng tôi... chịu thua. Đấy, việc đúng đắn thì hai năm trời, đã hai lần trực tiếp được Thủ tướng  đồng ý, thế mà phải bỏ, còn việc bậy bạ như "trường ĐH Quốc tế châu Á" thì chẳng cấp nào duyệt, cũng chẳng cần luật lệ gì mà cũng cứ làm được dễ dàng. Đến khi vỡ lỡ thì hàng nghìn sinh viên thiệt, Nhà nước thiệt, còn đương sự về hưu rồi, có bị cách chức cũng chẳng có ý nghĩa gì! Xã hội ta cũng lạ, những vị như thế mà rồi cuộc hội thảo quan trọng nào cũng được mời góp ý kiến, như thể trong Bộ GD-ĐT không còn ai hơn. 

Đấy là chưa kể cách chúng ta nghe ý kiến quần chúng và chuyên gia. Hàng năm, Bộ GD-ĐT tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo, có những hội thảo bảy - tám trăm người về dự từ khắp nước. Kể ra cũng vui, nhưng chỉ tính tiền phong bì, tiền tàu xe, ăn ở, đưa đón cũng đã ngốn khá nhiều tiền, chưa kể thời gian công sức của bao nhiêu người bận vào đó. Không biết có ai thử tính xem hiệu quả của những cuộc hội thảo này như thế nào chưa? 

- GS có nói Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển là người có thiện chí. Nếu đặt trường hợp Bộ GD-ĐT mời GS làm cố vấn thì GS nghĩ thế nào?

- Ngay từ năm 1996, chúng tôi đã kiến nghị thành lập một Hội đồng Giáo dục để tư vấn cho Nhà nước về giáo dục và khoa học, gồm những người có trình độ và năng lực thật sự để tư vấn một cách độc lập với các cơ quan quản lý. Thế nhưng khi thành lập ra thì là một hội đồng hoàn toàn khác. Tôi không hiểu vì sao ta cứ thích cái kiểu... "vừa đá bóng, vừa thổi còi"!

Mới rồi, cũng thành lập một hội đồng đánh giá giáo dục theo kiểu đó và tôi đã  từ chối không tham gia. Việc tham khảo ý kiến chuyên gia một cách hình thức chứ không thực chất thì không nên làm, vì tốn công mà kết quả thực tế chẳng có mấy, lại có cớ trốn tránh trách nhiệm.

Góp ý kiến về sách giáo khoa cũng thế, chẳng có hiệu quả mấy. Cả một viện nghiên cứu giáo dục, có đến ba - bốn trăm cán bộ, thế mà không hiểu tại sao giáo dục chậm đổi mới tư duy như vậy. Nghe đâu đã có hàng nghìn chuyến đi nghiên cứu ở nước ngoài để làm các chương trình, thật khó hiểu! Năm 1956, chỉ có một Ban Tu thư 50 người mà soạn cả chương trình và sách giáo khoa cho phổ thông chỉ mất sáu tháng, bây giờ công việc có thể nhiều hơn, nhưng phương tiện thì dồi dào gấp nhiều lần, cán bộ rất đông mà sao ì ạch thế?!

Nhớ lại hồi đó, khi chúng tôi đưa ra một danh sách 50 cán bộ để triệu tập về Ban Tu thư ở số 4 Lê Thánh Tông làm chương trình và sách giáo khoa thì chỉ một tuần lễ sau đã có mặt đủ cả, trong số đó có nhiều vị học giả cao niên như cụ Hoàng Ngọc Phách, cụ Lê Thước, hay những nhà nghiên cứu dày kinh nghiệm như các ông Lê Trí Viễn, Trương Chính, v.v..., bên cạnh còn có một Hội đồng Duyệt gồm các nhà khoa học uy tín nhất. Nhờ đó, Ban đã làm việc khẩn trương nhưng có hiệu quả, chứ cứ lề mề thì làm sao chỉ trong mấy tháng mà xong được cả soạn và in tất cả sách cho kịp khai giảng!

Cái khó là tâm lý, tư tưởng...

- Thưa GS, có người cho rằng đề nghị của GS về việc tăng lương cho giáo viên để giải quyết căn bản nạn dạy thêm, học thêm là "xa thực tế". Vì ai cũng biết là số giáo viên ngành giáo dục hưởng lương từ kinh phí sự nghiệp chiếm tới 70%, thì tăng lương để đảm bảo cho họ đủ sống đường hoàng mà không phải dạy thêm là “ không khả thi". GS nghĩ gì về ý kiến và thực tế này?

GS Hoàng Tuỵ, khi được thỉnh giảng tại ĐH Dresden (CHDC Đức) năm 1972. (ảnh tư liệu)

- Những người nói như vậy đã hiểu hoàn toàn sai! Tôi không bao giờ đề nghị tăng lương trong khi vẫn giữ nguyên các chế độ "bổng lộc" hiện nay, vì nếu như thế thì thật ngây thơ. Cũng không bao giờ tôi nói chỉ cần tăng lương là giải quyết được chuyện dạy thêm tràn lan!

Trong bài phát biểu đăng trên tuần báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn cách đây không lâu (và một bài khác đăng trên tạp chí Tia Sáng từ năm 1998), tôi đã nói rõ ý kiến nhất quán từ lâu. Này nhé, có phải hiện nay ai cũng kêu lương thấp nhưng ai cũng sống đàng hoàng, nhiều người chỉ làm công chức, lương ba cọc ba đồng mà có xe hơi nhà lầu sang trọng, có con đi du học, vậy có nghĩa là cái ta gọi bằng “lương” chỉ là... lương giả, còn những khoản thu nhập khác cũng đều rút từ công quỹ ra cả, trực tiếp hoặc gián tiếp, hợp pháp hoặc phi pháp, mới là nguồn sống thật nên có khi là quá sức đàng hoàng, quá sức vô lý. Vậy đặt mục tiêu cải cách tiền lương là  tăng lương cho mọi người đủ sống là sai hoàn toàn, tôi không bao giờ đề nghị như vậy, vì làm như vậy thì tiền đâu mà tăng lương, và dù có tăng gấp đôi (chứ chưa nói chỉ tăng vài chục phần trăm) thì cũng chẳng nghĩa lý gì, do tiền lương hiện nay chỉ bằng 1/5 mức thu nhập thực tế. (Nhiều người còn đề nghị nên dừng lại đề án cải cách tiền lương đã trình ra Quốc hội vì nó không cải thiện được gì mà chỉ có tác dụng ngược.) 

Theo tôi, mục tiêu đúng đắn của cải cách tiền lương là phải xoá bỏ chế độ bổng lộc, đưa tất cả vào tiền lương, khi ấy lương thật mới có ý nghĩa và cần phải đủ để mỗi người có thể sống đàng hoàng và tập trung vào nhiệm vụ chính của mình. Làm như thế thì có phải tăng thêm gì nguồn tiền trả lương đâu, mà chỉ là phân phối lại cho hợp lý. Còn như hiện nay, do tiền lương giả (mà khốn thay lại là chính thức) rất thấp, nên mọi cơ quan đều "xoay xở", "bịa" ra đủ thứ chế độ để rút tiền ngân sách chi cho cán bộ - công chức, mà "xoay sở" thì nhiều cách tồi tệ, không sao kiểm soát nổi. Trong giáo dục, người ta cũng xoay xở mạnh lắm: Năm - bảy năm trước, khi còn chưa rút được nhiều tiền công quỹ, giáo viên dạy thêm, luyện thi. Sau này, những khoản thu thêm từ công quỹ (kể cả do phụ huynh học sinh đóng góp) tăng nhiều dần, cho đến ngày nay thì tình hình khá hỗn loạn, nhưng đại thể thì lương thực tế (= lương giả + mọi khoản thu do công quỹ trả) đã tương đối khá.

Lẽ ra như thế thì phải bớt dạy thêm, nhưng nào có bớt được vì nó đã thành nếp rồi! Bây giờ, dù lương thực tế có đầy đủ, nhiều người vẫn tiếp tục dạy thêm, luyện thi. Vậy giải quyết thế nào? Phải dứt khoát xác định cần xoá bỏ việc dạy thêm tràn lan. Còn xoá bỏ bằng cách nào, đó là trách nhiệm của chính quyền. Nếu xoá bỏ mà làm cho thu nhập thực tế của giáo viên bị sụt giảm thì không thực tế, cho nên chỉ có cách là làm sao giữ cho thu nhập thực tế của giáo viên vẫn như hiện nay (hay gần như thế, đối với số đông), rồi khi ấy cấm dạy thêm thì mới khả thi và, hơn nữa, mới là hợp đạo lý.

Vậy lấy đâu ra tiền để bảo đảm thu nhập thực tế đó? Bằng cách thu học phí, vì đàng nào hiện nay học sinh cũng phải trả rất nhiều khoản cho trường, cho thầy, v.v... Học phí đó sẽ do Nhà nước thu, chứ không để cho học sinh trả cho thầy qua những buổi học thêm. Dĩ nhiên, phải có chính sách học bổng và miễn giảm học phí cho học sinh nghèo. Đó là giải pháp duy nhất để ra khỏi bế tắc. Nguợc lại, cứ giữ chế độ trả lương kỳ quặc này mới là không thực tế. Nhưng cái khó là tâm lý, tư tưởng, vì nó đụng chạm quyền lợi của nhiều người (tuy là quyền lợi không chính đáng). Cho nên phải có quyết tâm, phải cương quyết và do đó phải đi từ trên xuống, như tôi đã có lần nói. 

-  GS từng nói rằng ý kiến số đông không nhất thiết bao giờ cũng đúng. Trong khi đó, GS lại tham gia tổ chức một hội thảo nghiên cứu, thảo luận về cải cách giáo dục và dự kiến sẽ gửi kiến nghị lên tới các cơ quan cấp cao. Như thế, liệu có mâu thuẫn?

- Hai chuyện ấy khác nhau. Tôi không phải là người tin vào kết quả các cuộc hội thảo để lấy ý kiến càng đông người càng tốt, mà rốt cuộc không biết nên nghe ai, và thường là chẳng nghe ai cả, chỉ làm hội thảo cho có chuyện.

Hồi trước Tết Nguyên đán cách đây hơn một năm, trong một buổi gặp gỡ cuối năm, Bộ GD-ĐT có mời các nhà khoa học góp ý kiến về giáo dục. Tôi có nói rằng, dịp Tết nhất, mọi người vui vẻ với nhau là chính, còn Bộ muốn lắng nghe thực sự thì nên lập một hội thảo nghiêm túc, riêng tôi sẽ sẵn sàng tham gia. Mãi không thấy, nên tôi cùng một số các anh em tâm huyết khác tự đứng ra mở hội thảo để cùng nhau suy nghĩ và trao đổi đi đến một kiến nghị có hệ thống. Đến nay, hội thảo đã họp được bốn buổi đúng kế hoạch, và buổi vừa qua đã đưa ra một dự thảo kiến nghị để thảo luận.

Giáo dục chưa vươn lên được, vì ta chưa quyết!

- Thưa GS, tại sao trong lần góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, GS đề nghị trong phần mục tiêu đào tao nên nhấn mạnh tính trung thực và năng lực sáng tạo?

GS Hoàng Tụy: Những điều phát biểu thẳng thắn thật không dễ nghe, nhưng biết làm sao... (Ảnh: Nguyên Vũ)

- Đơn giản vì trong thời đại kinh tế tri thức, năng lực sáng tạo là tối cần thiết để thành công. Còn nhấn mạnh đức tính trung thực vì đó là một đức tính thời nào cũng cần, nhưng hiện có vẻ đang thiếu nhất ở nước ta. Xin xem bản dự thảo kiến nghị về chấn hưng, cải cách, hiện đại hoá GD của chúng tôi thì rõ hơn. 

Nhắc đến chuyện này, tôi nhớ mãi một nữ giáo sư người Mỹ: Liền sau năm 1975, bà tới Việt Nam và đã có ấn tượng tốt đẹp bao nhiêu về một xã hội có giáo dục. Thế nhưng sau đó 27 năm khi trở lại Hà Nội, đến dự một buổi thi trong một lớp học, bà lại kinh ngạc bấy nhiêu về chuyện... quay cóp của học sinh! Bà nói rằng trong đời, chưa bao giờ thấy nhiều hiện tượng gian dối tập trung trong một khoảng không gian nhỏ và một thời gian ngắn như vậy!

- Thưa GS, GS thấy những ý kiến của mình được tiếp thu như thế nào?

- Tôi cũng biết rằng những điều phát biểu thẳng thắn thật không dễ nghe. Nhưng biết làm sao khi sự thật là như vậy. Điều đáng buồn, như tôi đã nói, là sức ỳ lớn quá và đức tính trung thực thiếu quá!

Bài học SEA Games cho thấy tiềm năng rất lớn của ta khi được phát huy.

Bài học Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng lẫy lừng này cũng cho thấy sức mạnh của dân tộc khi trên, dưới quyết tâm.

Tôi nhớ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi còn sống có lần nói với phóng viên nước ngoài rằng "dân tộc này đã quyết thì làm được”. Vậy giáo dục chưa vươn lên được, chẳng qua vì ta chưa quyết. Ta luôn nói quốc sách hàng đầu nhưng thật sự là chưa quyết. Nói thẳng ra  là ta chưa sử dụng và phát huy chất xám!

- Xin cảm ơn GS!

Hạ Anh (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,