(VietNamNet) - Một "xu hướng" mới, đáng buồn: cô giáo phải kiêm thêm vai... ô-sin, do ngày càng nhiều bậc cha mẹ mải lo làm ăn, phó mặc con mình cho gia sư.
"Chắc ba mẹ không còn thương con!"
Trẻ em chỉ yên tâm học hành khi có gia đình làm điểm tựa. |
Hoa vừa gấp sách vở định về, cô học trò nhỏ tên Ly vội hấp tấp gạt ghế, chạy ra nắm vạt áo nằn nì: "Cô ở lại với con thêm chút nữa đi. Ba mẹ con chắc sắp về rồi!". Hoa nhìn lên tường, đồng hồ đã chỉ sang 22g15.
Đây không phải là lần đầu tiên, Hoa rơi vào cảnh ngộ khó xử này. Từ khi được thuê làm gia sư cho bé Ly, học sinh lớp 3, trường tiểu học T.P., đã không dưới năm lần Hoa bị chủ nhà trọ nhắc khéo về chuyện đi sớm về muộn. Nhìn bé Ly thiu thiu nửa ngồi, nửa tựa vào lòng mình chờ ba mẹ, tự dưng nước mắt Hoa rơi lúc nào không biết. "Tội nghiệp con bé, mới có tám tuổi đầu, cái gì cũng biết, giọng điệu thì khôn như cụ 80 vậy".
Buổi học trước, Hoa hỏi nó ba mẹ đi tối ngày không quan tâm Ly, rằng nó có thấy buồn không. Ly lặng thinh không nói gì, chỉ đến trước khi Hoa ra về, nó mới rơm rớm nước mắt: "Con buồn lắm cô Hoa ơi, chắc ba mẹ không còn thương con như trước nữa. Ba thì suốt ngày bận làm ăn, còn mẹ thì bảo là không thể để ba qua mặt được. Con rất sợ phải ở nhà một mình. Hay cô xin mẹ đến ở với con luôn đi". Nghe giọng điệu ngây thơ của nó, Hoa chỉ biết gượng cười an ủi: "Cô không thể. Nếu con muốn, cô sẽ là người bạn lớn của con".
Gần ba năm làm gia sư cho nhiều lứa "học trò", Hoa không còn lạ lẫm về những hoàn cảnh éo le của từng gia đình mà cô chứng kiến. Nhưng đây cũng là lần đầu tiên, bé Ly khiến Hoa rớt thật nhiều nước mắt. Bố Ly là chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, còn mẹ là nhân viên marketing cho một công ty nước giải khát có tiếng. Cả hai đi biền biệt suốt ngày. Trước khi Hoa đồng ý nhận làm gia sư của bé Ly với mức lương 500.000/tháng, mẹ Ly đã "mặc cả" rõ ràng: "Những lúc anh chị chưa về kịp, em ở lại trông nom cháu hộ. Phòng có chuyện gì bất trắc"...
Lúc đó, Hoa vui vẻ nhận lời, phần vì mức thù lao cao hơn những nơi khác gần gấp đôi, phần vì bé Ly trông rất ngoan ngoãn, dễ thương. Nhưng rồi, ngày lại ngày, chứng kiến sự cô độc, buồn tủi của bé trong căn nhà bốn tầng trống vắng, lạnh lẽo, Hoa bắt đầu thấy giận thái độ vô trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ. Cũng từ đó, trong lòng cô dấy lên sự bất an, lo lắng về một tương lai mịt mờ, lạc lối của những đứa trẻ thiếu đi bàn tay chăm sóc chu đáo, sự định hướng của người thân trong gia đình.
"Sao người lớn chỉ thích có mỗi tiền?"
Quây quần bên bố mẹ vào ngày nghỉ cuối tuần - niềm mong ước giản dị của các em nhỏ sao khó thành hiện thực? (ảnh chỉ có tính minh họa)
|
Ít ai ngờ đấy là câu hỏi của những đứa trẻ mới chỉ độ 10-12 tuổi. "Cụ non" Tiến Dũng năm nay đang là học sinh lớp 4, trường tiểu học C., cũng ở Hà Nội. Đầu năm học, cu cậu được mẹ thuê "cô Hà", sinh viên khoa Văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội về dạy học. Hai cô trò được chuẩn bị chỗ "làm việc" khá chu đáo, rộng thoáng trên tầng ba, có đầy đủ ti-vi, máy tính, điện thoại và các vật dụng cần thiết.
Hà, gia sư của Dũng phàn nàn: "Em dạy bé Dũng được gần một năm rồi mà chưa bao giờ thấy mẹ cháu bước chân lên phòng học đó, mọi chuyện học hành phó mặc hết cho gia sư. Chỉ thi thoảng đến kỳ đến hạn trả lương, mẹ cháu mới nói chuyện tào lao vài ba câu về "thời sự phụ nữ" và... 1001 chuyện ngoại tình của các đức ông chồng ngày nay, rồi kết thúc bằng một điệp khúc: Bọn đàn ông thời nay khó mà tin nổi!".
Cứ mỗi lần như thế, Dũng lại xen ngang: "Bố cũng vậy phải không mẹ? Bố xấu lắm! Mai này lớn lên, Dũng sẽ nuôi mẹ, không thèm thương bố nữa". Nghe con nói, mẹ Dũng không những không trách mắng, còn "đế" thêm: "Bố mày là loại bạc tình bạc nghĩa, sau này kiểu gì cũng gặp quả báo thôi, con à...". "Khổ thân thằng bé, vừa mới tí tuổi đầu đã bị nhồi nhét và huấn luyện lòng căm thù với chính bố đẻ của mình" - Hà dừng lại, kết luận.
Hà còn cho biết: Rất nhiều lần, bé Dũng tâm sự với cô về chuyện gia đình nó. "Cô biết không, bố cháu có bồ đấy. Mẹ cháu đi rình bắt quả tang nhiều lần rồi nhưng vẫn chưa "day được tận mặt". Có hôm mẹ còn dẫn cả cháu đi theo, cháu buồn ngủ chết đi được nhưng không dám trái ý mẹ, sợ bị đánh đòn". Dũng vừa kể đến đó thì chuông điện thoại reo, nó lao lại nhấc máy: "Alô, nhà mẹ Loan đây...". Không hiểu đầu dây bên kia nói những gì, chỉ biết đột nhiên Dũng nổi khùng: "Không biết, không có nhà, đồ... ngựa chứng!". Hà nóng mặt: "Dũng không được hỗn, con nói chuyện với ai mà không có phép tắc gì vậy?". Cu cậu hậm hực: "Không cần phải phép tắc với loại đàn bà "lăng loàn" ấy". Thấy cậu học trò không hề tỏ vẻ hối lỗi, còn làm già. Hà bực quá phết cho một thước vào mông. Lập tức, cu cậu gào khóc toáng lên: "Sao cô lại đánh cháu? Cháu ghét mụ phù thuỷ ấy, vì mụ ta mà cháu mất bố"...
Sau buổi đó, Hà định đến gặp mẹ Dũng để xin được nghỉ dạy vì quá mệt mỏi với những rắc rối xảy ra ở gia đình cậu "học trò" nhưng nhìn vẻ mặt hối lỗi của cậu bé và lời mời nhiệt tình của bà mẹ, cô lại thôi.
Cũng là đối tượng bị bố mẹ "bỏ bê" nhưng bé "Khoai", tên thân mật của Thục Anh, học sinh lớp 6 trường tiểu học B.V.Đ (Hà Nội) còn may mắn hơn đám bạn cùng cảnh ngộ một chút là có bà nội lên trông. Sống trong một nhà nhưng hoạ hoằn lắm, Thục Anh mới được gặp mặt bố mẹ. Khi bé dậy đi học thì bố mẹ còn ngủ nướng, đến khi bố mẹ đi làm về thì bé đã say giấc ngủ. Bà nội Thục Anh cứ mỗi lần nhắc đến việc bỏ bê con cái để mê mải kiếm tiền của hai vợ chồng "thằng cả" là lại thở dài đánh thượt: "Không hiểu chúng nó cần tiền nhiều như vậy để làm gì. Con thì mập ú nhưng thiếu can-xi vì ăn uống thiếu khoa học, bữa no bữa đói. Nếu tôi không lên trông nom, không biết cháu tôi sẽ thế nào đây?!". Mỗi lần nghe bà nội than thở, Thục Anh lại lẳng lặng chui vào một xó, lôi bộ xếp hình ra lắp ghép.
Được cái Thục Anh rất chăm ngoan, học giỏi. Cô Giang gia sư chưa lần nào phải than phiền về chuyện học hành của bé. Giang kể: "Có lần học xong bài sớm, em dẫn bé Thục Anh đi ăn kem dưới phố. Đang ăn kem vui vẻ, bỗng dưng mặt bé thần ra, tần ngần: "Cô ơi, năm nào bố cũng hứa nếu con được học sinh xuất sắc sẽ đưa con đi du thuyền Hồ Tây và ăn kem nhưng rồi đến lúc đó, bố lại kêu bận và đưa cho con rất nhiều tiền, bảo thích ăn gì thì mua nấy. Sao lúc nào người lớn cũng chỉ nghĩ đến tiền hả cô? Cứ làm như có nhiều tiền là xong hết mọi việc không bằng!"...".
Sự hối hận muộn màng...
Mong ước được bố mẹ thương yêu, quan tâm, chăm sóc của bé Ly rốt cuộc cũng thành hiện thực nhưng là khi bé phải nằm viện với một bên chân bầm tím. Hôm đó, sau khi tan học buổi chiều, Ly về nhà khoá trái cửa lại theo lời mẹ dặn. Ngồi xem ti-vi chán chê, cô bé bắt đầu chơi nhảy dây, tung bóng lên cầu thang. Lớ ngớ thế nào, dẫm phải bóng ngã trật khớp, chân bị lọt xuống bậc cầu thang gấp khúc.
Kể đến đây, Hoa ngậm ngùi: "Khổ thân con bé, lúc đau đớn, hoảng sợ, cháu gọi cho bố mẹ nhưng không gặp được, may mà nhớ được số của em nên gọi. Nghe xong, em hoảng hồn gọi ngay đứa bạn cùng phòng trọ đến đưa cháu đi bệnh viện". Sau đó, bố mẹ cháu Ly mới hốt hoảng ào vào tìm con. Chị Thu mẹ cháu Ly thì mếu máo, tự sỉ vả mình không tiếc lời: "Tôi là người mẹ vô trách nhiệm. Lâu nay tôi gần như bỏ rơi không đoái hoài gì đến nó. Thậm chí, ngay cả việc tắm rửa, vệ sinh cũng không hướng dẫn con để nó tự làm tất cả. May mà trời thương chứ nếu cái Ly có làm sao, chắc tôi không thể tha thứ cho mình". Còn anh Hoài, bố cháu Ly thì chỉ biết lặng lẽ ôm đầu ân hận.
Tưởng rằng Ly sẽ hận bố mẹ khi mải mê kiếm tiền không quan tâm đến mình nhưng không, nằm lọt thỏm trên giường bệnh với thân hình bé xíu, Ly không hề hé một lời trách cứ hay dằn dỗi như tất cả đứa trẻ khác vẫn thường thế. Trái lại, mặt nó còn ngời lên vẻ hạnh phúc, mãn nguyện khi được cả bố và mẹ cùng quan tâm lo lắng. Khi Hoa cúi xuống thơm trán nó, Ly còn kéo cổ cô Hoa xuống thì thầm: "Cô ơi, con sợ đến lúc lành chân, bố mẹ lại bỏ con đi biền biệt. Nếu vậy, thà cứ gãy hết đi cũng được, cô nhỉ". Lời nói của bé Ly như gai đâm vào tim, không kìm nổi sự xúc động, Hoa bật khóc. Cả bố mẹ cháu Ly cũng khóc.
Dù rất buồn khi phải xa bé Ly, Hoa cũng đành đến nói lời từ biệt với bố mẹ bé. "Em không muốn mình là một thứ ô-sin kiêm gia sư chị ạ, mặc dù em rất yêu quý bé Ly và có tình thương đặc biệt với bé. Em làm vậy vì không muốn bố mẹ cháu ỷ lại vào lòng tốt của mình để phó mặc con cho người khác. Trong khi đó, cái mà bé Ly mong mỏi nhất, cần nhất lại là tình yêu thương, đùm bọc của bố mẹ." - Hoa tâm sự.