221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
215176
Vì sao phải có Hội đồng trường trong trường Đại học Việt Nam?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Vì sao phải có Hội đồng trường trong trường Đại học Việt Nam?
,

(VietNamNet) - Nhiều giáo sư, chuyên gia giáo dục đã mang tâm huyết của mình đóng góp cho hội thảo “Xây dựng và phát triển Hội đồng trường ở các trường ĐH Việt Nam”. Thế nhưng muốn phân tích rốt ráo vấn đề này quả thật không dễ, như GS Đặng Ứng Vận (Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục) nhận xét: “Thực tiễn bao giờ cũng phong phú và đa dạng, một đôi dòng văn bản quy phạm pháp luật chắc không điều chỉnh được hết. Phải đợi thực tiễn chứng minh!". Vì sao có nhận xét ấy?

Nhiều nội dung đã vượt ra ngoài khuôn khổ ĐH truyền thống

“Hội đồng trường (HĐT) là cơ quan quản trị của trường, quyết nghị các chủ trương lớn để thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường. HĐT là cầu nối liên kết giữa nhà trường và xã hội; có nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng chính sách để lãnh đạo nhà trường hoạt động đúng mục tiêu đã định; theo dõi, kiểm tra và đánh giá việc quản lý nhà trường của hiệu trưởng.

HĐT là một cơ chế mới trong trường ĐH, được tổ chức nhằm phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của trường ĐH trong phạm vi và nhiệm vụ quyền hạn được Nhà nước giao.

HĐT làm việc một phần thời gian, theo phương thức thảo luận, thông qua các quyết nghị tập thể tại cuộc họp Hội đồng. HĐT chủ yếu giữa vai trò lãnh đạo, họp thường kỳ 6 tháng 1 lần.Khi cần thiết, theo đề nghị của chủ tịch HĐT, hoặc hiệu trưởng, hoặc của trên 50% tổng số thành viên HĐT, chủ tịch có thể triệu tập cuộc họp HĐT bất thường.

Chủ tịch HĐT có thể mời đại diện cơ quan chủ quản và đại diện UBND tỉnh/thành phố nơi trường đóng tham dự cuộc họp khi cần thiết. Các đại diện này có quyền phát biểu ý kiến nhưng không tham gia biểu quyết.

Các cuộc họp của HĐT phải có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng tham dự mới được xem là hợp lệ. Các quyết nghị của HĐT chỉ có giá trị khi có quá nửa tổng số thành viên của HĐT nhất trí. Chủ tịch HĐT không tự mình đưa ra các quyết định.

Hiệu trưởng có trách nhiệm thực hiện các quyết nghị của HĐT và cung cấp thông tin phục vụ cho các hoạt động của HĐT. Nếu hiệu trưởng không nhất trí với các quyết nghị, kết luận của HĐT thì hiệu trưởng có quyền bảo lưu ý kiến; HĐT phải xem xét, bỏ phiếu lại quyết nghị đó. Nếu hiệu trưởng không đồng ý với quyết nghị của HĐT thì chủ tịch HĐT và hiệu trưởng kịp thời đề đạt ý kiến của mình lên cơ quan chủ quản. Trong khi chờ sự phán quyết của cơ quan chủ quản, hiệu trưởng có trách nhiệm thực hiện các quyết nghị đó của HĐT.”

(Trích Điều 29, Dự thảo lần 7, Thông tư của Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện Điều lệ Trường ĐH theo Quyết định 153/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ)

Đề cập đến tầm quan trọng và ý nghĩa hình thành Hội đồng trường (HĐT), GS Phạm Phụ ở ĐH Bách khoa TP.HCM nêu vấn đề: “Trong lịch sử giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam, tất cả các hội đồng ở trường ĐH, kể cả Hội đồng khoa học và đào tạo, đều có tính chất của những hội đồng tư vấn. Ở một số trường ĐH cũng có tổ chức “Hội đồng nhà trường” bao gồm hiệu trưởng, các trưởng khoa, phòng, ban, Đảng ủy, Công đoàn, một số giáo sư… Thế nhưng về bản chất, đó vẫn là hội đồng hành chính “bên trong” của nhà trường, chưa phải là HĐT với tính chất là một quyền lực cao nhất của nhà trường và có rất nhiều thành viên độc lập “bên ngoài” nhà trường. Và về nguyên tắc, quyền lực cao nhất vẫn được tập trung vào vài trò hiệu trưởng. Vậy tại sao nay lại phải có HĐT trong các trường ĐH?”.

Theo GS Phạm Phụ, trước hết có thể thấy GDĐH Việt Nam trong 15 năm qua đã có một bước chuyển hết sức cơ bản, từ hoàn toàn được Nhà nước bao cấp nay đã có chính sách thu học phí. Ở nhiều trường ĐH công lập, phần thu học phí đã chiếm khoảng 50% chi phí thường xuyên. Ở trường ĐH hiện nay, ngoài hai hoạt động có tính truyền thống là giảng dạy và nghiên cứu, đã có thêm nhiều hoạt động khác mang màu sắc “kinh doanh” như các chương trình đào tạo ngắn hạn, tư vấn theo hợp đồng, thậm chí cho thuê cơ sở vật chất… Nghĩa là đã có nhiều nội dung cần phải ra quyết định vượt ra ngoài khuôn khổ của trường ĐH truyền thống, trong đó có vấn đề “tài chính trường ĐH”.

Một cách tương ứng, việc ra quyết định ở các ĐH Việt Nam hiện nay không còn chủ yếu theo mô hình truyền thống với quyền lực lớn nằm ở Hội đồng giáo sư của nhà trường nữa mà chủ yếu lại là các mô hình của những tổ chức hành chính, quyền lực lớn nằm trong tay các nhà quản lý hành chính và mô hình của các doanh nghiệp. Đây cũng là xu thế “giống như kinh doanh” của GDĐH trên thế giới trong hơn 30 năm qua.

Hơn nữa, GDĐH Việt Nam hiện vẫn đang ở trạng thái “cầu” vượt trội rất nhiều so với “cung”, mới chỉ có khoảng dưới 20% số người muốn học ĐH được vào học ĐH hằng năm. Trong bối cảnh đó, GS Phạm Phụ cho rằng cần phải trao quyền sử dụng tài sản và một phần quyền định đoạt lợi ích phát sinh cho một HĐT như Hội đồng quản trị ở các công ty nhà nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều mô hình HĐT của các trường ĐH trên thế giới để bàn thảo lấy kinh nghiệm áp dụng cho ĐH Việt Nam.

Có thể thực hiện quyền tự chủ khi... không có quyền đó?

Điều lệ trường ĐH được ban hành ngày 30/7/2003 đã xử lý về nguyên tắc và nêu lên một quan điểm rất cơ bản là “trao quyền chủ động và trách nhiệm xã hội cho nhà trường ĐH”.

Thế nhưng PGS TS Nguyễn Thế Hữu đã bức xúc nêu câu hỏi: “Tôi có cảm nhận rằng các ĐH và HĐT của các ĐH sẽ không thể thực hiện được Điều lệ trường vì có quyền tự chủ đâu mà thực hiện quyền tự chủ, nếu không ai trao cho mình cái quyền ấy!”.

Và ông nhấn mạnh: “HĐT có thực hiện được chức năng là cơ quan quản trị, quyết nghị các chủ trương lớn để thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường ĐH hay không, trước tiên phải làm rõ hiện nay các trường ĐH công lập được quyền tự chủ những gì?”.

Chúng ta hãy hình dung lại một nhà trường mà từ chỉ tiêu đào tạo, cách thức tuyển sinh, biên chế đội ngũ, tiền lương, ngân sách hàng năm (quy định cả mục chi), chương trình, sách giáo khoa ĐH, kế hoạch và phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị….tất tần tật đều do Bộ GD-ĐT giao, thì nhà trường còn tự chủ được gì, nếu không phải là…”tự chủ thực hiện”?

PGS Hữu cho rằng hiện nay, các ĐH chưa có quyền tự chủ và kiến nghị rằng cần trao cho ĐH 5 quyền tự chủ cơ bản: tự chủ về tài chính, tự chủ về biên chế và quỹ lương, tự chủ về đào tạo, tự chủ về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tự chủ trong quan hệ hợp tác quốc tế.

Và điều mà nhiều người cùng boăn khoăn chính là HĐT, hay bất cứ một hội đồng nào khác, dù chức năng rất hấp dẫn nhưng nếu chưa làm rõ nhà trường được tự chủ những gì thì HĐT cũng chỉ có thể trở về chức năng tư vấn cho hiệu trưởng như Hội đồng nhà trường của những năm trước đây.

Chỉ có HĐT mới đảm đương được các trách nhiệm?  

GS Phạm Phụ: Thẩm quyền quyết định trong GDĐH sẽ được tập trung chủ yếu ở cấp trường ĐH.
 

Về vấn đề tự chủ của trường ĐH, GS Phạm Phụ nói: "Hiện nay, Nhà nước đang có chủ trương tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH công lập và đã bắt đầu thí điểm “cơ chế khoán chi”. Điều đó có nghĩa: GDĐH đang từng bước chuyển cơ chế “phân phối thẩm quyền” từ mô hình có cấu trúc “đầu nặng” sang mô hình cấu trúc “đuôi nặng”, nghĩa là thẩm quyền quyết định trong GDĐH sẽ được tập trung chủ yếu ở cấp trường ĐH".

GS Phạm Phụ phân tích thêm: Trong bối cảnh đó, trường ĐH phải tự biết mình đổi mới, phải biết chấp nhận rủi ro, phải tự đưa ra nhiều quyết định có tính chất đa mục tiêu… Chỉ có HĐT mới có thể đảm đương được những trách nhiệm đã nêu ở trên. Nói riêng về tổ chức Đảng, tuy Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng trên thực tế ở các trường ĐH, Bí thư Đảng uỷ lâu nay thường chỉ giữ chức phó hiệu trưởng lo công tác chính trị, tổ chức và bảo vệ nội bộ (khác hoàn toàn tình hình tổ chức Đảng ở các tỉnh, thành phố, quận, huyện,...). Do vậy, chức năng của tổ chức Đảng về cơ bản khác hẳn với chức năng của HĐT. Hơn nữa, HĐT còn phải bao gồm được nhiều thành viên độc lập “bên ngoài“ nhà trường.

"Ngoài ra, GDĐH Việt Nam trước đây còn chưa chú ý đầy đủ về mặt “hiệu quả” (tài chính) và “trách nhiệm xã hội”. Thế nhưng hiện nay, các trường ĐH Việt Nam cũng bắt đầu giống như các trường ĐH trên thế giới khi lúng túng trước những vấn đề “đánh đổi” với nhau, gói gọn trong 4 chữ “chất lượng - tài chính”. Đó cũng sẽ là một áp lực rất lớn và ngày càng lớn của xã hội, trước hết là của sinh viên và những “nhóm lợi ích có liên quan”, đè nặng lên các trường ĐH trong bối cảnh cơ chế “dân chủ cơ sở” ngày càng được mở rộng. Do vậy, phải có một “tấm nệm giảm sung” (buffer) cho trường ĐH và hiệu trưởng. Đó là HĐT!" - GS Phạm Phụ khẳng định.

Thực tế: Các trường rất… lúng túng!

Chuyện kể của GS Võ Tòng Xuân: 4 năm chưa ra 1 Hội đồng!

Từ 4 năm trước, khi soạn Quy chế của ĐH An Giang, một trường công lập do ngân sách tỉnh đài thọ, chúng tôi đã thấy trước là phải huy động nguồn lực từ ngoài ngân sách tỉnh An Giang mới có thể trang trãi các chi phí, nhất là học bổng và học phí của các sinh viên sư phạm từ tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang mà quyết định của Thủ tướng giao cho ĐH An Giang nhận. Chúng tôi đã thiết kế có Hội đồng tư vấn gồm đại diện lãnh đạo của 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang, 6 đại diện của các doanh nghiệp trong 3 tỉnh, đại diện cán bộ giảng dạy và sinh viên, Ban giám hiệu.

Mục đích của Hội đồng tư vấn này là để góp ý cho Đảng Uỷ trường về phương hướng phát triển của trường sao cho đáp ứng như cầu đào tạo nguồn nhân lực và khoa học công nghệ cho các tỉnh, và giúp hiệu trưởng huy động thêm tài chính cho trường. Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi vẫn không nhận được đề cử đại diện nào của 2 tỉnh bạn nên chưa thể thành lập Hội đồng.

Khi soạn thảo điều lệ ĐH cho trường ĐH An Giang năm 2000, chúng tôi cũng đã thấy trước sự cần thiết phải có Hội đồng như thế để giúp cho hiệu trưởng điều hành nhà trường một cách hữu hiệu hơn, nhất là về mặt vận động thêm ngân sách đầu tư cho trường. Nhưng 4 năm đã trôi qua, Hội đồng này vẫn không thành lập được vì nhiều lý do rất khách quan.

Vì vậy, chúng tôi tạm kết luận sự kiện này như sau: Có lẽ do điều kiện và cơ chế của Việt Nam rất…khác với các nước nên rất khó quy tụ được những thành viên cần thiết để thành lập Hội đồng.

Hầu hết các giáo sư và các chuyên gia đào tạo đều có chung quan điểm là rất cần lập mô hình HĐT.

Tuy vậy, điều khiến mọi người cùng hết sức chú ý là phát biểu của GS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng trường ĐH An Giang. Trước hết, GS Võ Tòng Xuân chất vấn: “Có nên lập HĐT trong các trường ĐH Việt Nam?”. Theo ông, quản trị trường học luôn là vấn đề rất quan trọng trong sự nghiệp đào tạo. Đây là việc làm đã có từ khi xã hội bắt đầu lập ra trường học.Trong xã hội phương Đông, trường học do cấp cầm quyền lập ra và nắm quyền quản trị, hoặc do những trường phái, những nhà hiền triết tổ chức. Trong xã hội phương Tây, những trường học đầu tiên là do nhà thờ bỏ vốn tạo lập và các tu sĩ quản trị dưới hình thức Ban quản trị. Cho đến ngày nay, hình thức phổ biến trong các trường học là Hội đồng quản trị, Ban giám hiệu và Hội đồng đào tạo.

GS Võ Tòng Xuân nhận xét: Hệ thống GD Việt Nam đang trên con đường đổi mới một cách cơ bản và toàn diện nhằm thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ IX. Trong khi Luật GD (1998) đang được Quốc hội sửa đổi thì một số văn bản dưới luật vừa được Chính phủ ban hành, một trong các văn bản đó là “Điều lệ trường ĐH”, kèm theo công văn của Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện. Rất nhiều trường ĐH đang rất… lúng túng đối với một số cơ chế mới trong Điều lệ, nhất là việc thành lập HĐT.

Hình thức và tốn kém!

"Bởi vì đặc điểm chung của các loại hình HĐT của các nước được lập ra để giúp cho hiệu trưởng quản trị tất cả các hoạt động trong trường, đồng thời để huy động tài chính cho trường từ tất cả những nguồn có thể, từ ngân sách Nhà nước đến tặng phẩm của cựu sinh viên. Sự hiện diện của Hội đồng quản trị còn có nhiệm vụ quản lý hoạt động tài chính kinh doanh tiền vốn của trường để số vốn ấy không bị sứt mẻ mà chỉ có lãi mà thôi." - GS Võ Tòng Xuân nói - "Trong khi đó, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về thành lập HĐT, tôi thấy có 2 trở ngại chính. Đó là mối quan hệ nhập nhằng giữa Đảng Uỷ và Hội đồng, một sự lặp lại không cần thiết, tốn kém tiền của và thời gian. Liệu cơ chế Đảng lãnh đạo của ta có cho phép HĐT đứng trên Đảng Uỷ trường không? Trong khi đó, sẽ có một cuộc chạy đua mãnh liệt của hơn 120 trường ĐH, CĐ Việt Nam tranh thủ các lực lượng bên ngoài để đưa vào danh sách thành viên Hội đồng, đe doạ... chất lượng Hội đồng?".   
GS Võ Tòng Xuân: Hiện nay, lập HĐT rất có thể chỉ là hình thức và tốn kém mà hiệu quả không rõ ràng!

Theo GS Võ Tòng Xuân, việc thành lập HĐT trong bối cảnh hiện nay rất có thể chỉ là "hình thức và tốn kém mà hiệu quả không rõ ràng!". Do một Đảng Uỷ trường nếu được cấu tạo với đại diện của các tầng lớp và ban ngành hiện diện trong trường, kể cả sinh viên nếu là đảng viên, sẽ tạo thành một Hội đồng quản lý của mỗi trường. Nếu cần các thành phần ngoài trường tham gia vào, thì "nhất thiết HĐT phải bao gồm toàn thể ủy viên của BCH Đảng Uỷ làm nòng cốt của Hội đồng”.

Chính vì vậy, TS Nguyễn Kim Dung (Trung tâm Nghiên cứu GDĐH, Viện Nghiên cứu GD - ĐH Sư phạm TP.HCM) kiến nghị: “Việc thành lập HĐT ở các trường ĐH công lập nên được tiến hành từng bước thận trọng, trong đó việc để cho các trường ĐH có quyền quyết định mô hình HĐT riêng của mình là một việc làm cần thiết cần được nghiên cứu. Điều đó cũng dễ hiểu vì có sự “dìu dắt” của Nhà nước trong việc “dạy” cho các trường biết tự chủ là một việc làm… phản tác dụng và làm mất đi ý nghĩa thực sự của HĐT. Tất nhiên, Nhà nước sẽ đóng vai trò giám sát khi có sự vi phạm về các nguyên tắc chủ đạo trong việc xây dựng HĐT của các trường”.

Bài, ảnh: Trương Hiệu

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,