(VietNamNet) - Mỗi giờ lên lớp của giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) hiện nay chỉ được trả vài chục ngàn đồng, chỗ làm việc riêng chẳng có. "Nếu không cải thiện chế độ chính sách cho đội ngũ này thì 5 năm nữa, 'tinh hoa" của giáo dục ĐH nước nhà cũng chẳng còn và lớp trẻ nhìn thấy thì "hãi" và không còn hoài bão làm GS nữa" - GS Nguyễn Văn Đạo, Hội cơ học Việt Nam không giấu được bức xúc khi trình bày trong hội thảo bàn về chế độ chính sách cho giáo sư, phó giáo sư, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Mỗi năm trả 12 triệu USD cho GS, vẫn "rẻ" chán!
GS Nguyễn Văn Đạo cho rằng, vấn đề cơ bản nhất của chế độ chính sách đối với GS là phải giải quyết tận gốc chế độ tiền lương và chế độ làm việc của GS. Lương GS hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu của bản thân và gia đình. GS Nguyễn Tài Lương, Chủ tịch Hội đồng chức danh GS ngành Sinh học bổ sung bằng so sánh: lương tột đỉnh của GS Việt Nam là 2 triệu 59 nghìn đồng, chỉ tương đương với lương bảo vệ của một công ty nước ngoài tại Hà Nội. Chính vì vậy, một số người giỏi đã đi nghiên cứu thuê, làm thuê cho nước ngoài, thậm chí phát sinh tiêu cực như thầy thì viết thuê luận án, thí sinh đi thi thì thậm thụt "mua thầy", "mua giám khảo".
Sau khi so sánh, tính toán các thang lương của công chức giảng day ĐH, GS Đỗ Trần Cát, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã chỉ ra 4 bất hợp lý của chế độ lương này: quá nhiều bậc, các bảng lương gần như đồng nhất (đều có các thang "..viên", "... chính", "...cao cấp"); lương khởi điểm quá thấp; không có tính đặc thù. Đặc biệt, lương cao nhất của GS còn thấp hơn lương cao nhất của Thứ trưởng và lương cao nhất của chuyên gia cao cấp. GS Đỗ Trần Cát đã đề xuất bảng lương mới với ít ngạch, bậc hơn. Bổ sung ý tưởng này, GS Nguyễn Đình Phan, Trường ĐH Kinh tế quốc dân "đòi" một ngạch lương riêng cho giáo dục ĐH với lý do không thể đồng nhất lương của bậc học này với cán bộ hành chính. GS Nguyễn Văn Đạo đề xuất bằng con số cụ thể: đưa mức lương bình quân hàng tháng của GS chuyên làm giảng dạy ĐH và nghiên cứu khoa học lên 7 triệu đồng, tương đương với 500 USD và bằng 1/20 lương của các GS Trung Quốc hiện nay. Theo tính toán của GS Đạo, với khoảng 2.000 GS hiện nay, Nhà nước phải chi 12 triệu USD hàng năm vẫn là "quá rẻ".
GS Phạm Minh Hạc: Chúng tôi sẽ tập hợp những ý kiến của các GS, PGS trong cả nước trình lên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 8 sẽ bàn về chế độ lương. Chúng tôi hy vọng tờ trình sẽ đến đúng thời điểm. GS Nguyễn Văn Đạo, Hội Cơ học Việt Nam: Vừa qua, nhiều GS lừng danh đến lúc chết vẫn không được phong Nhà giáo nhân dân như GS Lê Văn Thiêm, GS Lê Khả Kế... Nói rộng ra, kể cả việc chế độ ma chay, an táng khi GS qua đời, việc lấy tên GS đặt cho đường phố. Hiện nay, Hà Nội chưa có con đường mang tên GS Trần Đại Nghĩa, GS Lê Văn Thiêm. Khi tôi hỏi, UBND thành phố trả lời, do thời gian mất của các GS chưa đủ 20 năm!
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm: Tôi nghĩ rằng, bàn về chế độ, chính sách cho GS, PGS cần phải có cái nhìn đồng bộ và đầy đủ hơn. Việc cải thiện cơ sở vật chất cho trường ĐH, biến trường ĐH thành trung tâm nghiên cứu khoa học cũng là một cách. Nhưng hiện nay, các trường ĐH chỉ chú tâm vào việc đào tạo, còn phần nghiên cứu khoa học không đáng kể.
Ô tô, máy bay và văn phòng riêng?
Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều "xoáy" vào chế độ tiền lương với mong muốn: làm thế nào để lương sẽ là thu nhập cơ bản của đội ngũ trí thức này và tạo động lực cho họ cống hiến. Tuy nhiên, nói như Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước - GS Phạm Minh Hạc, chế độ, chính sách không chỉ bó hẹp trong vấn đề thang bảng lương mà còn là những đãi ngộ khác như quyền được thông tin cập nhật kiến thức, mua sắm trang thiết bị, phục vụ cho hướng nghiên cứu của mình. "Tôi thấy GS gì mà khổ quá, đi họp bằng xe ôm, hoặc con cho tiền đi taxi. Như GS Hoàng Tuỵ, muốn dùng internet mà cũng khó bởi khoản ấy mỗi tháng phải tốn mấy trăm nghìn". PGS Nguyễn Hữu Đức, Hiệu trưởng trường ĐH Đà Lạt đề xuất nên có chế độ cung cấp ô tô con hoặc chế độ đi máy bay cho các PGS, GS khi đi công tác. GS Bùi Học, Hiệu trưởng trường ĐH Mỏ - Địa chất đề xuất: hằng năm, Nhà nước cần dành cho mỗi GS một khoản kinh phí nhất định, khoảng 50 triệu để tổ chức đào tạo và nghiên cứu. Còn GS Nguyễn Đình Phan bổ sung thêm: cần cấp một khoản kinh phí hàng tháng để mua tạp chí vaà báo chuyên ngành, đồng thời bố trí một phòng làm việc nhỏ cho các GS. Nhiều ý kiến tại diễn đàn cũng đã đề xuất tuổi về hưu của GS là 70 và của PGS là 65.
Khi nào bị miễn nhiệm chức danh?
Theo GS Nguyễn Tài Lương, số lượng 412 GS, 1.587 PGS của đất nước 80 triệu dân không phải là nhiều. Thế nhưng, vấn đề quan trọng là sử dụng những cán bộ đầu đàn chứ không phải việc phong chức danh chỉ để tôn vinh lẫn nhau, để in namecard hay củng cố vị trí trong các thang bậc quản lý. Thực tế, có một số người sau khi có học hàm thì ngưng luôn hoạt động. Tuy nhiên, tại hội thảo này, chế độ miễn nhiệm chức danh GS, PGS mới được đề cập tới một cách lác đác. GS Nguyễn Văn Đạo nêu ý kiến: đối với những GS không hoàn thành nhiệm vụ hoặc thoái hóa về phẩm chất thì hạ bậc lương, tước danh hiệu". Chi tiết hơn, TS Đỗ Văn Xê, Hiệu phó trường ĐH Cần Thơ đề xuất chế độ miễn nhiệm với 4 điểm khá rõ ràng: Thứ nhất: Không hoàn thành nhiệm vụ và chức danh khoa học được Nhà nước bổ nhiệm, nhiều năm không tham gia các công trình nghiên cứu khoa học hoặc có nghiên cứu nhưng không nghiêm túc, gian lận trong khoa học và đào tạo cán bộ; không tham gia đào tạo lực lượng cán bộ khoa học trẻ kế thừa trình độ ĐH, trên ĐH; thứ hai: Cung cấp hoặc bán thông tin khoa học của nhà nước cho các tổ chức, công ty nước ngoài khi chưa được phép; thứ ba: Chuyển công tác sáng đơn vị khác mà đơn vị đó không thuộc các cơ sở giáo dục cơ quan nghiên cứu không cần có các chức danh GS, PGS; thứ tư: bị truy tố trước pháp luật và có án tù.
Không có biện pháp "sốc" thì nguy!
Trong thực tế, việc xây dựng một mức lương riêng cho công chức giảng dạy ĐH là khó khả thi. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Điều khẳng định: Tất cả chính sách xã hội phải tính đến tính chỉnh thể, không thể tách riêng một bộ phận nào và còn phải tính đến các nhà hoạt động quản lý. Ông Điều cho biết thêm, trong một vài tuần tới, Bộ GD - ĐT và Bộ Nội vụ sẽ thống nhất một thông tư điều chỉnh mức lương cho PGS, GS. Tuy nhiên, theo điều chỉnh này, thu nhập của GS cũng chỉ nhỉnh hơn vài chục ngàn đồng. Trao đổi với VietNamNet, GS Phạm Minh Hạc cho rằng: thực ra, các GS bây giờ không thể sống bằng lương. Việc cải tiến chế độ chỉ có ý nghĩa tạo sự an tâm khi về hưu cho các GS mà thôi. Cũng tự nhận thấy "có thể những đề xuất về tiền lương của tôi là viển vông", GS Đạo kiến nghị giải pháp khả thi hơn: trả lương theo sản phẩm. GS Nguyễn Văn Đạo bức xúc: "Nếu Nhà nước không dám đề ra những biện pháp "sốc" thì 5 năm nữa, đội ngũ "tinh hoa của giáo dục ĐH sẽ chẳng còn ai'.
-
Hạ Anh