"Trùm" Long Hòa và những giấy tờ làm giả |
Chỉ với 2 ngày ngồi thi, "gà" - người thi thuê có thể kiếm được 30 triệu. Đặc biệt, nếu trót lọt, qua một kỳ thi, "trùm" chạy thi có thể kiếm được 1 tỷ đồng. Một đường dây thi thuê ĐH đang ngang nhiên tồn tại ở TP.HCM với những công đoạn làm giả "trọn gói" khá tinh vi.
'Gà" nữ cao giá hơn "gà" nam
Trịnh Long Hoà ( T.L.H) là "tay trùm" của đường dây này. Đó là một người đàn ông khoảng 30 tuổi, nói giọng miền Trung, nước da ngăm đen, đậm người và tự xưng đã tốt nghiệp ngành hóa ĐH Bách khoa (ĐHQG -TP.HCM), nhà ở Bình Hưng Hòa, Bình Chánh, TPHCM. Điều đặc biệt ở "trùm" L.H. là dái tai rất to và luôn tỏ ra cảnh giác với mọi người xung quanh.
Có lần đang uống cà phê, L.H. nhận được một cuộc điện thoại nhưng phía đầu đây bên kia không nói gì, L.H. lập tức bỏ chạy thục mạng trên chiếc xe Wave vì nghĩ mình đang bị theo dõi. Sau đó L.H. cho quay đuôi xe vào trong quán cà phê để không ai thấy biển số, vì theo lời L.H. là "cảnh giác vẫn hơn”.
Tuy nhiên, L.H. vẫn không quên động viên "gà" rằng cứ ở nhà học bài cho tốt, gần ngày thi sẽ đưa giấy tờ cho đi thi. Thậm chí L.H. còn cho biết đến ngày thi cũng sẽ có người đưa đi thi để đề phòng sự cố, nếu lộ sẽ báo ngay về cho L.H. biết.
Đặc biệt, "gà” nào nhận thi thuê cho thí sinh ở các cụm thi, L.H. còn bảo đảm có người đưa đón đến tận nơi, tổ chức lo cho "gà" chỗ ăn chỗ nghỉ, nói chung là tạo điều kiện tối đa để "gà" có thể vào cuộc thật tốt. Khi có kết quả đậu, tiền sẽ được đưa trước một nửa, và khi "đứa nhỏ” nhập học "gà" sẽ được nhận nốt số tiền còn lại. Giá tiền tuỳ theo từng trường và tùy theo phái, thông thường phái nữ tiền cao hơn vì khó kiếm "gà" hơn.
ĐH Kinh tế tiền công 8-12 triệu/"gà" nếu là nam, 12-15 triệu nếu là nữ; ĐH Bách khoa: 15-17 triệu. Những trường có đường vào cực hẹp như Y dược, "gà" thường được mời với giá rất cao, lên đến 30 triệu. Đó là chưa kể, cứ một điểm vượt điểm chuẩn, "gà" sẽ được thưởng thêm 500.000 đồng đến 1 triệu. Tất nhiên, ngược lại, "gà" cũng phải cam kết bồi thường cho L.H trong trường hợp thi không đậu với giá 5 triệu đồng bởi theo L.H ngoài uy tín bị giảm sút, để làm một đường dây toàn giả y phải chi rất nhiều khoản “giao dịch”.
Một hợp đồng bất thành
Tối 23/6, phóng viên - trong vai những người tham gia đường dây thi thuê - nhận được tin báo có một vị bác sĩ muốn nhờ người thi hộ vào Trường ĐH Y dược TP.HCM, ngành y hay dược gì cũng được. Do đang khan hiếm "gà nữ” nên L.H. đã đề nghị phóng viên nhận "kèo" này.
Trưa 24/6, trò chuyện qua điện thoại, khi nghe giới thiệu đã kiếm được "gà" là một SV năm 2 khoa Công nghệ sinh học của ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), L.H. đã tỏ vẻ không tin tưởng vì sợ "gà" này không đủ sức thi vào ĐH Y dược.
Theo thông tin ban đầu mà L.H. cung cấp, con vị bác sĩ kia đã từng thi rớt một năm. Sau khi nghe "nổ" là "gà" đã thi vào trường này được 27 điểm, L.H. mới tạm tin. L.H. hẹn gặp chiều cùng ngày và giao cho phóng viên một mẫu bản "hợp đồng thi đại học" để dựa vào đó soạn thảo lại vì bản gốc hợp đồng này đã có từ năm 2002.
Trong hợp đồng này có ghi rất rõ : "Bên A là ông (bà)... là phụ huynh của em, đại diện cho em đứng ra làm hợp đồng. Bên B là bên chịu trách nhiệm nhận hợp đồng, đảm bảo cho em... thi đỗ vào trường... Các điều khoản ràng buộc như bên B phải chịu trách nhiệm về hình thức làm, đảm bảo độ an toàn, bí mật tuyệt đối trong quá trình làm.
Sau khi đã có kết quả thi và nhận đầy đủ chi phí, bên B sẽ không được làm bất cứ điều gì gây khó khăn đối với bên A, chẳng hạn: không đòi thêm tiền, không tiết lộ hợp đồng đối với ai. Đối với bên A phải tạo mọi điều kiện để bên B thực hiện hợp đồng (cung cấp các giấy tờ cần thiết cho bên B...).
Phương thức thanh toán hợp đồng là sau khi hợp đồng được ký kết, bên A phải gửi số tiền (tùy theo sự thỏa thuận về giá cả của hai bên... vào ngân hàng với sự đứng tên của bên B. Nếu bên A phá vỡ hợp đồng, số tiền này sẽ hoàn toàn thuộc về bên B. Sau khi có kết quả thi đỗ, bên A phải trả tổng chi phí cho bên B vào ngày... tháng... năm... Nếu quá bảy ngày so với thời hạn nêu trên, bên A được xem như vi phạm hợp đồng... “
Thế nhưng sau khi gặp, bất ngờ H. đã không đồng ý để cho phóng viên đi ký hợp đồng trên. Có lẽ do "gà” đưa ra không đủ sức thuyết phục H. cho lắm, và với châm ngôn "cơm chưa nấu thì gạo vẫn còn” H. đã quyết định gác kèo này lại...
(Theo Tuổi Trẻ)