(VietNamNet) - Phía Nam: số thí sinh đăng ký dự thi vào các trường ĐH Bách Khoa, ĐH Nông Lâm, ĐH Y Dược TP.HCM… đều giảm. "Lên ngôi": ĐH Kinh tế, ĐH Quốc tế TP.HCM, các trường CĐ ở địa phương, và các trường nghề…
ĐH Kinh tế có sức hấp dẫn nhất?
Trong ngày 7/5, gần 30 Sở GD-ĐT từ Khánh Hoà trở vào đã giao hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ở phía Nam.
Không biết có phải do có quá nhiều hồ sơ và nhiều trường đến nhận hồ sơ ĐKDT hay không mà Sở GD-ĐT TP.HCM đã giao nhầm cho ĐH Mở Bán công hồ sơ của một trường khác. Trường này cứ thế cầm về, để đến chiều phải hộc tốc mang đến... đổi lại.
Được biết riêng Sở GD-ĐT TP.HCM nhận 102.935 hồ sơ hệ ĐH, CĐ. Trong đó, cao nhất là ĐH Kinh tế (11.365). Tiếp đến là ĐH Mở Bán công (5.848), ĐH Nông Lâm (5.256), ĐH Khoa học Tự nhiên (4.346), ĐH Sư phạm Kỹ thuật (4.069), ĐH Sư phạm TP.HCM (3.503),… Ở hệ CĐ, dẫn đầu là CĐ Công nghiệp IV (9.171), tiếp theo là CĐ Kinh tế đối ngoại (6.521), CĐ Sư phạm TP.HCM (5.208),…
Như vậy, tính đến lúc này, ĐH Kinh tế TP.HCM tạm dẫn đầu với số hồ sơ ĐKDT từ các tỉnh phía Nam là trên 45.000 hồ sơ (so với khoảng 37.000 hồ sơ ở năm 2003). Ông Phạm Văn Năng, hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế cho rằng trường không có “bí quyết” gì nhiều, chỉ do làm khá tốt công tác tư vấn mùa thi và do tâm lý xã hội chi phối sự quyết định chọn trường của các bậc phụ huynh và học sinh. Trường dự kiến tăng khoảng 10%, nếu tăng đột biến cao hơn thế thì sẽ bị động trong nhiều khâu, kể cả trong việc mượn trường phổ thông để tổ chức thi.
.
Ông Lý Ngọc Đức, phó Phòng đào tạo trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TP.HCM cũng cho biết: “Hồ sơ nộp vào trường năm nay tăng khoảng 20-30% (năm trước là hơn 5.000 hồ sơ), do năm nay thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng nên đã phải lượng sức mình". Theo ông Đức, các học sinh có học lực trung bình khá sẽ lao vào các trường ở “tốp giữa" như trường ông.
Trong khi đó, thí sinh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nay tập trung nộp hồ sơ nhiều ở ĐH Cần Thơ và các trường CĐ của tỉnh. Tính đến ngày 7/5, ĐH Cần Thơ đã nhận khoảng 54.000 hồ sơ (năm 2003 nhận 53.000 hồ sơ). Một ví dụ: Sở GD-ĐT Tiền Giang nhận 17.080 hồ sơ ĐKDT, trong đó cao nhất là ĐH Cần Thơ (2.749, nhiều hơn khoảng 400 hồ sơ so với năm ngoái), ĐH Nông Lâm TP.HCM (1.190), ĐH Kinh tế TP.HCM (1.268), CĐ Công nghiệp IV (1.916),... Ông Trần Văn Bé, phó Phòng Giáo dục chuyên nghiệp tỉnh Tiền Giang cũng lý giải tương tự như ông Đức: Sở dĩ số hồ sơ nộp vào ĐH Cần Thơ tăng là do thí sinh năm nay rất thận trọng, chỉ lựa trường có thể nắm “phần thắng” trong tay nhiều hơn.
ĐHQG TP.HCM: Giảm số hồ sơ vì… tăng học phí?
Trong khi đó, các trường có nhiều hồ sơ ĐKDT năm 2003 thì năm nay lại giảm. Chẳng hạn: ĐH Bách khoa TP.HCM nhận khoảng 11.100 hồ sơ (năm trước: 17.000 hồ sơ), ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM: khoảng 14.000 hồ sơ (năm qua: 19.000 hồ sơ), ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM: 13.000 (năm ngoái: 27.000),... Riêng ĐH Quốc tế TP.HCM mới thành lập nên số hồ sơ đăng ký chỉ có hơn 871, so với chỉ tiêu tuyển 200 thí sinh…
Theo ông Trương Văn Chung, trưởng Phòng đào tạo ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, hiện tượng sút giảm này có lẽ do "sự phân hoá của học sinh, ngại học lực trung bình sẽ thi vào không nỗi nên đã không chọn vào các trường thuộc ĐHQG TP.HCM”. Tuy vậy, một số cán bộ tuyển sinh lại nêu... ước đoán: Số học sinh vào nộp hồ sơ giảm một phần do nghe thông tin ĐHQG TP.HCM sẽ tăng học phí.
Một số trường khác cũng giảm số hồ sơ ĐKDT, như ĐH Nông Lâm TP.HCM (gần 30.000 hồ sơ, so với 37.000 ở năm 2003); ĐH Luật TP.HCM (11.000, so với 14.000 hồ sơ vào năm trước); ĐH Sư phạm TP.HCM (khoảng 27.000, so với năm ngoái có 28.186)… Mặc dù vậy, ông Tạ Quang Lâm ở trường ĐH Sư phạm TP.HCM vẫn khẳng định: "Dù số hồ sơ giảm nhưng cuộc tranh đua của các thí sinh vẫn rất gay go, do tỷ lệ "chọi" cũng không phải là thấp: bình quân 13,5".
Sức “hút” mới: Các trường CĐ nghề và địa phương
Tại Tây Ninh, trường CĐ Công nghiệp IV có số hồ sơ cao nhất (1.206). Xếp sau đó là ĐH Nông Lâm (1.038), ĐH Kinh tế TP.HCM (913),…
Như vậy, nhìn lướt qua kết quả nộp hồ sơ từ nhiều tỉnh, thành, trường CĐ Công nghiệp IV vẫn chiếm vị trí đầu trong sự chọn lựa của nhiều thí snh với hệ CĐ. Ông Nguyễn Anh Sơn, ủy viên Ban Tuyển sinh của CĐ Công nghiệp IV cho biết: "Năm 2003, có khoảng 40.000 hồ sơ nộp vào trường. Năm nay, con số này tăng thêm khoảng 1.000 hồ sơ là do chính sách và chất lượng đào tạo của trường ngày một “cải tiến”. CĐ Công nghiệp IV sẽ có 23 chuyên ngành, trong đó có một số chuyên ngành mới mở thêm như điện tử máy tính, viễn thông, công nghệ phần mềm, cơ điện tử, và một số ngành cho hệ công nhân… Trường cũng tổ chức liên kết đào tạo với nhiều cơ sở ở các tỉnh nên phạm vi cũng rộng, tạo điều kiện cho đối tượng muốn học nghề có thể theo học...".
Tại Trà Vinh, Sở GD-ĐT nhận 11.934 hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ (tăng khoảng 2.000 hồ sơ), trong đó cao nhất là CĐ Sư phạm là 5.242 (năm cũ: 4.000), CĐ Cộng đồng: 1.111 (800),... Phân tích tình hình này, ông Trịnh Ngọc An ở Sở GD-ĐT Trà Vinh nói: "Số hồ sơ nộp vào các trường CĐ ở tỉnh tăng mạnh có lẽ do tâm lý học sinh muốn thi vào những trường điểm thấp để “ăn chắc”. Trong khi đó, có nhiều trường chỉ nhận có một hồ sơ, như Phân viện Báo chí, CĐ Sư phạm Trung ương 2, Học viện Quân y; Sĩ quan Thông tin 2,...".
Các số liệu dẫn chứng trên dựa vào thống kê sơ bộ của các trường ĐH, CĐ. Theo Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên sẽ không trực tiếp giao hồ sơ cho các trường mà sẽ gửi qua đường bưu điện.
Dự kiến đến ngày 10/5, Bộ GD-ĐT sẽ có thống kê chính thức số hồ sơ ĐKDT vào các trường. Lúc đó, sẽ còn có nhiều điều bất ngờ?
Bài, ảnh: Cam Lu