221
682
Tuyển sinh
tuyensinh
/giaoduc/tuyensinh/
214083
Mách bạn chọn trường, dựa theo điểm chuẩn 2003
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Mách bạn chọn trường, dựa theo điểm chuẩn 2003
,

(VietNamNet) - Cung cấp cho các bạn thí sinh một cách nhìn tổng quan trong việc chọn ngành, chọn trường: tỷ lệ “chọi” giữa các ngành nghề dự thi, cùng điểm chuẩn  tương quan giữa các trường, các ngành nghề của những kỳ thi trước.

Thí sinh dự thi khối ngành kỹ thuật, công nghệ chiếm 50%...

Theo thống kê của Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), lượng thí sinh thi khối A chiếm 60% tổng số đăng ký dự thi ĐH. Trong 60% đó, có thể thấy hầu hết (90 %) thí sinh tập trung dự thi ở các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ, điện, xây dựng, giao thông, môi trường… Đây cũng là "mảnh đất" tập trung nhiều thí sinh giỏi. Vì vậy, cuộc tranh đua ở khối ngành này cũng diễn ra rất căng thẳng.

Nổi bật  trong nhiều mùa thi liên tục gần đây là hiện tượng sau: ngành công nghệ thông tin (CNTT) tuy có số lượng thí sinh dự thi không cao nhưng luôn có số điểm chuẩn xét tuyển cao nhất. Vì sao vậy? Ngành CNTT có "truyền thống" về điểm chuẩn rất cao (có năm lên đến 25-28 điểm) nên mỗi năm, số lượng thí sinh dám “liều mạng” dự thi tương đối hạn chế - như năm 2003, ngành CNTT ở các trường có khoảng 3.000 - 4.000 thí sinh dự thi. Tuy vậy, đó toàn là những thí sinh tự tin ở khả năng dự thi của mình. Từ đó, tỷ lệ “chọi” bị đẩy lên cao, thậm chí là cao nhất so với tất cả các ngành nghề khác.

Chẳng hạn, ở khu vực TP.HCM, điểm chuẩn vào ngành CNTT năm 2003 tại ĐH Bách khoa TP.HCM là 24; ĐH Khoa học tự nhiên và Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông: 20; ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: 16,5. Tương tự, ở khu vực phía Bắc, ngành CNTT  ở Khoa Công nghệ thuộc ĐHQG Hà Nội lấy 23 điểm; Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông (phía Bắc) cũng lấy ở mức điểm này… Cùng với ngành CNTT là các ngành xây dựng, điện - điện tử, công nghệ sinh học… cũng có điểm chuẩn tương đối cao.

Trong khi đó, cùng một khối ngành nghề kỹ thuật, khoa học - công nghệ nhưng các ngành nghề còn lại có mức điểm chuẩn thấp hơn khoảng  5-7 điểm. Tại trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nếu ngành Cơ Điện tử có điểm chuẩn cao nhất (24,5) thì một số ngành khác chỉ có điểm chuẩn 16 - như Kỹ thuật Địa chất, Vật liệu - Cấu kiện xây dựng, Công nghệ Dệt May... Còn ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, có những ngành chỉ 12 điểm là đủ đậu.

Chính vì vậy, thí sinh dự thi vào các ngành kỹ thuật, khoa học - công nghệ, tự nhiên cần cân nhắc thật kỹ mức điểm chuẩn từng ngành vì mức độ chênh lệch điểm giữa các ngành thụôc khối ngành trên sẽ  dễ tạo cơ hội để chọn ngành dự thi, tùy vào năng lực của mình.

Khối ngành Kinh tế, Luật, Nông Lâm: hút thí sinh nhưng tỷ lệ “chọi” không cao…

Nhìn chung, thí sinh dự thi vào các trường thuộc khối ngành này không phải quá căng thẳng, lo âu. Đơn cử, mức điểm chuẩn của Khoa Kinh tế (thuộc ĐHQG Hà Nội) dao động từ 17 đến 23 điểm. Và Khoa Kinh tế (thuộc ĐHQG TP.HCM) có mức điểm chuẩn cũng dao động từ 13 đến 20 điểm. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM: điểm chuẩn dao động từ 12 đến 16 điểm…

Các trường khác thuộc khối này trong cả nước có tỷ lệ “chọi” tạm dừng ở mức tương đối. Những ngành có điểm chuẩn cao cũng ít khi vượt quá 20 điểm, phần lớn là các ngành có gắn với các từ có “cái đuôi” thương mại (kinh tế thương mại), đối ngoại (kinh tế đối ngoại)... Các trường ĐH Ngoại thương, Khoa Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) có điểm tuyển cả hai khối D1 và A đều cao. 

Tại ĐH Ngoại thương, điểm tuyển thấp nhất là 22 điểm (cho cả 7 ngành của trường) và cao nhất là 23,5 với ngành kinh tế đối ngoại. Ở các ngành tài chính - ngân hàng, quản trị doanh nghiệp, kinh tế đối ngoại của Khoa Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) thì điểm tuyển thấp nhất cũng ở mức 18 và cao nhất là 23 điểm.

Tương tự, tại ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, tất cả các ngành của trường đều có điểm tuyển 20,5 cho khối A. Còn lại, điểm tuyển của nhóm ngành kinh tế trong cả nước cho khối A tại các trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Khoa Kinh tế ĐHQG TP.HCM, ngành kinh tế trong các trường ĐHDL Tin học - ngoại ngữ TP.HCM, ĐH Kinh tế và quản trị kinh doanh (ĐH Đà Nẵng), ĐH Quy Nhơn... hầu như chỉ nằm ở khung 12-17 điểm.

Trong khi đó, ở những ngành luật, ngành có điểm chuẩn năm 2003 cao nhất của trường ĐH Luật TP.HCM là Luật Thương mại cũng chỉ dừng ở mức 16 điểm. Khoa Kinh tế ĐH Quốc gia TP.HCM là ngành Kinh tế đối ngoại và Kế toán - Kiểm toán đều 16 điểm. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM: Kế toán - Kiểm toán lấy 15,5 điểm. Cả khối các trường Nông Lâm trên cả nước nói chung đều có điểm chuẩn không quá cao nên thí sinh có nhiều cơ hội để trúng tuyển.

Khối ngành Y Dược, Sư phạm: “đấu trường” của những  thí sinh khá, giỏi…

Nhiều năm nay, khối ngành y dược và sư phạm vẫn được xem là “đấu trường”  căng thẳng, quyết liệt nhất cho những thí sinh có kiến thức và kinh nghiệm dự thi vào loại “cứng cựa” nhất “. Chính vì vậy, nhóm ngành y dược liên tục xuất hiện trong bảng xếp hạng các ngành có điểm chuẩn tuyển sinh cao nhất hằng năm.

Đơn cử, điểm tuyển cao nhất của tuyển sinh 2003 trong cả nước là ngành dược của ĐH Y Dược Hà Nội với mức "nóng mặt": 25,5. Tiếp theo là các ngành bác sĩ đa khoa (ĐH Y Dược TP.HCM) 25 điểm, bác sĩ răng - hàm - mặt (ĐH Răng - Hàm - Mặt) 24,5 điểm. Tương tự: ngành dược sĩ (ĐH Y - ĐH Huế, ĐH Y Dược TP.HCM), bác sĩ đa khoa (ĐH Y Hà Nội) cũng lấy số điểm tuyển cao đến 24 điểm… Trường “nhẹ ký” hơn một chút như ĐH Cần Thơ cũng đưa ra mức điểm chuẩn 20-21 ở mùa tuyển sinh 2003 cho ba ngành thuộc khối y dược.

Chính vì vậy, các thí sinh ở những NV2 và 3 đã đăng ký vào các ngành thuộc khối y dược hầu như đều “bó tay”. Ngay như tại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ Y tế TP.HCM với điểm chuẩn 22, lượng thí sinh trúng tuyển NV2 chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó chủ yếu là TS dự thi vào ĐH Y Dược TP.HCM mới đủ can đảm đăng ký NV2 vào Trung tâm này. Ngược lại, tất cả những thí sinh nào “ngơ ngác” một chút, nếu đăng ký dự thi ở các trường, khoa y dược khác mà đăng ký NV 2 và 3 vào ĐH Y Dược TP.HCM đều sẽ ngậm ngùi luyến tiếc vì…không còn đâu “đất hứa”.

Tuy nhiên, không phải ngành nào trong khối này cũng “khó xơi”. Nếu có học lực ở mức khá, các bạn vẫn có thể chọn ngành có điểm chuẩn "mềm" hơn, như cử nhân điều dưỡng, cử nhân y tế công cộng, xét nghiệm, vật lý trị liệu, phục hình răng... thì cũng còn tìm được cơ hội trúng tuyển. Vì những ngành ấy có mức điểm tuyển không quá 20 điểm.

Ở khối ngành sư phạm, trong những mùa tuyển sinh gần đây, điểm chuẩn xét tuyển luôn chiếm ở “top” cao. Tuyển sinh 2003, điểm tuyển cao nhất khối C thuộc về ngành SP ngữ văn của ĐHSP Hà Nội với 24 điểm, tiếp theo là hai ngành SP Địa lý và Lịch sử cũng của trường này với 23 điểm. Hai ngành SP Ngữ văn, SP Lịch sử (khối C) của Khoa SP (ĐHQG Hà Nội) cùng có điểm chuẩn cao: 22.

Năm 2003, tại ĐH Thái Nguyên, các ngành tuyển khối A SP Toán, Lý, Hóa... và khối C các ngành Ngữ văn, Lịch sử đều có mức điểm tuyển 19-20,5 điểm. ĐH Sư phạm Hà Nội: điểm tuyển hai khối A và C là cao nhất: SP Toán 24,5 điểm; các ngành Vật lý, Hóa học, Ngữ văn cùng 24 điểm, Địa lý 23,5 điểm, Lịch sử 23 điểm... Có thể nói những điểm chuẩn ấy chỉ "ưu ái" cho thí sinh hạng giỏi. Tuy nhiên, ngoài những ngành có điểm tuyển cao như vậy, các ngành còn lại vẫn dành cơ hội cho thí sinh ở dạng khá vì mức điểm tuyển cũng tương đối “ dễ chịu”: dưới 20 điểm.

Tại ĐH Cần Thơ, ba ngành SP có điểm tuyển cao nhất là Toán, Hóa và Ngữ văn (17,5 điểm). Nổi bật nhất để so sánh có lẽ là ĐHSP Qui Nhơn, khi hầu hết các ngành thuộc nhóm SP đều có điểm chuẩn từ 20 trở lên, trong khi các ngành khác thuộc các chương trình đào tạo cử nhân, kỹ sư... điểm chuẩn chỉ đều chung một sàn: 15 điểm. Tương tự, điều này cũng được thể hiện khá rõ tại ĐH Đà Lạt, khi các ngành SP đều có mức điểm chuẩn đạt khoảng cách 4-5 điểm so với những ngành đào tạo cử nhân, kỹ sư khác trong cùng trường.

Khối ngành Xã hội - Nhân văn: Điểm tuyển không hề thấp!

Nếu như một số ngành ở khối A có số lượng thí sinh dự thi và điểm chuẩn rất cao thì ở khối C, thi vào các trường ĐHSP, Nhân văn, điểm chuẩn cũng không thua kém là bao. Thậm chí có những ngành như báo chí, lịch sử... trong vài năm trở lại đây có mức điểm chuẩn cao ngất trời

Thực tế năm 2003, ở trường ĐHSP TP.HCM, các ngành khối C như Ngữ văn, Sử, Địa đều có điểm chuẩn 18-18,5 điểm. Trước đó, vào những mùa thi năm 2001, 2002 lại diễn ra cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thứ hạng ngành dự thi một cách ngoạn mục. Đó là điểm tuyển cao nhất không phải ở những ngành Toán, Anh văn mà là ở... ngành Lịch sử! Cùng lúc ấy, điểm chuẩn ngành đứng đầu ngôi thứ trong “top” chọn lựa là Anh văn lại bắt đầu chấp nhận… xuống dốc.

Trong nhóm ngành khoa học xã hội ở các kỳ thi diễn ra gần đây, các ngành báo chí,  sử học, Đông phương học, ngữ văn Anh đều có điểm tuyển cao. Cao nhất là ngành báo chí của ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội): 20 điểm, tiếp theo là ngành báo chí ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM): 18,5 điểm. Thấp nhất của khối C vào ngành báo chí là điểm tuyển 17 của ĐH Khoa học (ĐH Huế).

Tuy vậy, khối D ngành báo chí lại có sự đảo lộn khá thú vị về điểm tuyển: ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) tuyển 21,5 điểm, ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) tuyển 20 điểm và Phân viện Báo chí tuyên truyền chỉ lấy 19,5 điểm.

Ngữ văn là ngành có số lượng thí sinh dự thi hằng năm khá đông đảo và luôn duy trì ở mức ổn định. Tại các trường ĐH KHXH&NV thuộc ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM, ngành ngữ văn luôn duy trì ở mức điểm tuyển hằng năm từ 16 trở lên. Đây cũng là  mức điểm chỉ dành cho những thí sinh có trình độ dự thi từ khá  trở lên ở hai khối C và D1.

  • Trương Hiệu

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,