(VietNamNet) - Đó là điều kiện và lối ra cho NCKH để đổi mới giáo dục ĐH, đảm bảo sự liên kết giữa đào tạo, NCKH và ứng dụng. Tranh luận giữa các nhà giáo dục tại hội thảo vừa tổ chức.
NCKH phải gắn với ứng dụng thực tế. |
50 năm không có nổi một công trình tầm cỡ, vì sao?
Trong tham luận trình bày tại hội thảo, GS TS Lê Bách Quang, phó giám đốc Học viện Quân y liệt kê một loạt "căn bệnh" cần chữa trị kịp thời của thực trạng NCKH ở nước ta hiện nay. Đó là: Ngân sách dành cho NCKH còn quá hạn hẹp. Cơ chế quản lý NCKH thiếu đồng bộ và kém hiệu quả, cứng nhắc, không phù hợp với thực tế. Nhiều giảng viên ĐH có tư tưởng coi nhẹ việc NCKH. Thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các trường ĐH và Viện nghiên cứu...
Sở dĩ có tình trạng trên, theo GS Quang, là do chúng ta chưa chú trọng đầu tư đúng mức cho NCKH, số giờ giảng quá cao, vượt nhiều lần số giờ chuẩn quy định cho giảng viên, vì vậy không còn thời gian dành cho NCKH; năng lực và trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên còn nhiều hạn chế...
Cùng một quan điểm trên, GS Hồ Sĩ Thoảng bổ sung: "Việc NCKH trong trường ĐH, nhất là nghiên cứu cơ bản hiện nay, nói chung lẻ tẻ, yếu ớt và rất ít có những công trình có giá trị khoa học cao". Nguyên nhân mấu chốt của tình trạng này là do cơ chế bao cấp còn bao trùm lên hoạt động đào tạo và NCKH, nhiều trường không được tự chủ về tài chính, tất cả kinh phí rót cho đề tài đều trông chờ phần lớn vào sự đầu tư nhỏ giọt của Nhà nước... Vì vậy, việc trước mắt cần phải làm ngay, theo ông Mai Văn Tỉnh, chuyên viên Vụ ĐH và sau ĐH, là Chính phủ cần có cơ chế tháo tất cả ràng buộc về tài chính, vì điều này vượt ngoài "tầm" của Bộ GD-ĐT.
Bức xúc vì nỗi sau hơn 50 năm NCKH, Việt Nam vẫn chưa có nổi một công trình KH có tầm cỡ khu vực và quốc tế, GS TSKH Đinh Phạm Thái (trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cật vấn: "50 năm nhìn lại, chúng ta không có nổi một công trình NCKH tầm cỡ khu vực và trên thế giới. Có phải vì chúng ta không đủ năng lực, không đủ trí tuệ để có thể đạt được mục tiêu đó?! Thực ra không phải. Nguyên nhân chính ở đây là do chúng ta đang đầu tư NCKH tản mạn, nhỏ giọt mà không hiểu được nguyên lý cơ bản là muốn đi buôn có lãi thì phải bỏ vốn đàng hoàng".
Cũng theo GS Thái, nhiều nhà khoa học hiện nay đang rơi vào tình trạng không được giao đề tài mà muốn làm NCKH phải đăng ký, xin xỏ, lao tâm khổ tứ, mất rất nhiều công sức thời gian. Vì vướng chuyện giảng dạy, không thể theo đuổi được chuyện đăng ký đề tài nghiên cứu nên không ít vị phải "buông tay". Trong khi đó, lẽ ra Nhà nước cần có chính sách tập hợp các nhà khoa học giỏi, nâng họ lên tầm cao hơn và thúc bách, tin cậy giao nhiệm vụ cho họ. "Một khi đã "chạm" đến danh dự và trách nhiệm, chắc chắn nhiều nhà khoa học sẽ có được sản phẩm có tầm theo đúng năng lực thực sự của họ" - GS Thái khẳng định.
Thiếu hành lang pháp lý để liên kết
Theo GS Hồ Sĩ Thoảng, để thực hiện được sứ mệnh "đào tạo nguồn nhân lực" của mình, người thầy ĐH nhất thiết phải gắn công việc giảng dạy với NCKH mà trước hết là nghiên cứu cơ bản. Lịch sử phát triển mấy trăm năm của nhân loại đã chứng minh rằng: tuyệt đại đa số những phát minh khoa học đã được thực hiện trong các phòng thí nghiệm của trường ĐH và hầu như không một nhà khoa học lớn nào lại không phải là GS ĐH.
"Nguyên lý" là vậy nhưng thực tế ở Việt Nam thì sao? GS Thoảng không ngần ngại chỉ rõ: Nước ta hiện đang tồn tại song song mô hình hai hệ thống khoa học riêng rẻ và bị chia cắt do việc hình thành một số tổ chức nghiên cứu ngoài trường ĐH để giải quyết các vấn đề bức xúc cho an ninh, quốc phòng, dân sinh... Đáng ra chỉ nên hạn chế ở mức độ cần thiết, song thực tế đã vượt quá xa giới hạn để hình thành một hệ thống tổ chức khoa học đồ sộ, lấn át cả chức năng nghiên cứu cơ bản của trường ĐH, thậm chí đã đẩy các trường ĐH xuống hàng các cơ quan khoa học hạng hai và gặp nhiều khó khăn trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận cũng như NCKH.
Để giải bài toán về đào tạo đội ngũ nhân lực kế cận thông qua nghiên cứu sinh, nhiều trường ĐH, ngoài việc cử sinh viên, giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài, đã chọn giải pháp mời các GS tầm cỡ ở các viện nghiên cứu tham gia giảng dạy, đào tạo, hướng dẫn nghiên cứu sinh; đồng thời, cử sinh viên đến các viện để "tầm sư học đạo". Tuy sự liên kết này bước đầu chứng minh kết quả khả quan song mới chỉ dựa trên mối quan hệ cá nhân giữa nhà trường với từng viện nghiên cứu cụ thể mà chưa có hành lang pháp lý, hợp đồng liên kết nên rất khó tạo được sự ràng buộc, hợp tác lâu dài, đặc biệt là về cơ chế tài chính để duy trì hoạt động.
Nói về tình trạng này, TS Nguyễn Thị Hoài Trâm, phó viện trưởng Viện Công nghệ Thực phẩm (Bộ Công nghiệp) cho biết: "Viện chúng tôi đã tham gia đào tạo được gần mười năm song ít khi có sự liên kết, trao đổi giữa giáo viên hướng dẫn của trường và của Viện, về kinh phí chi trả cho việc hướng dẫn nghiên cứu khoa học cũng vậy. Hiện nay, nhờ được tự chủ về cơ chế tài chính, nhiều trường ĐH dân lập đã có thể chi trả sòng phẳng cho Viện để gửi những sinh viên khá trở lên vào Viện để được đào tạo nguồn nhân lực kế cận hoặc tạo cơ hội cho sinh viên sau khi hoàn thành đề tài, tốt nghiệp có thể có ngay cơ hội việc làm ở Viện. Như vậy, chỉ vì thiếu sự ràng buộc về pháp lý, một cơ chế tài chính minh bạch trong hợp tác, liên kết của các trường ĐH với viện nghiên cứu, sinh viên các trường công lập sẽ phải chịu thiệt hơn trường DL".
Biến sản phẩm NCKH thành hàng hoá cạnh tranh...
Ông Mai Văn Tỉnh, chuyên viên Vụ ĐH và sau ĐH cho rằng: Lâu nay, nhiều người vẫn kêu thiếu kinh phí để có thể tạo ra một sản phẩm nghiên cứu khoa học cho ra hồn, có tầm cỡ khu vực, quốc tế, vậy tại sao chúng ta không nghĩ đến việc biến sản phẩm NCKH thành hàng hoá được lưu thông, mua bán trên thị trường để dùng chính nguồn thu đó tiếp tục đầu tư cho NCKH, cho đào tạo?
Theo lập luận của ông Tỉnh, sở dĩ lâu nay giữa viện nghiên cứu với các trường ĐH không có sự liên kết chặt chẽ với nhau là vì họ được Nhà nước bao cấp hoàn toàn. Vì vậy, giờ đứng trước thách thức tự hạch toán về kinh phí, bản thân các viện nghiên cứu và trường ĐH sẽ phải nghĩ đến việc hợp tác, liên kết chặt chẽ trên cơ sở cùng chung quyền lợi. Quyền lợi đó chính là lợi nhuận thu được từ việc bán các sản phẩm NCKH và cùng chung lưng đấu cật để tạo ra một sản phẩm hàng hoá đủ sức cạnh tranh trên thị trường tự do, thông qua đó, kiểm định chất lượng đào tạo của mình.
Cũng theo ông Tỉnh, có thể thành lập các doanh nghiệp khoa học ngay trong các trường ĐH giống như hiện nay Trung Quốc đang làm và làm rất hiệu quả. Làm được điều này, hoàn toàn có thể giải được "bài toán" về kinh phí - nguyên nhân chính của sự trì trệ trong NCKH nước ta hiện nay.
Cùng một quan điểm trên, GS TSKH Nguyễn Sĩ Mão (ĐH Bách khoa Hà Nội) đưa ra khái niệm thị trường KHCN và cho rằng "sản phẩm KHCN là một loại hàng hoá, sản xuất ra phải hợp thị hiếu, hợp với nhu cầu người mua, người mua có quyền lựa chọn hàng hoá chất lượng cao và giá thành phù hợp".
Muốn đạt được mục tiêu đó, GS Mão đề xuất các giải pháp: Các trường ĐH cần định hướng đề tài NCKH dựa trên tính tiên tiến, khả thi và thông dụng của các nghiên cứu triển khai; tập hợp lực lượng đội ngũ khoa học liên ngành, trong và ngoài trường tạo ra được sức mạnh tổng hợp trong hoạt động KHKT; nâng cao chất lượng đào tạo thông qua công tác NCKH và LĐSX; đầu tư cơ sở vậy chất. Đặc biệt là hình thành các đơn vị nghiên cúu mạnh trong trường ĐH; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và chuyển giao công nghệ của các trường ĐH theo hướng đa ngành, đa nghề, đa công nghệ, lấy sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, hướng tới xuất khẩu làm mục tiêu lâu dài. Đây chính là xu hướng phát triển của giáo dục ĐH trước những thách thức của hội nhập.
-
Nguyệt Minh