(VietNamNet) - Trong số hơn 2.000 ứng viên tìm việc tại "Ngày tuyển dụng trực tiếp" sáng nay 12/3, chỉ có khoảng 200 người trúng tuyển. Theo đánh giá của nhiều nhà tuyển dụng, số lượng "người tìm việc" lần này tuy nhiều nhưng chất lượng thấp, chưa đáp ứng ngay được yêu cầu công việc.
Tìm vận may giữa "biển người"
Vì không có sự chuẩn bị từ trước nên nhiều ứng viên khi đến tận địa điểm tuyển dụng mới bắt đầu cuống cuồng hỏi mua cuốn thông tin chỉ tiêu tuyển dụng. Hà Oanh (sinh năm 1981), tốt nghiệp trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội năm 2003, vừa loay hoay đánh dấu các cơ hội hấp dẫn được tiếp thị ngắn gọn qua tập tài liệu tuyển dụng, vừa lo lắng nói với tôi: "Đến giờ, mình vẫn chưa biết nên nộp hồ sơ vào công ty nào vì phần lớn yêu cầu của nhà tuyển dụng là "nam, nữ tuổi từ 25-35", "có kinh nghiệm trong lĩnh vực...". Trong khi đó, kinh nghiệm làm việc một năm của mình tại một công ty kính thuốc không giúp ích gì cho nghiệp vụ văn phòng, trợ lý cả!".
Khi được hỏi lý do thay đổi công việc, Oanh cho biết: Tuy lương khởi điểm không thấp song công ty cũ trả lương cho nhân viên theo ngày, chế độ đãi ngộ kém, công việc quá căng thẳng, nhiều áp lực nên cô không muốn tiếp tục. "Hơn nữa, làm mãi công việc đó sẽ khiến em mất cơ hội trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ." - Oanh nói.
Cũng như Oanh, đa số ứng viên tìm cơ hội việc làm sáng nay tại Ngày tuyển dụng trực tiếp đều đã có việc làm hoặc ít ra là có việc để kiếm tiền song họ vẫn muốn tìm cho mình một cơ hội mới để "đổi đời", hoặc thoát khỏi sức ép công việc cũ. Đỗ Phương Thảo, nhân viên thời vụ của một công ty lữ hành - du lịch tâm sự: "Em sắp lập gia đình nên muốn có công việc và mức thu nhập ổn định. Đây chính là một cơ hội tốt để em tìm việc, đỡ được phí dịch vụ việc làm khi qua hệ thống trung tâm. Nhưng, không biết phải đăng ký như thế nào nhỉ?" (!)
Thảo chưa dứt lời, Hoà - cựu sinh viên Khoa Kế toán, Viện ĐH Mở Hà Nội (đứng ngay cạnh) vừa ngó sang tập hồ sơ của Thảo, vừa chỉ dẫn: Bạn muốn đăng ký phải quay lại cửa ra vào mua hồ sơ tuyển dụng có đóng dấu... Giá 20.000 đồng/bộ. Mua xong, lại dãy bàn đăng ký để nộp, lấy phiếu và chờ đến lượt...
"Thế sao em không đăng ký?" - Tôi tò mò. Hoà rầu rĩ: "Vì em không mang đủ tiền nên đợi đến mai quay lại Trung tâm Dịch vụ Việc làm của báo Lao Động bên phố Yết Kiêu vậy. Chỉ sợ hôm nay người ta tuyển đủ chỉ tiêu thì hết hy vọng. Những đối tượng như bọn em bây giờ rất khó có cơ hội để thể hiện năng lực bản thân, do các nhà tuyển dụng có quan niệm "phân biệt đối xử". Các công ty lớn thì ngoài ưu tiên nam, còn kèm theo tiêu chí hai - ba năm kinh nghiệm. Các công ty TNHH nho nhỏ thì chỉ muốn tuyển kế toán là người tin cậy của gia đình. Em chẳng thuộc diện nào trong số đó cả nên từ khi ra trường đến nay, vẫn lông bông tìm việc và không biết đến bao giờ mới chấm dứt...".
Chất lượng lao động? Chưa đáp ứng yêu cầu...
So với 1.640 chỉ tiêu nhận người của 67 nhà tuyển dụng tại Ngày tuyển dụng trực tiếp vào sáng nay, con số 214 người lao động tìm được việc làm là quá nhỏ bé. Điều này không chỉ khiến người lao động nuối tiếc vì để vuột mất cơ hội tìm việc trực tiếp mà ngay cả nhà tuyển dụng cũng cảm thấy thất vọng.
Lê Văn Đức, cán bộ quản lý nhân sự Công ty Cổ phần Bánh kẹo Kinh Đô nhận xét: "Trong số 100 hồ sơ ứng tuyển vào các vị trí, chúng tôi chỉ chọn được rất ít. Riêng vị trí kế toán quản trị, chúng tôi không tìm nổi ứng viên nào vì lĩnh vực này không chỉ đòi hỏi trình độ nghiệp vụ chuyên môn mà cần có cả kinh nghiệm làm việc nữa".
Cũng theo ông Đức, đa phần các ứng viên chưa có sự chuẩn bị chu đáo về tâm thế tìm việc nên khi đến tuyển dụng còn bị động trong cách chọn ngành nghề, chưa tạo sự tin tưởng, yên tâm cho nhà tuyển dụng.
Cùng một quan điểm, chị Tuấn Anh, người đảm nhận phụ trách tuyển dụng của Công ty Canon sáng nay cho biết: "Suốt buổi sáng phỏng vấn gần 60 người ứng tuyển, tôi chỉ chọn được 36 hồ sơ vào vòng I để ngày mai kiểm tra lần thứ hai tại Công ty. Những ứng viên tốt nghiệp ĐH thì trình độ chuyên môn còn được, trong khi những em tốt nghiệp CĐ thì chuyên môn rất kém, nhiều em gần như không biết gì. Thêm vào đó, vốn ngoại ngữ của các ứng viên quá "nghèo", không đáp ứng nổi yêu cầu tuyển dụng. Bằng chứng là khi được phỏng vấn bằng tiếng Anh, rất nhiều ứng viên... ngơ ngác hoặc gãi đầu gãi tai, bức bí đến khổ sở".
Theo đánh giá chung của các nhà tuyển dụng, mối quan tâm số một của người lao động ở đa số các ứng viên đã từng kinh qua một vài công ty, xí nghiệp chính là mức thu nhập khi được phỏng vấn, còn những ứng viên mới ra trường hoặc đang làm việc cho công ty tư nhân thì chỉ quan tâm đến tính ổn định của công việc, và rất ngại làm việc trong môi trường chịu nhiều áp lực.
"Bi kịch của phần lớn đội ngũ lao động ở nước ta hiện nay, đặc biệt ở giới trẻ, chính là tư tưởng hưởng thụ quá sớm và quá coi trọng quyền lợi vật chất trong khi chính bản thân họ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, nhu cầu của xã hội." - Dương Thế Nguyên, phó Phòng Dự án II, Công ty TNHH Thương mại & Hỗ trợ việc làm "Cô Tấm" nhận xét.
-
Nguyệt Minh