221
484
Chuyện giảng đường
chuyengiangduong
/giaoduc/chuyengiangduong/
116716
Mánh "buôn" địa chỉ của trung tâm gia sư
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Mánh 'buôn' địa chỉ của trung tâm gia sư
,

(VietNamNet) - Một sai sót mà hầu như các sinh viên đến tìm việc tại các trung tâm gia sư đều mắc phải là không đọc kỹ những bản hợp đồng có điều khoản kỳ cục và tức cười: "Dù đúng hay sai thì bên gia sư phải tự đóng lại 20.000 đồng lệ phí; trong trường hợp trung tâm  không đưa đến nhà thì gia sư tự đến mà không được phàn nàn gì... " trước khi ký. Đây là một trong nhiều "mánh" kiếm lời từ việc "buôn" địa chỉ của các trung tâm gia sư.

"Gà"

8h sáng một ngày chủ nhật đầu tháng 9, trong căn phòng rộng chưa đầy 10m2 tại đường Dương Quảng Hàm, quận Cầu Giấy, người đứng, người ngồi lố nhố. Hai cô bé mặc áo hồng bước vào, rụt rè: "Em đọc báo Mua và Bán thấy quảng cáo trung tâm gia sư của chị có uy tín và chất lượng cao…”. Cô tư vấn viên của trung tâm ngắt lời: “Hai em học trường nào, năm thứ mấy? Thứ 2 Thương Mại hả? Đăng ký nhé, 5.000 đồng một người. Ghi số điện thoại vào đi, khi có địa chỉ chị gọi”. Đợi cho hai cô bé nộp tiền xong và bước ra, cô nhân viên tư vấn quay về phía chúng tôi buông thõng một câu: “Non thế đi dạy sao được”. 15 phút sau, lại một chiếc xe đạp dựng trước văn phòng, 2 cậu sinh viên mặc áo ĐH Giao thông, vẻ mặt ngơ ngác, bước vào.

Chỉ trong một buổi sáng, tôi đã thấy có ít nhất 10 sinh viên đến trung tâm đăng ký. Hầu hết trong số đó là sinh viên năm thứ nhất, thứ 2 thậm chí thứ 3. Tháng 9, khi sinh viên các trường bắt đầu nhập học, cộng với số lượng sinh viên mới ra trường chưa có việc làm đã khiến nhu cầu tìm địa chỉ tại các trung tâm tăng đột biến. Mỗi sinh viên khi nhận một địa chỉ của trung tâm phải đóng lệ phí nửa tháng lương đầu tiên. Tuy nhiên với những sinh viên ít kinh nghiệm mới tìm đến trung tâm lần đầu, bao giờ cũng phải đóng một lệ phí đăng ký từ 5.000 -10.000 đồng. Và dĩ nhiên, những bạn như vậy sẽ không bao giờ được trung tâm giới thiệu địa chỉ do còn thiếu kinh nghiệm.

Địa chỉ "ma"

Ngày đầu tiên đến trung tâm gia sư đăng ký, tôi nhận được một địa chỉ dạy môn Văn lớp 6 tại Cống Trắng, Khâm Thiên. 7h tối ngày 6/9, tôi tìm đến nhà chị Minh có cháu Q.A theo đúng địa chỉ này thì nhận được một cái xua tay: “Gia đình chị đã nhờ luôn cô giáo chủ nhiệm kèm luôn cho em nó rồi, em thông cảm nhé”. Quay về trung tâm để báo hỏng địa chỉ và xin lấy lại lệ phí thì tôi nhận được những cái lắc đầu nghi ngờ cho rằng do tôi đã gây ra lỗi lầm gì đó nên địa chỉ mới bị hỏng. Phải mất cả buổi sáng giải thích, nhân viên tư vấn trung tâm mới chịu đồng ý gọi điện đến gia đình để xác nhận rằng lỗi hỏng địa chỉ không phải do tôi. Bởi theo thông lệ, một hợp đồng chỉ được hoàn tất sau khi trung tâm đã đưa được gia sư đến dạy đúng địa chỉ.

Ở một trung tâm gần trường CĐSP Hà Nội, khi sinh viên ký vào hợp đồng mua bán địa chỉ thường không lưu ý đến những điều khoản về “phương thức đưa nhân sự". Điều 1 đã quy định rõ "phía trung tâm có trách nhiệm đưa giáo viên đến đúng địa điểm dạy", nhưng điều 2 lại lưu ý: "Trong trường hợp bên trung tâm không đưa thì giáo viên phải tự đến mà không phàn nàn gì". Do vậy, phần lớn sau khi ký xong hợp đồng, sinh viên phải luôn tự liên hệ với gia đình.

Và không riêng tôi nhận địa chỉ thiếu chính xác. Chỉ trong vòng hơn nửa tháng liên tục đến văn phòng, tôi đã gặp hàng chục khuôn mặt thất vọng khác vì địa chỉ "ma". T, sinh viên năm thứ 4 ĐHSP Ngoại ngữ HN được giới thiệu đến dạy 3 môn Toán, Văn, Anh cho 2 học sinh lớp 7 tại gia đình chị Yến ở Cầu Giấy. Nhưng khi tìm đến đúng địa chỉ này, T đã nhận được một lời trách mắng vô cớ: “Nhà này có 2 con học ĐH rồi, chẳng có ai học lớp 7 hết, cô đi chỗ khác mà dạy”.

Rút kinh nghiệm địa chỉ hỏng, từ sau tôi chỉ nhận những địa chỉ mà gia đình để lại số điện thoại liên lạc. Nhưng hầu như khi tư vấn viên gọi điện đến những gia đình này đều nhận được những lời từ chối. Khi được hỏi vì sao gia đình đã đăng ký nhờ trung tâm tìm gia sư mà sau đó lại từ chối, thì H.L, tư vấn viên một trung tâm gia sư cho biết: "Những địa chỉ mà trung tâm có trong tay là do công sức của đội ngũ cộng tác viên phát tờ rơi, phần lớn là sinh viên năm thứ nhất, thứ 2 và học sinh phổ thông. Họ sẽ chia theo khu vực đến từng gia đình phát phiếu đăng ký sau đó nộp lại phí cho trung tâm và hưởng lương theo số lượng phiếu thu về."  Tuy nhiên cách làm này không đảm bảo được mức độ chính xác của các địa chỉ thu thập được. Theo như chị Thu ở khu tập thể đá hoa An Dương thì:  “Chúng nó cứ đến nhà đưa phiếu rồi bảo mình điền vào đó. Từ chối thì chúng nó không chịu về, cứ thuyết phục mãi. Thôi thì điền vào đó cho xong. Gia sư mà đến thì thiếu gì lý do để từ chối”.

Gia sư: chạy đèn cù

Những bậc phụ huynh như chị Thu không thể hiểu rằng mỗi địa chỉ không chính xác đến tay sinh viên đã khiến họ mất không ít công sức. Bởi vì khi ký vào 1 hợp đồng "mua" địa chỉ với trung tâm gia sư, hầu hết mọi sinh viên đều tin tưởng rằng địa chỉ được giới thiệu là chính xác 100%. Hợp đồng ký xong, địa chỉ thiếu chính xác, sinh viên muốn lấy lại tiền của mình cũng không dễ. Hầu hết các trung tâm đều ghi rõ một điều trong hợp đồng: “Dù 2 bên đúng hay sai thì bên B (sinh viên) tự đóng lại 20 000 phí dịch vụ” - mà thực chất công việc "dịch vụ" như  liên hệ, tìm đến địa chỉ là do sinh viên tự tiến hành. Và để không bị mất số tiền phí giao dịch vô lý đó, sinh viên "mua" địa chỉ đành lựa chọn một cách giải quyết là đổi lấy địa chỉ khác. Thế là bắt đầu một cuộc chạy theo kiểu đèn cù. Tôi đã được lần lượt giới thiệu tới hết địa chỉ này tới địa chỉ khác. Đến đâu cũng nhận được một lời giải thích là phụ huynh đăng ký nhưng chưa sắp xếp được thời gian hợp lý. Tìm đến các trung tâm từ cuối tháng 8 nhưng đến bây giờ là cuối tháng 9, tôi vẫn chưa nhận được một địa chỉ chính xác nào. Cuộc chạy đèn cù vẫn chưa chấm dứt khi thêm mà ở các trung tâm, ngoài số lượng sinh viên đã trót ký vào hợp đồng mà chưa giải quyết xong, ngày nào cũng luôn xuất hiện những gương mặt mới.

Địa chỉ đúng: vẫn "bay"

M, sinh viên năm thứ 3 ĐH Mỏ - Địa chất được giới thiệu đến dạy môn Toán lớp 11 tại một nhà trên đường Kim Mã. Buổi đầu tiên tới gặp gia đình suôn sẻ, mẹ của cậu học sinh tỏ ra rất tin tưởng vào cô giáo. Bất ngờ sau khi tan buổi dạy thứ 3, M gặp bố của cậu học trò và bậc phụ huynh này hỏi vu vơ xem cô học trường nào. Biết được M không phải là sinh viên sư phạm, thế là không cần biết đến khả năng giảng dạy của cô ra sao, bố mẹ của cậu học sinh đã thống nhất cho M ngừng dạy. Khi cô đề nghị gia đình trả lệ phí 3 buổi đã dạy thì bà mẹ cậu học trò lớn tiếng nói rằng: “Trung tâm đã quảng cáo 1 - 3 buổi dạy miễn phí nên gia đình mới thử cho cô giáo dạy, gia đình không có nghĩa vụ phải trả tiền”. Nước mắt ngắn dài quay về trung tâm đòi lại lệ phí vì địa chỉ hỏng thì M mới sững cả  người và tự trách mình đã không nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký.

Điều 5 trong hợp đồng của trung tâm gia sư ghi rõ: “Nếu gia sư không đảm bảo thì dù 1 buổi dạy, gia sư cũng không lấy lại được phí của trung tâm”. Còn ở một trung tâm khác trên đường Thái Hà thì: “Nếu sau 1 - 3 buổi dạy, vì bất kỳ lý do gì, gia đình không muốn trung tâm dạy nữa thì gia sư phải nộp lại 70% lệ phí cho trung tâm”. Tôi không rõ cuối cùng M đã bị trung tâm phạt bao nhiêu, chỉ biết rằng chuyện xảy ra từ đầu tháng 9 nhưng đến bây giờ vẫn thấy M qua trung tâm để khiếu nại.

N, sinh viên vừa ra trường, được giới thiệu đến dạy môn Tiếng Anh cho một cậu học trò lớp 8 tại đường Phan Phu Tiên, quận Thanh Xuân. Với một lịch học đã kín tất cả các buổi trong tuần, về nhà cậu lại bị ép phải học gia sư cả 3 môn Toán, Anh, Văn để thi vào trường điểm cấp 3. Tuy nhiên do không chịu đựng nổi, sau 2 buổi học, cậu học trò đòi bỏ 2 môn Văn và Anh. Bị gia đình cho nghỉ vô cớ mà không hề trả phí 2 buổi dạy, N cũng không biết phải thanh minh với trung tâm đã giới thiệu cô như thế nào để lấy lại được số tiền lệ phí, vì trung tâm cứ nhất quyết cho rằng cô đã làm hỏng địa chỉ của họ do“ quá yếu kém, không đủ trình độ để dạy, nên bị gia đình sa thải”.

Còn Lan Anh, cô sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội hẳn không thể nào quên được một học trò lớn tuổi đang cần học gấp tiếng Anh giao tiếp để xuất ngoại theo chồng. Người phụ nữ đồng bóng này đã đăng ký học ở trung tâm tìm gia sư dạy tuần 6 buổi nhưng khi L.A đến dạy thì rút lại còn nửa. Chưa hết, chỉ có 2 tiếng để học nhưng người phụ nữ này luôn lấy cớ để quát mắng những người giúp việc trong nhà ngay trước mặt L.A  “nuôi tốn cơm, học ĐH này nọ nhưng cũng phải đi làm thuê cho bà này bà nọ”… Chịu đựng không nổi, Lan Anh phải quay về trung tâm năn nỉ xin đổi lại địa chỉ và chấp nhận bị phạt vì phá vỡ hợp đồng.

Thiệt đơn, thiệt kép

Gia sư là một công việc phù hợp nhất về thời gian cũng như công sức cho hầu hết sinh viên. Không chỉ sinh viên Sư phạm mà sinh viên các trường đều có thể làm thêm bằng công việc này. Do đó, các trung tâm gia sư mọc lên như nấm. Chỉ tính riêng khu vực Cầu Giấy đã có các trung tâm số 4 Dương Quảng Hàm, số 2 Ngõ 175 Xuân Thuỷ, ngõ 98 Cầu Giấy, số 54 Đường Láng, các trung tâm ở khu tập thể ĐH Sư phạm Hà Nội, chưa kể ở từng ngõ ngách các thôn Tiền, thôn Hậu nơi có đông sinh viên trọ cũng "mọc" lên những văn phòng gia sư con con…

Dù có giới thiệu đúng địa chỉ hay không thì các trung tâm gia sư cũng luôn hưởng lợi. Bởi một sai sót mà hầu như các sinh viên, đặc biệt những sinh viên lần đầu đến trung tâm đều mắc phải, là không đọc kỹ hợp đồng trước khi ký. Nếu địa chỉ thuận lợi thì không sao nhưng trong đa số trường hợp địa chỉ bị lỗi thì những điều khoản trong hợp đồng đều bị đưa ra mổ xẻ. Theo đó thì người giới thiệu là các trung tâm luôn luôn hưởng lợi còn sinh viên thì thiệt đơn, thiệt kép. Điều khoản chung mà tất cả các trung tâm gia sư đều quy định là “dù 2 bên đúng hay sai thì bên gia sư phải tự đóng lại 20.000 đồng”. Có những hợp đồng dài tới cả chục điều khoản mà ở đó quy định rất rõ những mức phạt đối với gia sư còn trung tâm là bên môi giới song  không hề phải chịu một thứ trách nhiệm nào.

Chẳng hạn, đây là phần trích từ một hợp đồng gia sư:

Điều 2 quy định phương thức đưa nhân sự:
- Bên A (trung tâm gia sư) có trách nhiệm đưa bên B (sinh viên) đến địa điểm dạy theo đúng kế hoạch do bên A sắp xếp.
- Trong trường hợp bên A không đưa được thì bên A tự đến mà không phàn nàn gì.


Điều 4 quy định trách nhiệm bên A
-Cung cấp địa chỉ chính xác cho bên B
-Thanh toán lại % phí cho bên B khi lỗi địa chỉ và tư vấn sai thuộc về bên A.
-Có trách nhiệm giải quyết các vấn đề khiếu nại, thắc mắc.

Gọi là trách nhiệm nhưng thực ra các trung tâm không bị ràng buộc bởi bất kỳ trách nhiệm nào. Bởi tuy nghĩa vụ của bên A là cung cấp địa chỉ chính xác cho gia sư song không có điều khoản nào nói rằng nếu địa chỉ không chính xác thì trung tâm phải chịu trách nhiệm. Vì giới thiệu địa chỉ là nghĩa vụ của trung tâm khi tiến hành một hợp đồng mua bán song ngay cả trong trường hợp không hề làm tròn nghĩa vụ ấy, trung tâm vẫn giành cho mình quyền được thu lệ phí của sinh viên. Sau đó, mọi lỗi lầm dù thuộc về bên nào thì gia sư cũng đều chịu phạt.

  • Song Nguyên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,