"Hư á? Bình thường thôi!..."

Cập nhật lúc 12:45, 04/11/2010 (GMT+7)

- Khác với những quan ngại của người lớn, các em HS khi được thám tử hỏi về các hành vi bị phê phán thì cho rằng: “Đánh nhau…á, bình thường thôi ạ”; hay “Ngu thì chết chứ bệnh tật gì đâu”, "Ôi, em biết nhiều chuyện còn kinh khủng hơn”.

  • Bài 1: Nhà giàu tung tiền thuê thám tử ’trị’ con hư
  • Bài 2: Con gái ngoan dẫn bạn vào nhà nghỉ
  • Bài 3: Teen trộm tiền nhà vì “mẹ tao tiêu phí vãi...’
  • Mô tả ảnh.
    Trẻ có thế giới riêng của chúng và nhiều khi không tuân theo những giá trị của người lớn. Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: Tú Uyên.

    Khi nói về hành vi bị phê phán của trẻ vị thành niên, ông Long Hà, giám đốc Văn phòng thám tử Hồng Hà đã liệt kê: đua xe, phóng nhanh, vượt ẩu lạng lách để tìm cảm giác mạnh... Nhiều em có sở thích trêu công an giao thông và gần như không đội mũ bảo hiểm và vượt đèn đỏ.

    Các bậc cha mẹ thường tìm đến thám tử để tìm cách theo dõi và “trị” những hành vi của con mình như sau:

    Trộm cắp, cầm đồ rồi bày trò để bố mẹ đến lấy về; đua xe, lạng lách; cắt tay, hành xác như một cách xây dựng hình ảnh, cá tính; “chém gió”, tự tô vẽ bản thân dẫn đến tập nhiễm tự kỷ. Có em doạ đâm bố mẹ, bỏ nhà nhắm “lấy số” với bạn bè.

    Với các em gái thì quan hệ tình dục bừa bãi dẫn đến đi phá thai ở những cơ sở không đảm bảo; các em trai nghiện game, nhất là game kích dục, đánh nhau…

    Theo thám tử Long Hà, chưa bao giờ xã hội dấy lên những vấn đề bức xúc về hiện tượng trẻ hư như hai năm vừa qua.

    Có xu hướng phê phán kịch liệt và mong muốn trừng trị, hay lo ngại, sợ hãi cho việc băng hoại nhân cách. Một số khác cảm thông, chấp nhận, và mọi người cùng đặt câu hỏi vấn đề ở đâu, lỗi của ai và phải làm gì…Cũng có xu hướng cho rằng, trẻ bây giờ hư hơn trẻ ngày xưa.

    Có em còn nói: “Đánh nhau bây giờ … quê rồi. Làm nhục là chính, bọn nó có nhiều “bài” hay lắm chứ chuyện đó có gì đâu”. “Kia, bạn X. là đỉnh cao của bao trai, từ tiền học đến tiền nhà nghỉ, nó đ… mất nết mới là lạ…”.

    Trẻ hư là nỗi kinh hoàng của người lớn thì bản thân trẻ lại có phần chấp nhận và cảm thông, các em không quá bị sốc như người lớn. Một HS trường bán công tâm sự: chuyện bạo lực lâu nay vẫn thế, nhưng giờ ai cũng có điện thoại nên có nhiều clip hơn và sự thật được công khai hơn.

    Ông Hoàng Nhân, Văn phòng thám tử Hoàng Nhân cho biết, thực ra, so với ngày trước có lẽ điể khác biệt ở trẻ bây giờ là "đánh nhau" để làm nhục nhau.

    Trẻ ngày nay rất khác. Các em tự do và có xu hướng nghe theo bản thân mình, sống thật với bản thân. Các phương pháp giáo dục cần theo kịp điều đó.

    Các thám tử cho biết họ thường hướng thân chủ của mình tìm thêm những điều tốt đẹp của những đứa trẻ có biểu hiện hư, để họ không mất niềm tin hoàn toàn vào con mình.

    Đằng sau những hành vi nổi loạn của trẻ vẫn là khao khát sự tìm kiếm vẻ đẹp của những giá trị tinh thần, như sống đẹp với bạn bè, chơi đẹp, tìm kiếm danh dự hay đức hy sinh.

    Hành vi hư, bản thân không hư

    Trẻ có thế giới riêng của chúng và nhiều khi không tuân theo những giá trị của người lớn.

    Ẩn sau những hành vi hư mà thám tử gặp lại là nhiều đứa trẻ rất có tư chất, có em có khiếu về âm nhạc, có em có khiếu về thời trang, có em có khả năng tổ chức …và những hành vi quậy phá cơ bản sẽ qua sau tuổi dậy thì. Nhiều đứa trẻ sau 10 năm thám tử quan sát đã trở nên khác hẳn. Trẻ hư ở đây có yếu tố tâm lý lứa tuổi, hiểu được thì sẽ có cái nhìn công tâm hơn.

    Tuổi dậy thì có những xáo trộn lớn cả về sinh lý lẫn tâm lý. Cha mẹ thường bất ngờ, bối rối khi con cái thay đổi 180 độ. Các em hướng vào những đam mê dữ dội và không kiên định, nhiều trường hợp dốc sức vào những việc mù quáng nhưng các em lại cho là đúng, là đẹp, là chính mình. Đó là những sự thật hiển nhiên bất luận ai có muốn hay không. Ai phê phán chúng cũng mặc kệ.

    Ngoài ra, phải kể đến những hành vi nguy hiểm, dại dột có nguyên nhân rất lớn từ phim ảnh bạo lực, game hay trong gia đình các em chứng kiến sự cãi cọ hay bạo lực của người lớn.

    Bình tâm một chút, sẽ nhận thấy đa số là trẻ có hành vi hư nhưng bản thân đứa trẻ không hư.

    Chấp nhận và đối thoại cởi mở vẫn tốt hơn là áp đặt giá trị và phê phán để mong trẻ “vâng lời”.

    (Ông Hoàng Nhân, Văn phòng thám tử Hoàng Nhân)

    • Tú Uyên

    Ý kiến của bạn

    Các tin khác