- “Nếu bố mẹ đưa nhiều quá, em sẽ rút bớt ra ủng hộ miền Trung”- Nguyễn Tùng Lâm, học sinh lớp 6, Trường THCS ở Cầu Giấy (Hà Nội) hồn nhiên nói về chiếc phong bì bố mẹ vẫn thường đưa em gửi tặng thầy cô nhân ngày 20/11.
Ảnh: An Bang. |
Dần quen "văn hoá phong bì"
“Em thấy đó như một truyền thống vậy, vì từ nhỏ đã được bố mẹ đưa đi thăm thầy cô giáo và tặng phong bì. Sau đó, em thấy thầy cô lại yêu quý mình hơn.”- Phùng Minh Dương, học sinh lớp 7, TrườngTHCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy thổ lộ.
Khi được hỏi Dương có suy nghĩ gì về việc thầy cô vẫn nhận phong bì của bố mẹ, Dương bảo: Đôi khi thầy cô không thích nhưng vẫn phải nhận.
Tới lễ 20-11, đường sá đông đúc, gần như không có chuyện bố mẹ để các con tụm năm tụm ba tự đến nhà chúc mừng thầy cô giáo.
Các phụ huynh thu xếp thời gian đến mừng thầy cô giáo chủ nhiệm và một vài bộ môn chính. Quà gọn nhẹ nhất là một bó hoa, hoặc một gói quà nhỏ, kèm theo phong bì.
Khi Lâm còn học cấp I, bố mẹ không cho cùng đến thăm thầy cô giáo. Nhưng đến dịp lễ gần đây, Lâm được bố mẹ đưa đến chúc mừng 20/11. Lâm bảo: “Em viết lời chúc vào bưu thiếp, còn bố mẹ gói ghém quà hộ em.”
"Nếu bố mẹ tặng thầy cô phong bì tiền thì sao?", Lâm hồn nhiên: “Nếu bố mẹ tặng tiền nhiều quá, em sẽ rút bớt ra ủng hộ miền Trung!”. Vừa rồi, Lâm xem thời sự thấy miền Trung gặp lũ khổ quá, Lâm đã ủng hộ các bạn nhỏ sách vở và quần áo.
Lâm bảo: Nếu bố mẹ tặng tiền như…đút lót thì em không thích, nhưng chút ít và quà bánh biếu thầy cô thì "được". Lâm nói mình thích tặng thầy cô một món quà hơn nhưng em không có tiền, không được chọn và không được đi lung tung để mua, nên đành chấp nhận.
Đến nhà thầy cô, tặng quà là việc do Lâm đảm nhiệm. Cậu thường bắt đầu bằng câu: “Nhân ngày 20/11…và kết thúc là “bố mẹ con có món quà nhỏ tặng cô ạ!”. Lâm kể: Biết có phong bì nên cô ngần ngại không dám nhận. Sau đó, bố mẹ nói cô mới nhận. Cậu kể thêm, bố mẹ không tặng thay mình vì bố mẹ cũng ngại.
Nhưng Lâm bảo: "Điều đó không ảnh hưởng đến tình cảm của em dành cho thầy cô, không làm bớt quý thầy cô. Em vẫn quý thầy cô bằng quý bố mẹ!".
Nguyễn Thu Thảo, học sinh lớp 9 thì nói, em vốn không thích "chủ nghĩa phong bì", nhưng không được tự đi thăm thầy cô bao giờ. Bố mẹ cũng ngại đưa phong bì cho cô nên dành việc đó cho con. Bố mẹ bảo điều đó cũng là hợp lý.
Đã quen với "văn hoá phong bì" ngày 20/11, nhiều học sinh nói điều đó không làm ảnh hưởng gì đến tình cảm mà mình dành cho thầy cô. Nhưng khi được hỏi chọn giữa quà và phong bì, không bạn nào chọn phong bì. Các bạn vẫn thích được tặng thầy cô một món quà có ý nghĩa hơn.
Quà 20/11 “made by teen”
Bên cạnh sự chuẩn bị của bố mẹ, nhiều bạn nhỏ và tập thể lớp đã dành cho thầy cô những món quà nhỏ nhưng rất đáng yêu và ý nghĩa.
Phùng Minh Dương kể, ở lớp, các bạn cùng nhau thiết kế một cuốn sổ tay dễ thương. Mỗi bạn sẽ viết lời chúc, lời nhắn gửi đến thầy cô vào những tờ giấy đủ màu sắc rực rỡ và dán vào cuốn sổ đó. Có bạn làm hẳn cả một bài thơ về từng thầy cô giáo nữa. Cuốn sổ đó được cả lớp dành tặng cô giáo chủ nhiệm vào đúng ngày 20/11.
Là lớp phó học tập, và là người nghĩ ra món quà này, Dương hồi hộp nghĩ cô sẽ bất ngờ và vui lắm.
Học sinh ở một lớp 7 Trường THCS Nguyễn Tất Thành lại dành tặng thầy cô những tiết mục hát và diễn kịch ngay tại lớp. Các bạn ghi nhớ từng điệu bộ, lời nói của thầy cô trong những giờ học hằng ngày và đem diễn lại giống hệt khiến các thầy cô rất xúc động.
Có lớp, các em cùng nhau gấp những chú hạc bằng giấy đủ màu sắc rực rỡ và đặt vào bình thuỷ tinh xinh xắn tặng cô giáo. Hàng ngày, các bạn "quy định" cô chỉ được mở một con hạc ra vào mỗi buổi sáng. Bên trong những chú hạc giấy là lời chúc ngộ nghĩnh.
Có lớp, phái nữ trổ tài nữ công gia chánh, tặng cô và cả lớp chiếc bánh kem tự làm.
Các bạn nhỏ, bằng trí tưởng tượng và tình cảm thơ ngây, trong sáng của mình có thể khiến nhiều thầy cô xúc động rơi nước mắt vì những món quà nhỏ xinh và đầy ý nghĩa.
Muốn tìm hiểu “mức sàn” của phong bì để lo cho con bằng bạn bằng bè, chúng tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với một số phụ huynh. Trên vỉa hè trước cổng một trường THCS khá danh tiếng, thay vì học sinh là một nhóm các mẹ tay ôm những bó hoa tươi rực rỡ. Trường học bán trú 100% học sinh nên cơ hội thuận lợi nhất cho các mẹ gặp thầy cô là giờ nghỉ trưa. “Ba trăm, bốn trăm hay năm trăm mỗi cô đây các mẹ ơi?”- Một phụ huynh quay ra bàn mức tiền. Một phụ huynh khác góp lời: “Một là ba trăm, hai là năm trăm, chứ đừng bỏ bốn trăm. Nghe số 4 nó cứ làm sao!”. Chốt hạ, các mẹ quyết định biếu mỗi cô 500.000 đồng cùng một bó hoa tươi. Chúng tôi băn khoăn hỏi: “Em cũng định đi riêng cho con. Nhưng không biết các mẹ thường đi bao nhiêu?” Một phụ huynh vui vẻ trả lời: “Đây là mức hội phụ huynh biếu các cô và ban giám hiệu. Còn ai đi riêng thì tuỳ mỗi người. Chúng tôi đi cùng với hội phụ huynh, tiện thể biếu thêm giáo viên chủ nhiệm năm trăm nghìn nữa.” “Mức như thế có cao quá không các mẹ ơi? Đi riêng mà?”. Chị phụ huynh khác tiếp lời: “Thế là được rồi. Không có mà đi lấy vài triệu thì vài trăm cũng được. Cả năm có bao nhiêu ngày lễ, chứ có phải riêng ngày nhà giáo đâu. Lại còn những đứa khác nữa chứ. Đấy là tấm lòng của mình thôi!” Khoảng hơn một giờ ở trước cổng trường, chúng tôi đã được tiếp chuyện với khá nhiều nhóm phụ huynh đến mừng 20-11 với món quà gọn nhẹ là hoa và tiền. Thông thường, các phụ huynh bỏ phong bì khoảng 500.000 đồng. “ Năm ngoái, chị không đi thăm cô đâu. Vì cô là giáo viên chủ nhiệm, nhưng lại dạy môn phụ. Năm nay, cô lại tiếp tục chủ nhiệm, chẳng lẽ lại không đi?”- Một bà mẹ khác tiết lộ. Chị bảo, ở trường này, các cô không trù học sinh nhưng muốn đi để thể hiện tấm lòng và yên tâm hơn. Đến một trường cấp II khác, chúng tôi được tiếp chuyện với một phụ huynh rất chăm đi thăm thầy cô giáo. Hầu như, ngày lễ nào chị cũng đi, từ 8/3, 20/10, 20/11, Tết Nguyên Đán. Mỗi lần như thế, chỉ bỏ phong bì từ 200 - 300.000 đồng, giáo viên chủ nhiệm có thể nhiều hơn. “Đến ngày lễ, đại diện hội phụ huynh sẽ thay mặt các ông bố bà mẹ lo từ A-Z việc chúc mừng và tặng quà thầy cô giáo. Sau đó, ai đi thêm là việc riêng của gia đình”- một trưởng hội phụ huynh cho biết. |
-
Nguyễn Hường