Giáo viên mầm non phải cam kết yêu trẻ
- Sau hơn hai năm (tháng 7/2008), việc "đóng-mở-giải thể" trường mầm non tư thục được giao tới từng quận huyện, các nhà quản lý chung nhận định, việc quản sát hơn. Hỏi chuyện một số phòng giáo dục, tình trạng thiếu giáo viên mầm non đang là nỗi lo của nhiều nhà quản lý. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc "khai khống" nhân sự trong hồ sơ mở trường hoặc "chiêu sinh" cả những người không có kỹ năng sư phạm...vào trường chăm sóc trẻ.
Thiếu rất nhiều giáo viên
Cô và trò trường mầm non trong giờ học yoga. Ảnh: Thái Phương |
Việc áp "Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục" do Bộ GD-ĐT ban hành tháng 7/2008 vào thực tế đã được hơn 2 năm nay.
Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Quỳ Châu (Nghệ An) Võ Thị Lộc nhìn nhận, việc phân cấp quận, huyện giám việc thẩm định - chia tách - giải thể - mở trường mầm non tư thục trên địa bàn sẽ chặt hơn. Để huyện quản sẽ sát hơn từ khâu tư vấn đất đai, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đảm bảo giảng dạy.Tuy nhiên, từ khi có quy định mới, ở Quỳ Châu chưa có tổ chức, cá nhân nào xin mở trường hoặc nhóm trẻ tư thục - bà Lộc cho biết. 100% các trường mầm non ở Quỳ Châu trường công nên mọi hoạt động giáo dục trên địa bàn vẫn diễn ra bình thường.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, chiếu theo các quy định trong quy chế của Bộ GD-ĐT ban hành thì ở địa phương, ai có nhu cầu đều được xem xét. Thực tế, đã có 2 đề án đăng ký thành lập nhóm trẻ mầm non tư thục, chưa có hồ sơ xin mở trường mầm non tư thục.
Theo quy định, đề án đưa lên Phòng Giáo dục thẩm định. Nếu đủ các điều kiện, hồ sơ được hồi về UBND xã - nơi nhóm mở lớp ra quyết định cho nhóm hoạt động.
"Đã có một hồ sơ thành lập nhóm trẻ tư thục nhận quyết định và đang hoạt động tốt", ông Dũng cho biết. Còn một hồ sơ chưa đủ điều kiện chúng tôi trả về và đã có thông báo theo quy định.
Đồng quan điểm với bà Lộc, việc phân cấp quản lý về huyện giúp cho việc giám sát nhu cầu và điều kiện thực tế sẽ sát hơn. Cái khó nhất trong việc xem xét cho mở trường, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn là không đủ đội ngũ giáo viên. Hiện, Thường Tín thiếu rất nhiều giáo viên dạy mầm non.
Còn Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Vì (Hà Nội) Lê Ngọc Tôn cho biết, sau hai năm quy chế ban hành đã có 3 hồ sơ, trong đó 1 hồ sơ xin mở trường mầm non tư thục và 2 hồ sơ nhóm trẻ tư thục. Bất cứ tổ chức, cá nhân nào có nhu cầu đều được xem xét giải quyết theo quy định.
Vẫn theo ông Tôn, trong quá trình thẩm định hồ sơ mở trường, nhóm trẻ mầm non tư thục, huyện Ba Vì cũng gặp khó khăn trong việc thiếu đội ngũ giáo viên. Nguồn nhân lực các trường mới mở trên địa bàn thường tận dụng những người trong huyện đã tốt nghiệp các trường sư phạm mầm non nhưng chưa xin được việc về làm.
Tuy nhiên, Ba Vì vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên mầm non, mà học sinh đến tuổi có nhu cầu ra lớp ngày một tăng. Trong khi chờ giáo viên các trường sư phạm mầm non tốt nghiệp về công tác, Ba Vì đang "khắc phục" bằng cách: quy định 1 lớp 2 giáo viên, vì thiếu nên chỉ có 1 giáo viên; hoặc cách khác là tăng sĩ số học sinh trên lớp...
Chỉ "lướt" một số phòng GD đã thấy tình trạng thiếu giáo viên mầm non đang là nỗi lo của nhiều nhà quản lý. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc "khai khống" nhân sự trong hồ sơ mở trường hoặc "chiêu sinh" cả những người chưa học xong phổ thông...vào trường chăm sóc trẻ.
Quy định, cam kết chỉ là bề nổi?
Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục do Bộ GD-ĐT ban hành phân cấp rõ trách nhiệm, quyền quyết định cho phép thành lập đối với nhà trường, nhà trẻ tư thục do Chủ tich Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp huyện quyết.
Các trường, nhà trẻ tư thục đủ điều kiện nêu trong quy chế, cụ thể là điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chăm sóc trẻ, trình độ của giáo viên, nhân viên, điều kiện đối với người đứng ra thành lập trường... mới được phép hoạt động.
Các trường tư thục không được phép nhận trẻ quá 15 nhóm, lớp. Cơ sở nào không có đủ điều kiện theo quy định, không đảm bảo được yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ sẽ bị đình chỉ hoạt động.
Về nhân sự quy chế cũng quy định rõ, danh sách nhân sự dự kiến làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng bắt buộc phải gửi kèm lý lịch, bản sao văn bằng, chứng chỉ hợp lệ của thành viên hội đồng quản trị, chủ đầu tư. Tương tự, nhân sự làm giáo viên ngoài lý lịch cá nhân, các bản sao văn bằng chứng chỉ phải có cam kết thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và bảo đảm an toàn cho trẻ.
Theo bà Lê Minh Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) sau vụ bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa bạo hành trẻ em đã có rất nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục bị đóng cửa do không đủ điều kiện. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có nhiều vụ bạo hành xảy ra chủ yếu là ở các cở sở giáo dục ngoài công lập.
-
Nguyễn Hiền