Tại sao 30.000 sinh viên biểu tình chống tăng học phí?
Ngày 10/11, hơn 30.000 sinh viên và giảng viên (con số này theo các nhà tổ chức là 50.000 người) đã tụ tập tại London phản đối chống lại kế hoạch tăng học phí.
80% SV bị tước cơ hội học tập
- Cảnh sát chống bạo động mang mũ bảo hiểm thành lập một hàng dài để ngăn người biểu tình xông vào tòa nhà. |
Chính phủ Anh ngày 3/11 đã công bố kế hoạch tăng gấp đôi, thậm chí gần gấp ba lần học phí các trường đại học từ năm 2012. Đồng thời, cắt giảm 40% ngân sách giáo dục đại học trong tổng chi tiêu. Mức học phí của sinh viên hiện nay là 3.290 bảng/năm và đang được đề xuất tăng lên tới 9.000 bảng Anh/năm, từ năm 2012.
Cuộc biểu tình được tổ chức ở Westminster (London) và khoảng 30.000 sinh viên và giảng viên từ các nơi trên nước Anh đã đổ về London, trong đó khoảng 2.000 sinh viên từ xứ Wales. Họ tham gia diễu hành, huýt sáo và yêu cầu “cắt giảm" học phí.
Một số người biểu tình tấn công các tòa nhà trụ sở chính của Đảng Bảo thủ, đập bốn cửa sổ.
Họ đã đốt băng-rôn gần đó. Một số đột nhập vào tiền sảnh của tòa nhà Millbank Tower. Theo Ben Wright, phóng viên BBC News, tại hiện trường, bầu không khí "rất căng thẳng".
Sally Hunt, Tổng Thư ký Liên hiệp Đại học & Cao đẳng, cho biết, liên hiệp đã thuê hàng trăm huấn luyện viên từ khắp đất nước. Cuộc biểu tình là một "sự kiện có ý nghĩa". Các cuộc biểu tình trước đây từng diễn ra trong hòa bình
Một sinh viên bày tỏ sự bức xúc: "Chúng tôi đơn giản chỉ là không đồng ý với những gì chính phủ đang cố gắng làm”.
"Với việc tăng học phí, thế hệ trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc đến trường. Những tổn thất, thiệt hại này liệu chính phủ có nghĩ đến?”
Một nghiên cứu của Hiệp hội Sinh viên Quốc gia và Ngân hàng HSBC ước tính sẽ có gần 80% số học sinh bị tước mất cơ hội học đại học nếu học phí tăng lên 10.000 bảng/năm
Hồi cuối tháng 10, khoảng 650 sinh viên ĐH Oxford đã tham gia biểu tình chống lại đề xuất tăng học phí và thay đổi cách giáo dục ĐH ở Anh.
Một số trường đại học hàng đầu Anh quốc đang cân nhắc, xem xét khả năng tự chủ, thoát khỏi sự kiểm soát của Chính phủ.
Bằng ĐH Anh sẽ đắt nhất thế giới
Trước khi Chính phủ có quyết định tăng học phí, ngày 12/10, bản báo cáo độc lập về tình hình tài trợ các trường đại học và tài chính sinh viên Anh, còn được gọi là báo cáo Browne, do ngài Browne chủ trì thực hiện từ tháng 11/2009 đã được công bố.
Báo cáo này kiến nghị chính phủ dỡ bỏ mức học phí trần - tối đa 3.290 bảng Anh. Nếu trường đại học nào thu tiền học phí hơn mức 6.000 bảng Anh/sinh viên/năm thì trường đó phải chịu thuế thu nhập. Khoản thuế này sẽ được đóng ngược lại cho Bộ Tài chính để trang trải chi phí Bộ này bỏ ra khi cho sinh viên mượn tiền đóng học phí.
Hiện tại, sinh viên tốt nghiệp đại học ở Anh không phải trả nợ học phí nếu thu nhập hàng năm của họ dưới ngưỡng 15.000 bảng Anh.
Nhưng theo kiến nghị của báo cáo Browne, ngưỡng thu nhập mới sẽ là 21.000 bảng Anh. Đồng thời, lãi suất cho vay học phí được nhà nước trợ cấp 1.5% hiện nay cũng sẽ được nâng lên bằng với chi phí vay tiền nhà nước phải trả, hiện đang ở mức 2.2%, sau đó lại còn phải cộng thêm lạm phát.
Số năm trả nợ học phí, trước khi được xóa nợ, cũng được kiến nghị tăng từ 25 năm lên 30 năm.
Lập luận chính tăng học phí mang âm hưởng của phương châm ’nhà nước và sinh viên cùng làm’.
"Tấm bằng đại học mang lại lợi ích cho người được cấp bằng, giúp họ đóng góp nhiều hơn cho xã hội và có thu nhập cao hơn, đồng thời mang lại lợi ích cho quốc gia qua việc giúp tăng trưởng kinh tế cao hơn và cải thiện môi trường xã hội." Lô-gic của lập luận có vẻ đơn giản: nếu cả hai bên - nhà nước và sinh viên - cùng có lợi thì cả hai bên sẽ cùng gánh chịu chi phí trong việc mưu cầu lợi ích đó.
Liên tục trong nhiều năm qua tại Anh, nhu cầu học đại học ngày càng tăng trong khi kinh phí tài trợ của nhà nước mặc dù có tăng 25% dưới thời chính phủ của đảng Lao động từ 1997 đến 2009, nhưng riêng năm 2010-2011, ngân sách nhà nước đầu tư vào giáo dục đại học đã giảm xuống còn 449 triệu bảng.
Chính phủ liên minh giữa hai đảng Bảo thủ và Dân chủ tự do lên cầm quyền tại Anh tháng 5/2010 vừa qua đã cắt thêm 211 triệu bảng và giảm số sinh viên được vào học đại học từ 20.000 xuống còn 10.000 người.
Trong bối cảnh đó, các trường đại học ở Anh dường như bị dồn vào ’bước đường cùng’ là phải tăng học phí để có thể tiếp tục vận hành.
Kinh phí hoạt động của các trường đại học trên toàn Vương quốc Anh đến từ ba nguồn chính: học phí, tài trợ của chính phủ và các nguồn khác như ngân sách tài trợ nghiên cứu, đầu tư và tiền quyên được từ các quỹ từ thiện. Năm 2008-2009, học phí do sinh viên đại học trong và ngoài nước Anh chiếm 29% tổng ngân sách. Tiền tài trợ từ các cơ quan nhà nước chiếm 35%. Còn lại khoảng 35% là từ các nguồn khác kể trên. |
-
Thái San (Theo BBC)