Bị "tuýt còi", Bộ Giáo dục đang sửa sai
- Sau khi có ý kiến của Bộ Tư pháp về công văn 5997/BGDĐT-KHTC, trao đổi với VietNamNet chiều 11/11, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT) Chu Hồng Thanh cho biết, đại diện của Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch tài chính - đơn vị soạn thảo công văn đã làm việc với Bộ Tư pháp.
Thí sinh dự thi ĐH. Theo quy định tại khoản 2, điều 7 của Nghị định 49 thì, các đối tượng được miễn, giảm học phí tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập sẽ được trực tiếp nhận tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí của Nhà nước và thực hiện đóng học phí đầy đủ cho cơ sở đào tạo. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tinh thần buổi làm việc là Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến góp ý từ phía Bộ Tư pháp và sẽ có những chỉnh sửa cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật - ông Thanh nói.
Vẫn theo ông Thanh, sau đây Bộ sẽ có so sánh đối chiếu để xem trong số những đối tượng được miễn, giảm học phí tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập có đối tượng “học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã bãi ngang ven biển và các thôn, bản đặc biệt khó khăn” hay không. Nếu không có sẽ phải bỏ để việc thực thi được đúng luật.
Cũng trong chiều 11/11, lãnh đạo nhiều trường ĐH cho hay đã nhận được công văn 5997 của Bộ GD-ĐT. Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Trần Hữu Viên cho biết, trường đã nhận và đang thực thi theo quy định tại công văn của Bộ.
Theo đó, trường đã thực hiện miễn giảm học phí cho đối tượng là “học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã bãi ngang ven biển và các thôn, bản đặc biệt khó khăn” - ông Viên nói. Tuy nhiên, số này không nhiều và trường chưa có thống kê cụ thể.
Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội Hoàng Văn Điện cho biết, trường cũng đã nhận được công văn của Bộ cách đây 2 tuần và thực thi theo đúng chỉ đạo của Bộ.
Còn Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ địa chất Trần Văn Kiên cho hay, trường chưa nhận được công văn 5997 của Bộ GD-ĐT. Hiện, với những đối tượng thuộc diện miễn giảm học phí, trường vẫn thu và đến khi nào có hướng dẫn của các đơn vị chức năng thì sẽ hoàn trả lại sinh viên phần được miễn giảm.
Trước đó, Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có ý kiến với các đơn vị chuyên môn của Bộ GD-ĐT về một số qui định trong công văn 5997 có nội dung không phù hợp với pháp luật hiện hành.
Cụ thể, công văn 5997 đã vượt thẩm quyền khi tự ý thêm đối tượng “học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã bãi ngang ven biển và các thôn, bản đặc biệt khó khăn” vào đối tượng được miễn giảm học phí, trong khi Nghị định 49 - căn cứ để ban hành công văn 5997 không đề cập đến.
Cơ chế miễn giảm học phí trong công văn 5997 gửi tới các ĐH, Học viện, các trường ĐH, CĐ và TCCN được cho là trái với qui định tại khoản 2 điều 7 Nghị định 49 "Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015" .
Theo quy định tại khoản 2, điều 7 của Nghị định 49 thì, các đối tượng được miễn, giảm học phí tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập sẽ được trực tiếp nhận tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí của Nhà nước và thực hiện đóng học phí đầy đủ cho cơ sở đào tạo.
-
Kiều Oanh
Khoản 2, Điều 7 của Nghị định 49 quy định "Nhà nước thực hiện cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập có đối tượng được miễn, giảm học phí theo số lượng người học thực tế và mức thu học phí. Cấp bù học phí (theo mức học phí của các trường công lập trong vùng) cho học sinh là con của người có công với nước, các đối tượng chính sách học mẫu giáo và phổ thông ngoài công lập. Cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập để các đối tượng này đóng học phí đầy đủ cho nhà trường"