221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
920266
Trách nhiệm và lương tâm
1
Article
null
Trách nhiệm và lương tâm
,

Qua bến đò Tứ Phước là đến địa bàn xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, nơi gia đình em Huỳnh Thị Ngọc Trâm cư ngụ. Trâm là học trò lớp 5 Trường tiểu học An Hiệp 2, cách đây hơn ba tuần bị tổng phụ trách Đội áp giải đến công an xã để lấy khẩu cung do bị nghi lấy cắp 47.800 đồng quĩ lớp.

>>Bạn đọc bất bình về vụ hỏi cung HS 10 tuổi

Sợ hãi...
Sợ hãi...
Bà nội của bé Trâm buồn bã cho biết: “Sau vụ đó, Trâm có biểu hiện tâm thần, hiện đang nằm ở khoa nhi Bệnh viện Sa Đéc”.

Vừa thấy người lạ (là tôi), Trâm đã co rúm người lại, giật lùi nép người vào cuối giường, chụp con búp bê che mặt. Tôi nhẹ nhàng dỗ dành, Trâm càng sợ hãi, hết chúi nhủi vào góc giường lại vơ bất cứ thứ gì để che mặt lại, từ giỏ xách đến chăn, mền... Chị Nguyễn Thị Nga - mẹ bé Trâm - thì thào dỗ dành con thì bỗng “bốp”, con bé điên loạn giáng vào mặt mẹ rồi hét toáng lên nhói óc, mắt nhìn trừng trừng rồi kêu ư ử...

Các y, bác sĩ đến chăm sóc, khám bệnh cho em, Trâm cũng vùng vẫy, trốn chui nhủi hoặc xông vào đánh, tát. Rồi em chui xuống gầm giường. Một tay cho lên miệng cắn, tay còn lại chống đất bò loanh quanh. Những lúc không kích động, Trâm ngồi thu mình, đưa hết tay phải rồi tay trái lên miệng cắn. Hai tay em đầy những vết răng cắn sâu. Tôi nhìn cảnh đó mà không cầm lòng nổi... Trâm cũng bằng tuổi con gái tôi.

Chị Nga kể trưa 14-3, các bạn của bé Trâm đi học về ngang nhà nói với chị là bé Trâm đã ra khỏi lớp từ lúc hơn 8g. Không thấy con về, chị lo lắng chạy lên trường. Hỏi, thầy hiệu trưởng Lưu Văn Ca lạnh lùng bảo thầy tổng phụ trách Đội Lê Văn Xem đã đưa Trâm lên công an xã để làm rõ vụ mất quĩ lớp 47.800 đồng. Hơn 11g, bé Trâm về tới nhà trong trạng thái hoảng loạn: “Ba mẹ ơi cứu con với”. Vừa thấy mẹ, Trâm đã òa khóc nức nở và sau đó cứ lặp đi lặp lại câu nói: “Mẹ cho con nghỉ học đi. Con không đi học đâu”. Chị Nga dỗ thế nào Trâm cũng không nín. An ủi, vỗ về mãi Trâm mới kể cho mẹ nghe...

...và trốn chui nhủi khi hoảng loạn. Rất đau lòng! - Ảnh: L.TH.H.
...và trốn chui nhủi khi hoảng loạn. Rất đau lòng! - Ảnh: L.TH.H.
Do nghi bé Trâm và bé Thư (học sinh lớp 5/2, là cháu một giáo viên ở Trường tiểu học An Hiệp 2) lấy 47.800 đồng quĩ lớp, thầy Xem đã đưa hai em lên Công an xã An Hiệp. Theo lời Trâm kể với mẹ, trên đường đi thầy Xem dừng xe mấy lần dọa hai em nếu không nhận thì lên công an xã sẽ bị tra tấn. Cả hai vẫn nói không lấy số tiền này.

Đến nơi, Trâm bị tách ra đưa vào một phòng riêng. “Trong phòng có hai chú công an (theo một nguồn tin là ông Lê Văn Thanh - anh ruột thầy Lê Văn Xem, và ông Võ Thanh Phương là trưởng và phó Công an xã An Hiệp - PV). Một chú cầm cây giống như cảnh sát đập đập lên bàn, một chú hỏi có lấy tiền không và đưa ra một tờ giấy bảo ghi lời khai”. Bé Trâm vẫn bảo không lấy.

Một chú công an khẳng định: “Nhìn nét chữ này là biết ngay nét chữ lấy tiền rồi”. Trâm vẫn không nhận, lại bị dọa tiếp: “Không nhận thì kêu người nhà đem cơm đi. Mày không nhận tao nhốt trong đó luôn, không cho cha mẹ mày lãnh”. Sau đó, thầy Xem bước vào phòng dọa tiếp: “Không nhận thì ban đêm bị nhốt trong tù, ban ngày đem ra phơi nắng”. Quá sợ hãi, Trâm đã nhận. Rồi Trâm nức nở với mẹ: “Con không có lấy. Con nói với mẹ rồi, con không lấy. Tiền đó có phần con đóng góp nữa mà. Con sợ lắm. Con nhận để được về với ba mẹ...”.

Đêm ấy, bé Trâm đã liên tục lảm nhảm kêu: “Con không lấy mà, mấy chú công an đừng có bắt con...”. Sáng ra, cứ nghe tiếng xe là Trâm lại hoảng sợ, chui vào góc nhà... Tình trạng kéo dài cho đến bốn ngày sau chị Nga mới đưa con đi khám bệnh. Dù đã hai lần lên Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP.HCM khám bệnh, uống thuốc nhưng bé Trâm vẫn không khá hơn. Mẹ bé Trâm chỉ còn biết nuốt nước mắt: “Cha nó không biết chữ, chỉ biết ký mỗi cái tên. Thấy con học giỏi, ổng cưng lắm, hi vọng vào nó nhiều lắm...”.

Tôi chẳng biết chia sẻ với mẹ và đứa con bất hạnh ấy như thế nào. Lòng tôi nặng trĩu. Chẳng biết tương lai của em sẽ ra sao. Có người phẫn nộ bảo phải xử lý những người lớn đã hành xử thô bạo với một đứa trẻ. Có thể, nhưng những người gián tiếp gây ra căn bệnh cho em dù có bị xử lý như thế nào, xử lý sớm hay muộn, thì với em không có ý nghĩa gì, bởi khó có thể giúp bé Trâm trở lại thành người bình thường sau chấn thương tâm lý nghiêm trọng này. Bé Trâm bây giờ không thể nhớ những gì mà các thầy, các anh công an đã đối xử với em, nhưng tôi tin chắc rằng lương tâm các thầy, các anh công an sẽ không thôi ám ảnh, day dứt bởi những hành xử thiếu trách nhiệm, lương tâm với một đứa trẻ chỉ mới hơn 10 tuổi đầu.

(Theo Lê Thanh Hà - Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,