(VietNamNet) - Sáng nay, tại hội nghị tuyển sinh với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu từ các trường ĐH, CĐ trong cả nước, Bộ GD-ĐT đã công bố chi tiết phương hướng tuyển sinh 2004. Phương án này có nhiều sửa đổi về nguyện vọng, điểm ưu tiên, cách xét tuyển...
Thứ trưởng Trần Văn Nhung cho biết: Tuyển sinh 2004 vẫn tiến hành như năm 2003 với một số
Hơn 1.000 đại biểu từ các trường ĐH, CĐ cả nước về dự hội nghị tuyển sinh để nghe "một số sửa đổi, bổ sung" của năm 2004 so với năm 2003. |
sửa đổi, bổ sung cho hợp với thực tế. Những thay đổi này bao gồm: quy định về nguyện vọng, cách thức xét tuyển, điểm ưu tiên khu vực. Một nét mới nổi bật là Bộ sẽ quy định mức điểm tối thiểu để các trường xét tuyển. Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức ra đề chung cho các trường ĐH theo phương pháp tự luận. Cuối tháng 1, Bộ đã có văn bản 489, qui định khá chi tiết công việc này.
Thi 1 trường, xét tuyển 3 đợt
Lịch tuyển sinh
Từ 15/3 đến 15/4: TS nộp hồ sơ và lệ phí ĐKDT tại trường THPT hoặc Sở (thí sinh tự do). Từ 16/4 đến 22/4: TS có mã 99 nộp hồ sơ và lệ phí ĐKDT tại trường ĐH, CĐ. Từ 30/5 đến 5/6: Sở GD-ĐT gửi giấy báo dự thi cho TS. Từ 4 đến 5/7: Thi ĐH khối A. Từ 9 đến 10/7: Thi ĐH khối B, C, D. Môn năng khiếu trường quy định. Từ 16 đến 22/7: Thi CĐ. Trước 10/8: Trường ĐH có tổ chức thi hoàn thành chấm thi. Trước 20/8: Công bố kết quả bài làm của thí sinh trên internet, báo chí. Các trường ĐH có tổ chức thi tuyển sinh công bố điểm trúng tuyển đợt 1, đồng thời trực tiếp gửi giấy chứng nhận kết quả thi, giấy báo trúng tuyển cho TS. Từ 25/8 đến 10/9: Nhận hồ sơ xét tuyển đợt 2. Trước 15/9: Công bố điểm và gửi giấy báo trúng tuyển. Từ 15/9 đến 30/9: Nhận hồ sơ xét tuyển đợt 3. Trước 5/10: Công bố điểm và gửi giấy báo trúng tuyển |
Theo phương hướng đưa ra tại Văn bản số 489, thí sinh có nguyện vọng dự thi tại trường nào thì nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) cho trường đó. Những thí sinh dự thi vào trường ĐH thi theo đề chung của Bộ GD-ĐT, nếu không trúng tuyển vào trường này (đợt 1) thì qua đường bưu điện, nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT - đợt 2 và đợt 3) vào ngành cùng khối thi, đúng vùng tuyển của trường ĐH, CĐ không tổ chức thi hoặc trường tuyển chưa đủ chỉ tiêu (kể cả trường thí sinh đã dự thi).
Việc xét tuyển thực hiện thành 3 đợt theo đúng lịch tuyển sinh. Mỗi thí sinh được cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi (số 1 và số 2) có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi. Nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi (đợt 1), thí sinh dùng giấy số 1 để nộp hồ sơ xét tuyển đợt 2. Nếu vẫn không trúng tuyển đợt 2 thì dùng giấy số 2 để nộp hồ sơ xét tuyển đợt 3.
Thời gian nộp hồ sơ tính theo dấu bưu điện. Các trường không được kết thúc việc nhận hồ sơ ĐKXT trước hoặc sau thời hạn qui định. Thí sinh không phải nộp lệ phí xét tuyển, chỉ những ai trúng tuyển khi nhập học mới phải nộp lệ phí.
Do có thay đổi nên năm nay, Bộ đã qui định khá chi tiết về xét tuyển. Thí sinh đã trúng vào một trường ĐH, CĐ không được xét tuyển vào trường ĐH, CĐ khác. Thí sinh có nguyện vọng học tại trường ĐH, CĐ (hoặc hệ CĐ của các trường ĐH) không tổ chức thi tuyển sinh, phải dự thi tại một trường ĐH cùng khối thi, sau đó nộp hồ sơ ĐKXT vào trường (hoặc hệ CĐ) mà thí sinh có nguyện vọng học. Thí sinh đã trúng tuyển ĐH, nếu có nguyện vọng học trường CĐ địa phương cùng khối thi và trong vùng tuyển, phải làm đơn gửi trường CĐ địa phương để trường xét tuyển. Thí sinh chỉ được tham gia xét tuyển khi tổng điểm 3 môn thi bằng hoặc cao hơn mức điểm tối thiểu qui định.
Hưởng ưu tiên theo nơi tốt nghiệp THPT
Chính sách ưu tiên mùa tuyển sinh này có một số thay đổi. Bộ GD-ĐT đã sắp xếp lại bảng ký hiệu các đối tượng ưu tiên và bảng phân chia khu vực. Theo đó, bảng ký hiệu ưu tiên sẽ còn 7 và bảng phân chia khu vực vẫn giữ 3. Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng là 1 và giữa các khu vực kế tiếp nhau là 0,5. Thí sinh tốt nghiệp THPT (hoặc tương đương) tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên khu vực đó (chứ không hưởng theo hộ khẩu như trước đây). Nếu trong 3 năm học ở lớp cuối cấp có chuyển trường học thì ở đâu lâu hơn, sẽ hưởng ưu tiên ở đó. Qui định này áp dụng cho cả thí sinh đã tốt nghiệp trước năm 2004.
Tổ chức 4 cụm thi
Cụm Vinh: dành cho thí sinh thi vào ĐH Vinh và thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 4 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, có nguyện vọng thi vào các trường ĐH đóng tại khu vực Hà Nội.
Cụm Cần Thơ: dành cho thí sinh thi vào ĐH Cần Thơ và thí sinh có hộ khẩu tại 9 tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, TP.Cần Thơ có nguyện vọng ghi vào các trường ĐH đóng tại khu vực TP.HCM.
Cụm Quy Nhơn: dành cho thí sinh thi vào ĐH Quy Nhơn và các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 6 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam có nguyện vọng thi vào các trường ĐH đóng tại Hà Nội và TP.HCM.
Thí sinh có hộ khẩu được chỉ định thi tại 4 cụm trên nhưng tốt nghiệp THPT nơi khác, không bắt buộc phải dự thi theo cụm. Thí sinh thi vào ĐH khối an ninh, quốc phòng, ngành năng khiếu đến trường dự thi.
- Hạ Anh