(VietNamNet) – Tại cuộc họp Ban chỉ đạo chương trình thí điểm phân ban tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Huỳnh Công Minh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT chỉ đạo: "Việc thiếu đồ dùng dạy học, chúng ta không thể chờ Bộ. Trước mắt các trường cùng thống nhất với nhau trong việc mua sắm trang thiết bị cho đồng bộ, đồng thời phối hợp với Công ty Sách và Thiết bị trường học lên danh mục và mua các thiết bị cần sử dụng ngay để phục vụ chương trình".
Từ năm học 2003-2004, hơn 3.000 học sinh lớp 10 tại bốn trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền của TP.HCM bắt đầu thực hiện thí điểm chương trình và sách giáo khoa mới. Em Nguyễn Ngọc Lê - một trong những học sinh học thí điểm chương trình này cho rằng: "Chương trình mới dễ hiểu, gắn với thực tiễn, không đi sâu vào lý thuyết. Học sinh có thể phát huy tính tự chủ. Các bạn trong lớp em - học ban C, chịu khó phát biểu nhiều trong giờ học".
Thiết bị dạy học vẫn còn... chờ
Chương trình thí điểm phân ban THPT đã thực hiện được gần 1 tháng, nhưng trên thực tế, thầy và trò các trường thí điểm phân ban đang gặp khó khăn về thiết bị dạy học phục vụ năm học mới. Mặc dù Sở GĐ-ĐT đã yêu cầu các trường thực hiện phân ban tập trung nguồn lực thí điểm, nhưng dù đã tận dụng hết phần thiết bị có thể sử dụng được cho trương trình mới, vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu thực tế. Theo ông Lê Huy Cảnh - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hiền, cái khó khăn nhất hiện nay mà các trường đang phải đối mặt là thiết bị dạy học, nhất là môn vật lý học sinh phải thí nghiệm nhiều. Thực tế thiết bị dạy học, cơ sở vật chất đã thiếu, nay thực hiện chương trình mới lại càng... khó khăn hơn.
Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho các môn học lớp 10 phân ban thí điểm chỉ mới được Bộ GD-ĐT duyệt ngày 10/9. Trên cơ sở này, Bộ giao cho khoa Vật lý (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), Viện Vật lý kỹ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu cơ sở vật chất - thiết bị trường học và Công ty Thiết bị giáo dục 1 triển khai thiết kế và làm mẫu thiết bị.... Sau khi được duyệt mẫu, các đơn vị này mới bắt tay vào sản xuất, cung ứng cho 48 trường phân ban của cả nước.
Để chủ động, Ban giám hiệu các trường huy động hết mọi thiết bị có sẵn, nhưng vẫn không đủ hoặc đã quá cũ… Trường Mạc Đĩnh Chi chỉ đáp ứng được 8% nhu cầu, trong khi đó số tiết thực hành của chương trình mới là 35%... Trường Lê Quý Đôn thì chưa có phòng chức năng. Thầy Đào Văn Lợi - Hiệu trưởng trường Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh: “Chúng tôi thiếu phòng ghê gớm, học sinh học thể dục phải sơ tán ở ngoài vì trường vừa khởi công xây chưa đầy một tháng, rất vất vả trong việc bố trí chỗ học tạm cho học sinh.
Chủ động biên soạn… chuyên đề tự chọn
Bắt đầu từ học kỳ II/2003-2004, tất cả các trường dạy thí điểm chương trình phân ban đều phải tổ chức dạy học tự chọn theo chủ đề và tài liệu do Bộ Giáo dục ban hành cho từng môn học hoặc theo chủ đề, tài liệu do địa phương tự chọn và biên soạn cho từng môn học. Theo các trường, cái khó hiện nay là việc biên soạn giáo trình tự chọn theo chuyên đề và kinh phí trả thù lao cho giáo viên dạy theo chương trình này. Bà Nguyễn Thanh Vân - Hiệu trưởng trường Lê Quý Đôn cho biết, chắc chắn phải huy động sự hỗ trợ giáo viên ở ngoài vì không tránh khỏi trường hợp nhiều em cùng chọn một môn khiến trường không thể đủ giáo viên. Vấn đề là kinh phí ở đâu để trả cho những giáo viên này?
Ông Nguyễn Thiện Minh - Hiệu trưởng trường THPT Mạc Đĩnh Chi cho rằng: “Bộ quyết định trong 9 môn, học sinh được chọn 3/9 môn. Trong 3 môn này phải chọn được 10 chủ đề đảm bảo 35 tiết. Vậy ai sẽ soạn giáo trình, phần kinh phí phát sinh ai trả?”.
Để kịp triển khai tổ chức học tự chọn theo chủ đề, ông Huỳnh Công Minh chỉ đạo các trường đang thực hiện thí điểm phân ban tiến hành ngay việc nghiên cứu xem trường mình sẽ phát triển từng môn nào, sau đó trình lên Sở GD-ĐT để Sở có kế hoạch chuẩn bị thù lao cho giáo viên và có giáo trình “đồng hoá”. Bộ đang chuẩn bị biên soạn 10 môn làm mẫu, vì vậy các trường này phải quyết định chọn môn để thống nhất biên soạn. Mỗi trường soạn một ít, sau đó Sở sẽ biên tập lại”.
Năm học 2003-2004 bắt đầu thí điểm phân ban THPT ở 48 trường trong cả nước với 2 ban là ban Khoa học tự nhiên và Ban Khoa học xã hội và Nhân văn. Ban Khoa học tự nhiên yêu cầu học sinh có kiến thức và kỹ năng cao hơn ở môn Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học (các môn phân hoá). Ban Khoa học xã hội và Nhân văn yêu cầu học sinh có kiến thức và kỹ năng cao hơn ở các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý (các môn phân hoá). Các môn còn lại, học sinh ở cả 2 ban đều được học như nhau. |
-
Cam Lu