221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
65641
Tăng học phí đại học - nên hay không?
1
Article
null
Tăng học phí đại học - nên hay không?
,

Tăng học phí - chất lượng giáo dục có "tăng" theo? Vấn đề này không chỉ các bậc phụ huynh, SV quan tâm, mà còn cần cả sự vào cuộc và theo dõi của các cấp ngành.

Thực trạng học phí

Theo tính toán, hiện nay, học phí chiếm tới 2/3 tổng số nguồn thu của nhà trường. Lấy ví dụ cụ thể của Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Năm 2001, nguồn thu từ học phí khoảng 18 tỉ đồng, ngân sách cấp 7,9 tỉ. Năm 2002 nguồn thu từ học phí là 30 tỉ, ngân sách cấp 8,1 tỉ. Như vậy, số tiền ngân sách cấp so với số tiền thu được từ học phí chỉ bằng khoảng 1/3. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở các trường ĐH, CĐ khác. trong khi đó, nguồn chi của các trường lại khá lớn.

Theo quy định, các trường phải dành không dưới 45% nguồn thu từ học phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Số còn lại sau khi chi trả lương cho cán bộ, GV, nhân viên nhà trường không còn được mấy để đầu tư cho các  hoạt động khác như nghiên cứu khoa học, đầu tư cho trang thiết bị, cho SV thực hành, thực tập, viết giáo trình, bổ sung tài liệu... Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên cách dạy và học kiểu "hàn lâm" và kiểu học chay của chúng ta hiện nay.

 Các trường đều cho biết, hầu như không có kinh phí dành cho SV đi thực tập, mà phần lớn chỉ nhờ vào các mối quan hệ quen biết để gửi SV đi thực tập. Bên cạnh đó là hàng loạt các vấn đề khác như thiết bị, dụng cụ cho sinh viên cho SV thực hành, thực tế. Nhà trường không có kinh phí nên các khoản trên đều bị "bỏ qua" hoặc chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa". Chung quy lại, vấn đề là... tiền không có!

"Học phí là một yếu tố đánh giá chất lượng đào tạo..."

Ông Hoàng Xuân Nguyên, Phó hiệu trưởng trường CĐ Công nghiệp HN cho rằng: "Cơ chế học phí phải tạo được sự cạnh tranh giữa các trường mà cụ thể là chất lượng. không phải chất lượng và học phí tỉ lệ thuận với nhau, nhưng nếu trường nào đào tạo có chất lượng thì tại sao không để cho họ được thu cao  hơn (tất nhiên không vượt trần quy định) so với trường có chất lượng thấp hơn. Nếu chúng tôi thu cao mà người học vẫn chấp nhận và số thí sinh dự tuyển hàng năm vẫn cao thì chứng tỏ rằng "giá dịch vụ" của chúng tôi đưa ra được thị trường chấp nhận. Trong khi đó, không ít trường thu học phí thấp nhưng vẫn có ít người học, thậm chí một số trường không tuyển hết chỉ tiêu. Rõ ràng, học phí cũng là một yếu tố đánh giá chất lượng đào tạo giữa các trường".

Ông Nguyên cũng cho biết, Trường CĐCN HN đã "xé rào" trong việc thu học phí, cụ thể là trần học phí Nhà nước quy định là 180.000 đồng/tháng/SV, nhưng nhà trường thu 200.000 đồng/tháng/SV. Dù thu như vậy nhưng số người đăng ký dự thi vẫn tăng cao. Năm nay, con số đăng ký dự t hi là 54.000, cao  hơn năm 2002. Điều đó cho thấy, người học rất quan tâm đến chất lượng đào tạo và chấp nhận trả mức học phí cao.

"Tiền nào của ấy?"

Tăng học phí, việc đầu tiên phải tính đến là sức chịu của người dân. Thực tế hiện nay, người dân không có nhiều sự lựa chọn trong giáo dục và đào tạo. làm thế nào để tránh độc quyền trong lĩnh vực này? Có ý kiến cho rằng nếu mở rộng trần học phí lên cao nữa thì người dân vẫn phải "cắn răng" mà gánh vì số học sinh muốn học vẫn nhiều hơn số học sinh được học. và trong cuộc đua này, người giàu lại thắng thế.

tuy nhiên, nhiều người cho rằng, tăng học phí cũng là điều chấp nhận được. trong những năm qua, nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng khá. Đời sống và thu nhập của dân cũng tốt hơn. Vả lại, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển nên đa phần người dân đều muốn đầu tư vào việc học cho con em. Bởi vậy, nếu tăng học phí lên để các trường đào tạo có chất lượng hơn chắc chắn được người dân ủng hộ.

Một vấn đề đặt ra là tăng học phí - chất lượng đào tạo có tăng lên? Ai kiểm định chất lượng của "dịch vụ" này? Hiện nay, người học chỉ biết học. Nhà trường đào tạo thế nào thì biết vậy. Hay thì tốt mà dở thì... sự đã rồi! Đó là điều người dân rất quan tâm khi "tăng tiền" để cho con em được đi học.

(Theo Giáo dục & Thời đại)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,