Sách giáo khoa mới giúp học sinh biết sáng tạo? |
TS Đỗ Đình Hoan, Phó Trưởng ban biên soạn chương trình, sách giáo khoa tiểu học mới khẳng định: ''Không thể nói việc đưa các môn tự chọn vào dạy ở bậc tiểu học làm tăng áp lực cho học sinh vì chương trình không nhằm nâng cao, luyện theo bài mẫu như hiện nay, dự kiến không quá 4 tiết/tuần/môn. Kết quả học tập các môn này không đánh giá học lực cuối năm''.
TS Hoan cho biết, ngoài tin học, ngoại ngữ, kỹ năng đời sống, kỹ năng tư duy như khoa học, sức khoẻ, mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, môn Toán và Tiếng Việt có phần tự chọn cho học sinh có năng lực. Theo chương trình Bộ GD-ĐT đang soạn, các môn tự chọn thuộc kỹ năng đời sống, khả năng tư duy sẽ do trường bố trí lịch học.
Mục tiêu dạy môn tự chọn ở tiểu học, theo TS Hoan, nhằm hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực cá nhân, tạo hứng thú học tập cho học sinh; phát triển và bồi dưỡng tài năng (thay đổi cách bồi dưỡng học sinh giỏi kiểu gà chọi hiện nay). Học sinh được học theo sở thích, năng lực của mình, có thể chọn một môn, nhiều môn hoặc không môn nào. Sau môt thời gian nếu thấy không hợp có thể thay đổi. Học sinh nào thật sự có năng lực mới theo được chương trình chứ không thể học vẹt, học không suy nghĩ, sáng tạo.
Bộ GD-ĐT đang soạn thảo chương trình tự chọn tiểu học với chủ trương đa dạng hóa tài liệu và hình thức thực hiện. Trước tiên, sẽ ra chương trình định khung, đồng thời soạn tài liệu các môn tự chọn. Căn cứ vào đó, các địa phương có thể soạn tài liệu riêng hoặc mượn nơi khác. Các trường không bắt buộc phải dùng tài liệu này, có thể dạy tất cả, một số hoặc không dạy môn tự chọn nào, xác định hình thức dạy căn cứ điều kiện, khả năng. Nội dung này có thể được đưa ngay vào chính khóa, dạy ở buổi thứ hai với học sinh học 2 buổi/ngày hoặc sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức lớp riêng...
(Theo Tuổi Trẻ)