(VietNamNet)
- Sau hai ngày làm việc, 10 và 11/10, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã xét công nhận chức danh GS cho 62 tiến sĩ và chức danh PGS cho 388 tiến sĩ hiện đang giảng dạy tại các trường ĐH hoặc công tác tại các viện nghiên cứu. Đây là đợt công nhận chức danh GS, PGS lần thứ 6 của Việt Nam và là lần thứ hai thực hiện theo quy định mới.Đáng lưu ý trong lần công nhận chức danh này là tỷ lệ giảng viên ĐH tăng lên đáng kể. Trong số 62 GS, có 76,2% hiện đang làm việc trong khối các trường ĐH. Con số này đối với chức danh PGS là 71%. Theo GS Đỗ Trần Cát, Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, tỷ lệ GS và PGS công tác trong khối trường ĐH tăng khoảng 10% so với năm 2002.
Con số 388 PGS phân bổ cho 26 ngành và 21 ngành có thêm GS mới. Trong số này, nhiều nhất vẫn là ngành Kinh tế - Luật với 15 GS và 63 PGS. Tiếp đến là ngành y tế với 10 GS và 61 PGS. Ít nhất là ngành luyện kim với 1 GS và 1 PGS.
Như vậy, hiện nay cả nước có 1.094 GS và 4.951 PGS.
Việc xét công nhận chức danh GS, PGS ở Việt Nam tiến hành từ năm 1980 và có thêm ba đợt vào các năm 1985, 1991, 1996 với cách gọi "phong học hàm". Công việc này bắt đầu tiến hành thường niên từ năm 2002 bằng cách gọi "công nhận chức danh" với một số thay đổi trong thủ tục, quy trình và thời gian xét duyệt,v.v...
Trong tuần tới, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước sẽ có buổi làm việc với Ban chỉ đạo nghiên cứu cải cách tiền lương của Nhà nước để bàn thảo về một số chính sách, chế độ cho các GS, PGS. Được biết, sau hội thảo hội thảo lần đầu tiên về chính sách, chế độ cho các GS, PGS, Hội đồng đã có bản đề nghị gửi tới các cơ quan chức năng đề đạt một số chính sách cho chức danh này.
- Hạ Anh