Quy hoạch không gian ngầm - nhu cầu bức thiết
Trong những năm qua, đô thị Việt Nam phát triển nhanh cả về quy mô, số lượng và chất lượng, đang tạo ra áp lực về hạ tầng đô thị, nhà ở, văn phòng, giao thông đô thị và không gian công cộng. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp. HCM quỹ đất đã gần như cạn kiệt, các không gian xanh, không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp, đòi hỏi việc phát triển phải hướng tới khả năng tận dụng, phát triển song song cả chiều cao lẫn chiều sâu của đô thị.
GS.TS. Nguyễn Mạnh Kiểm, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng trong một bài phân tích cho rằng: "Để xây dựng một thành phố văn minh hiện đại, xây dựng đô thị cần quan tâm tới những vấn đề có liên quan đến cơ sở hạ tầng đô thị, để phát triển cải tạo cơ sở hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại hoá cần nghiên cứu giải quyết những vấn đề có liên quan đến không gian ngầm đô thị. Khai thác không gian ngầm sẽ tạo điều kiện phát triển xây dựng các công trình trên mặt đất và phát triển diện tích cây xanh đô thị, giảm ô nhiễm cho đô thị. Đây cũng là hướng phát triển tất yếu đối với mọi đô thị lớn theo hướng hiện đại hoá..."
Tp. HCM trong thời gian qua có rất nhiều các công trình lớn được khởi công như: tuyến metro số 2, bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám. Các công trình hạ ngầm các đường dây đi nổi trên các tuyến phố: Lê Thánh Tôn, Trần Hưng Đạo, Nam Kỳ Khởi Nghĩa,… cho thấy nhu cầu khai thác và sử dụng không gian ngầm là rất lớn. Thế nhưng cho đến nay, thành phố vẫn chưa có quy hoạch cụ thể về việc sử dụng không gian ngầm.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân đầu tiên là do thiếu quy hoạch không gian ngầm đô thị, làm cản trở công tác quản lý và đầu tư về lĩnh vực này. Thực tế này đã dẫn đến sự băn khoăn và nghi ngại trong việc phát triển không gian ngầm đô thị vì sợ đi trước khi có quy hoạch sẽ tạo ra những phức tạp về sau. Ngoài ra do còn thiếu một hành lang pháp lý với những quy chế, quy định, tiêu chuẩn cơ bản về công tác đầu tư xây dựng nên cũng ảnh hưởng đến việc thúc đẩy phát triển công trình ngầm đô thị.
Nỗ lực từng bước thực hiện ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật
Nguyễn Đình Hưng - Phó giám đốc Sở quy hoạch - Kiến trúc khẳng định: “Tầm quan trọng của việc quy hoạch không gian ngầm đã được cụ thể hóa bằng các chủ trương, quyết định của chính phủ như trong: Luật xây dựng, Nghị định 39 của Chính phủ về quy hoạch không gian ngầm đô thị,… Hiện Tp. HCM đang tiến hành lập đề cương xây dựng quy hoạch chung về không gian ngầm cho thành phố. Theo đó ba tiền đề làm cơ sở xây dựng không gian ngầm ở thành phố là việc quy hoạch 6 tuyến metro được thủ tướng phê duyệt; các tuyến đường ống nước trọng yếu cấp 1, 2 và đường dây điện cao thế, trung thế của thành phố. Đây là những tiền đề quan trọng làm cơ sở trong quá trình lập đề án.”
Về phía các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã có những hành động tích cực đã và đang nhanh chóng chỉnh sửa, hoàn thiện và bổ sung các khung văn bản pháp lý cũng như xây dựng quy hoạch không gian ngầm. “Nhưng không thể đợi đến khi có sẵn tất cả chúng ta mới tiến hành thực hiện các công việc ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật Nhiệm vụ trước mắt của thành phố là hạ ngầm những đường dây kỹ thuật như điện, điện thoại, viễn thông, ,… Mục tiêu là đảm bảo an toàn cho công trình, người dân mỹ quan đô thị. Nếu quy hoạch thực hiện xong thì đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc trong quá trình ngầm hóa” - ông Hưng nói.
Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa sau khi hạ ngầm |
Hà Nội đã thực hiện được gần 40 dự án, Tp. HCM cũng đã xây dựng lộ trình hạ ngầm chi tiết cho mình. Trong năm 2010 sẽ tiến hành ngầm hóa cáp điện, cáp viễn thông 15 tuyến đường. Từ năm 2011 - 2015, tất cả tuyến đường và các hẻm đã được xây dựng ổn định theo quy hoạch ở quận 1, quận 3 sẽ được ngầm hóa toàn bộ lưới điện trung, hạ thế và dây thông tin. Các quận, huyện khác sẽ thực hiện từ 3-5 công trình trọng điểm. Giai đoạn 2016 - 2020, Điện lực Tp. HCM sẽ cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế và dây thông tin ở các quận trung tâm và các quận lân cận. Còn giai đoạn 2021 - 2025, cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện, dây thông tin tại các quận, các trung tâm hành chính huyện, các khu đô thị mới, khu công nghiệp trên địa bàn TP. Riêng lưới điện truyền tải 110 kV, một số tuyến dây trong nội thị cũng sẽ được ngầm hóa kết hợp với việc xử lý các điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện.
Hà Nội thực hiện hạ ngầm chào đón đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Tp.HCM cũng nỗ lực ngầm hóa để thực hiện mục tiêu xây dựng “thành phố không dây” đã làm cho bộ mặt hai đô thị lớn trở nên đẹp hơn trong con mắt của người dân và du khách bốn phương. Chúng ta có quyền hy vọng với sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan chức năng, một tương lai không xa sẽ chỉ còn nhìn thấy về “rác trời”, “mạng nhện” trong những bức ảnh thuộc về quá khứ, của một thời đã xa.
- Thu Trang