Nếu không có biện pháp quản lý, sẽ nảy sinh hai loại blog nguy hiểm: Blog khai thác chuyện thầm kín của con người, trái thuần phong mỹ tục và blog sa đà vào quan điểm chính trị lệch lạc, có hại cho đất nước.
Theo Chánh Thanh tra Bộ VHTT Vũ Xuân Thành, Bộ VHTT đang hoàn tất quy định về quản lý nội dung blog (nhật ký điện tử). Sau khi hoàn chỉnh nội dung, cơ quan này sẽ phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Bưu chính - Viễn thông để ban hành thông tư liên tịch quản lý blog.
(Ảnh: Blog Việt)
Nếu được quản lý, blog sẽ có tác dụng
Ông Thành khẳng định blog là loại hình tốt, cần tạo điều kiện để phát triển và phát huy các mặt tích cực. Thực tế, nhiều blog có nội dung tốt, song cũng có không ít blog thiếu nghiêm túc, thậm chí độc hại. Ông Thành cho rằng nếu không có các biện pháp quản lý sẽ nảy sinh hai loại blog nguy hiểm: Blog khai thác chuyện thầm kín của con người, trái thuần phong mỹ tục và blog sa đà vào quan điểm chính trị lệch lạc, có hại cho đất nước. Theo ông Thành, trong Luật Báo chí sửa đổi sẽ được hoàn chỉnh tới đây, Bộ VHTT cũng đồng thời đưa nội dung quản lý blog vào.
Ông Thành cho biết hiện mới phát hiện nội dung blog làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, nhưng chưa xuất hiện khiếu kiện về việc này. Theo ông, blog là nhật ký điện tử, công khai trên Internet nên đã trở thành vấn đề xã hội, không còn là chuyện của riêng một người, điều này khác với nhật ký sổ tay thông thường. Do vậy, căn cứ theo Nghị định 55/CP (về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet), cơ quan chức năng có đủ quyền ngăn chặn và có chế tài xử lý hành vi phát tán nội dung, hình ảnh đi ngược thuần phòng mỹ tục và thông tin chống Đảng, chống Nhà nước thông qua blog. Về các biện pháp kỹ thuật, cơ quan quản lý văn hóa sẽ phối hợp với ngành công an và bưu chính - viễn thông để tìm cách giám sát, quản lý.
Cần tìm cách nâng đỡ, hướng thiện blogger
Theo TS Quang A, để các nội dung blog có tính tích cực thì cơ quan chức năng cũng như các tổ chức, đoàn thể cần tìm cách nâng đỡ, hỗ trợ để blogger hướng thiện và lành mạnh. TS Quang A cho rằng điểm khó hiện nay là các blog chủ yếu được xây dựng trên nền các website nước ngoài, chủ yếu là Yahoo! và Google, nên rất khó thực hiện các biện pháp quản lý kỹ thuật. Ở Trung Quốc và Malaysia cũng đã có quy định quản lý nội dung blog, tuy nhiên cho đến nay hiệu quả vẫn chưa cao.
Ông Cao Mạnh Tuấn, Công ty cổ phần mạng Ngôi Sao nêu ý kiến: sẽ rất khó nếu quy định pháp luật bắt buộc blogger phải khai tên thật, CMND, thẻ học sinh... “Việc này dẫn đến hàng loạt thủ tục hành chính, như blogger phải đợi một thời gian để kiểm tra thông tin rồi mới được cấp blog. Như vậy các weblog lậu sẽ có cơ hội phát triển vì thủ tục đơn giản, không phải chờ đợi”.
Theo ông Tuấn, vấn đề then chốt để quản lý nội dung blog là quản lý được các weblog chính thống, có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng. Từ đó, sẽ quản lý được nội dung của các blog và blogger phải tuân thủ. Khi blogger hoạt động tại weblog đó, mọi hoạt động phải thông qua sự kiểm duyệt của quản trị. Khi có gì sai phạm, chính weblog đó là người chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý chỉ cần chú ý đến các trang do cá nhân, nhóm nhỏ thành lập và tạo điều kiện cho các weblog chính thống phát triển. Điều này giúp cho cơ quan chức năng không phải lập ra bộ máy quản lý mà chỉ cần một nhóm giám sát như Cảnh sát 113 cho hệ thống blog là đủ.
(Theo NLĐ)