- Góp ý cho đề án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sáng nay (28/7), các nhà khoa học băn khoăn tầm nhìn phát triển Thủ đô do liên doanh Tư vấn quốc tế PPJ đưa ra.
Thủ đô cái gì cũng phải nhất?
Ông Đào Ngọc Nghiêm. Ảnh: XL |
Ý kiến của GS.TSKH Lâm Quang Cường cho rằng trung tâm hành chính nên đặt ở khu vực phía tây Hồ Tây được nhiều nhà khoa học đồng tình.
Theo GS.TS Vũ Hoan, trung tâm hành chính quốc gia vẫn phải lấy khu Ba Đình làm điểm tựa để phát triển rộng ra theo hướng có được sự hội tụ đủ điều kiện về địa chính trị, địa kinh tế và địa sinh học.
Góp ý cho đề án Quy hoạch chung, Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường thủ đô Bùi Tâm Trung băn khoăn có nên đặt vấn đề đã là một Thủ đô, cái gì cũng cần phát triển chiếm hàng đầu cả nước để xứng tầm hay không? Kinh nghiệm nhiều nước chọn cách bên cạnh thành phố thủ đô là thành phố đầu mối như Anh có London và Manchester, Trung Quốc có Bắc Kinh và Thượng Hải...
Quan điểm này cũng khiến kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm đặt câu hỏi với các đồng nghiệp về ý tưởng của nhà tư vấn PPJ khi xác định tầm nhìn đưa Hà Nội trở thành Thủ đô "bền vững hàng đầu thế giới".
Trong khi đó, các nhà khoa học đều không đồng tình việc đề án Quy hoạch chung do liên doanh PPJ trình chưa tính toán hết yếu tố tác động của biến đổi khí hậu mà Thủ đô có thể phải hứng chịu. Trận lụt lịch sử ở Hà Nội vừa qua là bài học nhãn tiền cho thấy không thể coi nhẹ vấn đề này.
Ông Nghiêm cũng không đồng tình với cơ sở dự báo thu nhập của người dân Hà Nội năm 2030 đạt từ 10.000 đến 20.000 USD cũng như dân số phát triển khoảng 15 triệu dân.
Cần thẩm định kỹ
Kể từ khi được lựa chọn thực hiện cho đến khi trình báo cáo xin ý kiến chuyên gia về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, liên doanh Tư vấn quốc tế PPJ chỉ có một năm để chuẩn bị.
TSKH Trương Quang Học cho rằng công tác chuẩn bị "quá vội vàng, chóng vánh" khiến Quy hoạch chung do liên doanh trình "có nhiều vấn đề gợn". Hà Nội đã có 6 lần điều chỉnh địa giới kể từ sau giải phóng (1954) đến nay.
Theo các nhà khoa học, trước hết phải đánh giá được hiện trạng quy hoạch Thủ đô hơn 50 năm qua, qua đó mới có cơ sở cụ thể xây dựng Quy hoạch chung cho một Hà Nội vừa được điều chỉnh địa giới, trở thành lớn bậc nhất trên thế giới.
Ông Học cho rằng tư vấn, kinh nghiệm của quốc tế luôn quý giá vì những tư duy tầm nhìn nhưng "cần phải cẩn trọng" vì họ dễ mắc vấn đề không thể hiểu rõ bản địa bằng chính người bản địa. Và, mọi quyết định đưa ra phải được "thẩm định kỹ lưỡng", nhất là với Hà Nội, với chiều dài lịch sử, văn hóa cả nghìn năm.
Như việc xây thêm một sân bay quốc tế thứ hai, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nói đây là "đặt hàng" của phía Việt Nam khiến chính nhà tư vấn cũng phân vân. Do là "đặt hàng" nên họ phải đưa ra phương án và theo tư vấn, sân bay này nên đặt ở Ứng Hòa, một vùng như ông Nghiêm nói là "chiêm trũng ngập lụt". Trong khi đó, Hội Quy hoạch lại cho rằng nên đặt sân bay ở Hải Dương.
GS Lâm Quang Cường thì cho rằng thành phố Hà Nội, vùng thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc cần phải có một cảng hàng không dân dụng quốc tế mới. Vị trí của sân bay phải thuận tiện cho thành phố Hải Phòng và các tỉnh đông dân cư ở phía Đông, Đông - Nam đồng bằng Bắc Bộ.
-
Xuân Linh