Những chỉ đạo kiên quyết của Tân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực trong thời gian gần đây đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước.
Tuy nhiên, để diệt tận gốc tệ nạn này, điều quan trọng hơn mà Thủ tướng cần làm là xoá bỏ chính cơ chế nảy sinh ra tham nhũng, tiêu cực chứ không chỉ đơn thuần là giải quyết từng vụ việc.
Những tín hiệu tốt đẹp đó khiến mọi người có quyền hy vọng một thời kỳ mới của công cuộc chống tham nhũng và “trong suốt hóa” bộ máy công quyền đang thực sự bắt đầu.
Thực ra, mọi người đều biết tân Thủ tướng cũng chỉ mới đụng tới phần nổi của những “núi băng” vốn đã từng bị công luận chỉ trích kịch liệt trong thời gian qua nhưng không hiểu sao cứ mãi “lùng bùng” không giải quyết được.
Nay, tân Thủ tướng đã làm được cái điều mà từ lâu nhân dân trông chờ ở người đứng đầu Chính phủ: hành xử một cách cương quyết để thực thi trách nhiệm và quyền hạn của mình được quy định trong Hiến pháp.
Ở các nước dân chủ phát triển, Chính phủ là cơ quan hành pháp, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và nhân dân việc điều hành đất nước. Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ phải gánh vác trọng trách đó.
Gánh trọng trách nên cũng được giao quyền lực tương xứng. Thủ tướng là người có quyền tổ chức nội các, có quyền lựa chọn các thành viên và đệ trình Quốc hội thông qua. Do đó, Thủ tướng cũng có quyền miễn nhiệm, cách chức các thành viên nội các nếu họ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Hiến pháp nước ta cũng trao cho Thủ tướng trách nhiệm và quyền hạn tương tự. Nhưng dường như trong nhiều nhiệm kỳ thủ tướng vừa qua hiếm khi thấy các vị sử dụng hết những quyền hạn của mình.
Tân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân trong quyết tâm và trong những hành động dứt khoát tấn công vào các “núi băng” tham nhũng. Nhưng nếu ông chỉ dừng lại ở việc tấn công vào các “núi băng” dù là cả phẩn nổi lẫn phần chìm thì cũng chỉ là làm một công việc không có hồi kết thúc.
Điều cốt lõi ở đây là muốn kết thúc những “núi băng” thì phải tấn công vào chính cơ chế gây “đóng băng” chứ không phải chỉ làm mỗi việc đi “phá băng” là đủ.
Ở một mức độ nào đó, chính những cơ chế gây “đóng băng” đã góp phần hạn chế việc thực thi quyền hạn của những người đứng đầu Chính phủ và khiến cho bộ máy công quyền trở nên trì trệ và kém hiệu quả.
Trên thực tế, việc Thủ tướng không thể đình chỉ hay cách chức một thành viên nội các đã khiến cho hiệu quả điều hành Chính phủ của Thủ tướng bị giảm sút.
Gần đây, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho hay “cơ quan điều tra thường gặp khó khăn khi xử lý các cán bộ do trung ương quản lý”.
Nhân dân cũng không còn lạ gì trước hiện tượng một số quan chức cao cấp có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng đã đối phó với Quốc hội và nhân dân bằng cách viện dẫn các quy định của Đảng về quản lý cán bộ và thậm chí sử dụng Đảng như là “bức bình phong” để che chắn pháp luật và công luận.
Quan niệm này vô tình tạo ra một tầng lớp quan chức có khả năng “miễn dịch cao” với pháp luật. Nếu xảy ra vấn đề, luật pháp sẽ rất khó khăn khi muốn “sờ gáy” họ. Đôi khi vì sự chậm trễ trong khâu xử lý của tổ chức Đảng đã khiến cho thời cơ phá án trôi qua và nhà chức trách đành phải bó tay để cho tội ác nhỡn nhơ giỡn mặt pháp luật. Điều này thật không phù hợp với tinh thần xây dựng một nhà nước pháp quyền trong sạch, vững mạnh như mong muốn của toàn dân.
Cơ chế thực ra cũng do chính con người dựng lên để nhằm phục vụ cho lợi ích của cộng đồng. Nếu cơ chế gây “đóng băng” và mang lại những điều bất lợi, không nhận được sự đồng thuận của cộng đồng thì cần thiết phải sửa đổi ngay cơ chế đó.
Trong một quốc gia dân chủ, không thể có một ai đó hay một lớp người nào đó nhận được sự “ưu ái” của pháp luật hơn những người khác. Đặc biệt là không ai, bất kỳ ai có thể đứng trên pháp luật. Một cán bộ do trung ương quản lý khi phạm pháp cũng sẽ bị truy tố cùng một thủ tục bình đẳng như mọi trường hợp khác. Nói cách khác, không có đặc quyền và “vùng cấm” trong việc thi hành pháp luật mà nhạy cảm nhất là trong lĩnh vực chống tham nhũng.
Để có thể vận hành tốt hệ thống và mau chóng tìm ra các cơ chế gây “đóng băng”, đặc biệt là trong guồng máy chống tham nhũng, Chính phủ cần quan tâm đúng mức tới vai trò phản biện của các tổ chức xã hội.
Cần phải nhanh chóng thể chế hóa, luật pháp hóa các chức năng này và tạo điều kiện cho mọi tổ chức, mọi thành phần cư dân trong xã hội đều có thể tham gia phản biện các chủ trương, chính sách liên quan tới vận mệnh quốc gia, dân tộc, cũng chính là số phận, tương lai của họ và con cháu muôn đời sau.
- Hữu Nguyên, TP.HCM
Ý kiến của bạn?