221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
807420
Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Công an 5 vụ án lớn
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Công an 5 vụ án lớn
,

(VietNamNet) - Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội chiều nay. Quốc hội hỏi Bộ CA tiến trình điều tra 5 vụ án lớn đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Soạn: AM 806657 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Lúc 14h30 chiều nay, Bộ trưởng Lê Hồng Anh đã đăng đàn trả lời chất vấn. Trước đó, ông Lê Hồng Anh đã nhận được 6 chất vấn về 3 vấn đề lớn: tội phạm buôn người, vụ trốn thuế tại công ty Phương Nam của Bộ Công an, và 5 vụ án trọng điểm.

Bộ trưởng Lê Hồng Anh là người đầu tiên trong số 13 thành viên Chính phủ trả lời phiên chất vấn của QH. Trước đó, ông Lê Hồng Anh đã  trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu QH về các vụ việc trọng điểm: Vụ PMU8, vụ Rusalka, vụ cảng Thị Vải, vụ dự án nâng cấp cảng Hải Phòng giai đoạn 2, vụ nâng khống giá mua sắm thiết bị tại 37 bưu điện (vụ Nguyễn Lâm Thái) và các vấn đề tội phạm buôn bán người, lừa đảo xuất khẩu lao động... bằng văn bản.

Trả lời trực tiếp trước QH, Bộ trưởng Lê Hồng Anh đã "đối diện" với 7 đại biểu với hàng loạt câu hỏi liên quan đến các vụ PMU18, vụ công ty Phương Nam (Tổng cục Hậu cần - Bộ Công an) trốn thuế 9,3 tỷ đồng (tại Hà Nội), vấn đề chủ động tấn công tội phạm của CQĐT, vấn đề tiêu cực trong nội bộ ngàn...

Bộ trưởng Lê Hồng Anh rất thật thà

Là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn chất vấn, Bộ trưởng Lê Hồng Anh đã gặp câu hỏi "khó" của đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn: "Luật Hình sự quy định cho phép luật sư tiếp xúc với bị can ngay từ giai đoạn điều tra. Nhưng tôi lại nhận được nhiều thư, ý kiến phản ánh của giới luật sư than phiền gặp khó khăn trong việc tiếp xúc này?".

Bộ trưởng Lê Hồng Anh trả lời: "Vấn đề này còn cần nhiều thông tư, hướng dẫn cụ thể. Mặc dù luật quy định như vậy, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều vướng mắc". Chính vì "còn nhiều vướng mắc", nên Bộ trưởng Lê Hồng Anh hỏi lại "Nhưng tôi chưa rõ đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn hỏi cụ thể trường hợp nào để trả lời?". Đồng thời, ông Anh "mong các đại biểu cho biết cụ thể vướng mắc trong những trường hợp nào để Bộ còn xử lý kịp thời".

Hội trường bắt đầu sôi động hơn khi đại biểu Nguyễn Xuân Hướng đề cập đến sự vụ "nóng" nhất hiện nay: Tình hình tội phạm có giảm hay không, hay tội phạm chưa xuất hiện? Trong vụ PMU18 phát hiện là do tình cờ sau khi bắt vụ đánh bạc tạo công viên Bách Thảo hay cơ quan công an đã có đã có quá trình theo dõi? Việc có thông tin cho hay cán bộ điều tra "dính" tiêu cực?

Bộ trưởng Anh trả lời: "Tình hình tội phạm theo tổng kết hằng năm, đối chiếu kết quả, thấy có giảm". Tuy nhiên, Bộ trưởng Anh cho hay, diễn biến tình hình tội phạm ngày càng phức tạp. Nhiều vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng xảy ra nhiều khi chỉ do các mâu thuẫn nhỏ trong các quan hệ xã hội, hay quan hệ gia đình... từ đó kết luận "có thể nhận thấy đạo đức gia đình đang suy giảm".

Về vụ PMU18, ông Anh cho rằng "nếu nói Cơ quan điều tra (CQĐT) chủ động hay tình cờ phát hiện là rất khó". Sau đó, Bộ trưởng Anh giải thích về 3 nguồn tin của cơ quan công an: Nguồn tố cáo của quần chúng nhân dân (nặc danh và có danh), nguồn trinh sát điều tra phát hiện, nguồn từ báo chí... 

Bộ trưởng Anh giải thích khá dài, nên đại biểu Dưỡng tiếp tục lên tiếng "Bộ trưởng trả lời thì dài nhưng tôi chưa thấy đi thẳng vào vấn đề. Tôi hỏi là nếu không phát hiện vụ đánh bạc thì có phát hiện ra vụ PMU18 hay không? Thứ 2 là báo chí đưa tin có cán bộ CQĐT tiêu cực, thì có hay không?"

Trước câu hỏi hơi "gắt" của đại biểu, Bộ trưởng Anh nhỏ nhẹ "xin lỗi đại biểu vì hội trường khó nghe, tôi không không nghe rõ". Trả lời lại, Bộ trưởng Anh cho hay bắt đầu từ vụ đánh bạc, từ đó phát hiện ra tiêu cực ở PMU18.

Còn việc cán bộ điều tra có "dính" tiêu cực, Bộ trưởng Anh "chia" ra 2 trường hợp: Công an 3 quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa "mượn" xe của PMU18, sau khi tiến hành kiểm điểm thấy việc "mượn" là có thực, nhưng không phải vì riêng tư, nên đã tiến hành kiểm điểm.

Ngoài ra có 1 số công an nhận tiền. "Cụ thể anh Toản có nhận nhận tiền (Ông Nguyễn Đình Toản, nguyên Phó trưởng Công an phường Ngã Tư Sở, nhận 9.000 USD và 50 triệu đồng-NV), có chứng cứ, nên chúng tôi đã khởi tố. Ngoài ra có anh Kim (ông Đỗ Huy Kim - NV) ở C15, có dư luận nhận tiền, đăng ký xe (chiếc Ford Mondeo BKS 29S-9235), đã tiến hành đình chỉ công tác để kiểm điểm, xử lý", ông Anh trả lời.

Riêng việc báo chí nêu về trường hợp thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, Bộ trưởng Anh cho hay "hiện đang cho kiểm tra, xác minh".

Nhận xét về những nội dung trả lời của Bộ trưởng Anh, đại biểu Dưỡng cho rằng "Bộ trưởng Anh nói vẫn chưa rõ câu hỏi của tôi, nhưng cũng được rồi".

Tiếp tục quan tâm đến vụ tiêu cực PMU18, đại biểu Hoàng Thiện Các hỏi cụ thể hơn: "Xin Bộ trưởng cho biết: Trong vụ PMU18, có bao nhiêu đơn vị, cá nhân mượn xe của PMU18? Thứ 2 là có dư luận cho rằng ông Cao Ngọc Oánh liên quan đến đường dây chạy án. Việc cũng đã lâu rồi, vậy đã xử lý đến đâu? Thứ 3, vụ đổ tàu Lăng Cô đã xử hôm 26/4 vừa rồi, thân nhân người bị hại rất thương 2 bị cáo. Bởi nguyên nhận đổ tàu có trách nhiệm của ngành đường sắt. Vậy Bộ CA có điều tra về việc này hay không? Điều tra có sai hay không? Nếu sai có điều tra lại hay không?

Bộ trưởng Anh tỏ ra bất ngờ: "Về chuyện mượn xe, tôi đã trả lời rất rõ trong văn bản. Bây giờ đọc lên thì chắc không đủ thời gian. Nếu đại biểu cho phép tôi sẽ sao lại văn bản chuyển cho đại biểu. Còn việc đồng chí Cao Ngọc Oánh thì tôi đã nói rồi: Hiện đang cho kiểm tra. Nếu nói rõ nữa thì tôi lại vi phạm. Bộ CA đã từng xử cả cấp Trung tướng, nên nếu phát hiện có tiêu cực sẽ xử lý ngay. 

Còn vụ Lăng Cô thì Viện đã phê, toà đã xử rồi. Bộ Công an cũng không thấy có ý kiến gì thêm".

Chủ tịch Nguyễn Văn An bình luận: "Bộ trưởng trả lời rất thật thà. Cũng có thể hơi dài. Nhưng có những việc đang trong quá trình điều tra nên đề nghị đại biểu không nên đi sâu quá". 

Bộ Công an "có quyền nhưng phải theo luật"

Đến lượt đại biểu Trần Ngọc Đường thắc mắc về việc xử lý cán bộ trong vụ tiêu cực dầu khí: trong báo cáo của Bộ CA thể hiện có nhiều cán bộ dù có hành vi phạm tội nhưng xem xét có công nên đề nghị xử lý theo chiều hướng giảm nhẹ?

Bộ trưởng Lê Hồng Anh giải thích: Luật quy định như vậy, nhưng có nhiều hướng dẫn, quy định, nghị định thể hiện những nội dung "vướng mắc" khác. 

Cụ thể trong vụ này, CQĐT đề nghị không khởi tố, truy tố một số cán bộ vì  "đó là quyền của CQĐT". Căn cứ để CQĐT nêu đề nghị này do trong quá trình điều tra đã nhận được sự hợp tác của các người này, cộng với tuổi cao, sức yếu, có công...

Bộ trưởng Anh cho rằng "quyền đề nghị" là của CQĐT, còn "quyền quyết định" là của VKS, Toà án. "Đến nay vẫn chưa thấy các cơ quan này có ý kiến ngược lại". 

Ông Anh cũng cho rằng ở đây có thêm 1 cái "vướng": "Để nêu đề nghị xử lý còn có các quy định liên quan khác". Chẳng hạn muốn khởi tố, truy tố cán bộ cấp nào thì phải báo cáo với cấp quản lý cán bộ đó. 

Có vẻ thấy Bộ trưởng Lê Hồng Anh trả lời "thật thà" quá, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An tiếp tục góp ý: "Tôi có ngần ngại, vì trong quá trình Bộ trưởng trả lời, hội trường có tiếng ồn. Tôi muốn góp ý với Bộ trưởng Lê Hồng Anh rằng: CQĐT có quyền, nhưng quyền là phải theo pháp luật. Cái tuổi cao, sức yếu, có đóng góp... là yếu tố xem xét giảm nhẹ".

Đặc biệt, trong khi trả lời đại biểu Nguyễn Minh Thuyết về vụ ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) để quên cặp tiền ở sân bay Nội Bài năm 2003, Bộ trưởng Anh dẫn chứng cụ thể hơn cái "vướng" về "quyền" của CQĐT: VPCP đã có công văn, kèm các văn bản kết luận của Uỷ ban kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ)... 

"Tại sao cơ quan Công an không vào cuộc?", Bộ trưởng Lê Hồng Anh đặt câu hỏi để lý giải. Ông Anh cho rằng việc an ninh sân bay đã lập biên bản, trả lại tài sản đúng người. Nhưng bộ phận an ninh này không thuộc Bộ công an. 

Đồng thời, Bộ trưởng Anh cho hay: Quyền xử lý việc này thuộc cơ quan quản lý ông Lâm là VPCP. UBKTTƯ cũng đã có kết luận. "Nhưng từ đó đến nay chưa có văn bản, yêu cầu, đề nghị nào của các cơ quan trên đề nghị CQĐT tiến hành điều tra, nên CQĐT không thể nhảy vào được".

Nội dung câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết "xoáy" vào việc Bộ trưởng Lê Hồng Anh trả lời đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn về vụ ông Nguyễn Văn Lâm để quên chiếc cặp tiền rằng "Bộ CA chỉ xem xét khi có đề nghị của cơ quan quản lý đồng chí Lâm kiểm tra, kết luận có dấu hiệu tham nhũng".

Từ đó ông Thuyết đặt vấn đề về tinh thần "mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật" và tinh thần "chủ động đấu tranh phòng chống tội phạm".

Chủ tịch Nguyễn Văn An "phải" tiếp tục góp ý thêm: "Khi Bộ trưởng trả lời chất vấn, mong Bộ trưởng không đưa Đảng ra trước QH. Trước QH thì chúng ta chỉ nói chuyện luật. Tinh thần của Đảng thể hiện trong Luật. Còn trường hợp đ/c Nguyễn Văn Lâm thì đ/c Anh trả lời bằng văn bản các đại biểu là đúng, bởi đến nay chưa có ý kiến của các quan quản lý hành chính đồng chí Lâm đề nghị xử lý về việc này".

ĐB Thuyết đồng tình với nhận định này: "Vấn đề chính QH quan tâm là vấn đề thi hành luật. Công an cần chủ động trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm".

Có hay không chuyện "dưới xử nặng, trên nương nhẹ"?

ĐB Lê Văn Cuông đặt câu hỏi chất vấn về việc xử lý cán bộ đứng đầu vụ dầu khí đã tiến hành như thế nào? Tại sao các cán bộ đứng đầu ngành này lại được giảm nhẹ hình thức xử lý. 

Sau đó, ông so sánh về vụ 3 công nhân ở Bình Dương ăn cắp loa, đã được công ty bãi nại, nhưng vẫn bị công an Bình Dương áp dụng các biện pháp tố tụng vì "giá trị tài sản vượt quá 500 ngàn đồng". Từ đó, đại biểu Cuông đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ Công an "Có phải trên xử nhẹ, dưới xử nặng hay không?".

Bộ trưởng Lê Hồng Anh có vẻ khá bất ngờ trước câu hỏi quá cụ thể này: Việc xử lý vụ dầu khí đến nay thì tôi chưa nắm được cụ thể. Còn vụ ở Bình Dương, Bộ trưởng Anh xin "khất" lại để kiểm tra, trả lời bằng văn bản sau.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng tiếp tục lên tiếng về tình trạng mãi lộ: "Nhân dân không hài lòng với cảnh CSGT nhận mãi lộ. VTV còn quay được cả hình trực tiếp. Bộ trưởng sẽ xử lý vẫn đề này như thế nào? Và nếu CSGT nhận mãi lộ bao nhiêu tiền thì Bộ trưởng sẽ đuổi ra khỏi ngành?"

Bộ trưởng Anh thừa nhận tình trạng nhũng nhiễu, mãi lộ của CSGT đã trở thành bệnh "trầm kha". 

Bộ công an đã có rất nhiều biện pháp: tăng cường giáo dục, quy trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức các đội thanh tra đặc biệt, xử lý nghiêm người vi phạm, quy định CQGT đi làm không được bỏ trong túi tiền quá 50 ngàn đồng... "nhưng tình hình này thưa quốc hội thực sự là chưa hết, nhưng dần dần chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục hết".

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2006, Bộ Công an đã xử lý 300 trường hợp CSGT liên quan đến mãi lộ. Trong số đó, có 40 trường hợp đã bị tước danh hiệu CAND.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết còn chất vấn Bộ trưởng Lê Hồng Anh vụ công ty Phương Nam nghi vấn trốn thuế 9,3 tỷ đồng: "Bộ trưởng có trả lời là đây chỉ là tranh chấp dân sự. Từ năm 2003 đến giờ, công ty đã gia nhập vào một công ty khác. Tranh chấp với một công ty Nhà nước sao lại gọi là tranh chấp dân sự? Căn cứ vào văn bản nào? Người soạn ra văn bản đó có vi phạm pháp luật hay không? 

Bộ trưởng Anh giải thích rằng trong vụ cty Phương Nam thì đúng là không có vấn đề vi phạm pháp luật. Nhưng Bộ vẫn yêu cầu kiểm tra, đã xử lý.

"Vụ công ty Phương Nam trốn thuế tôi đồng tình với lại đại biểu Thuyết. khi xem kỹ lại thì thấy mấy chữ này cũng không đúng. Tranh chấp về các bên đó là các cơ quan phải nộp thuế, phải yêu cầu có thẩm định, xem xét chứ không phải như thông báo... Dùng từ ngữ như thế là không đúng", ông Anh thừa nhận.

Chủ tịch Nguyễn Văn An "xin nói thêm" về vụ công ty Phương Nam: Nếu không tán thành quyết định hành chính của cơ quan thuế HN, có quyền khiếu nại hành chính lên cơ quan cấp trên. Nếu không thoả mãn, có quyền kiện ra toà."Luật chúng ta quy định cụ thể như vậy rồi".

Vì vậy, ông An đề nghị các đại biểu chất vấn tại hội trường không quá đi sâu vào các vụ án cụ thể. Đồng thời, cũng không nên "nghe dư luận xã hội rồi đưa vào hội trường Quốc hội. Còn những vụ việc cụ thể, nếu đại biểu không đồng ý, hoặc có ý kiến thêm, nên chất vấn bằng văn bản"

Bộ trưởng Lê Hồng Anh hoàn thành phiên trả lời chất vấn của mình chiều nay (14/6) trong 1 tiếng đồng hồ, trả lời câu hỏi của 7 đại biểu, trước khi "nhường" diễn đàn lại cho Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình tới lượt trả lời chất vấn.

  • Trường Giang

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,