(VietNamNet) - "Trong điều kiện mới, với những bước tiến bộ của xã hội, phải chăng Nhà nước ta cần đề ra những Quốc lệnh mới?", ý kiến của PGS, TS Lê Doãn Tá.
Cách mạng tư sản ở phương Tây mang lại nền văn minh pháp lý, thúc đẩy sự phát triển của các nước đó; song bọn thực dân lại cai trị các dân tộc thuộc địa bằng chế độ pháp luật hà khắc, phi hiến, phi pháp. Chính vì vậy, năm 1919, khi có thời cơ, Hồ Chí Minh (lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) đã gửi yêu sách của nhân dân Việt Nam đến Hội nghị Véc xây, đòi được ghi trong pháp luật ở các nước thuộc địa quyền của người dân, yêu cầu “thần linh pháp quyền”, dù là pháp quyền tư sản được thực hiện ở Đông Dương.
Quốc hội khoá VIII - Quốc hội đầu tiên của thời kỳ đổi mới được bầu cử ngày 29/4/1987 với 496 đại biểu. Trong ảnh là các đại biểu nhất trí thông qua nghị quyết của Quốc hội. Ảnh tư liệu TTXVN. |
Song muốn kế thừa và phát triển được nền văn minh pháp lý mà nhân loại đã sáng tạo ra ấy, nền văn minh pháp lý mà chính Hồ Chí Minh đã từng tiếp xúc với “bản gốc” ở các nước Mỹ, Anh, Pháp… nhân dân ta phải làm cuộc cách mạng để xoá bỏ chế độ thực dân, xoá bỏ chế độ phong kiến. Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã thực hiện được điều đó.
Văn minh pháp lý mà nhân loại trải nghiệm bác bỏ tư tưởng bảo hộ, khai hoá bằng cái pháp lý và pháp luật của bọn thực dân. Chính vì vậy, ngay trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đã nhắc lại lời bất hủ trong Bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Người cũng nhấn mạnh một nguyên tắc ghi trong bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Ngay sau khi giành được độc lập, chúng ta lại phải cấp bách chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Khó khăn chồng chất, vận mệnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng Hồ Chí Minh chủ trương Tổng tuyển cử sớm để thiết lập được bộ máy Nhà nước do toàn thể nhân dân lựa chọn và soạn thảo ra Hiến pháp của chế độ mới. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được toàn dân hưởng ứng và bầu ra Quốc hội khoá I. Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá I đã thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vào ngày 9/11/1946.
Hiến pháp mới khẳng định nhân dân là người chủ của chế độ. Nước Việt Nam là nước Dân chủ Cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân, không phân biệt nòi giống, trai, gái, giai cấp, tôn giáo. Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung - Nam - Bắc không thể phân chia.
Hiến pháp do nhân dân ta xây dựng lên là nền tảng của Nhà nước dân chủ, Nhà nước pháp quyền kiểu mới, dân tộc, dân chủ, nhân dân. Đó là thành quả của những hy sinh to lớn mà dân tộc ta đã phải trả giá trong cuộc đấu tranh chống chế độ thực dân và xoá bỏ chế độ phong kiến.
Hiến pháp mới nêu rõ nguyên tắc:
“- Đoàn kết toàn dân, không phân biệt nòi giống trai, gái, giai cấp, tôn giáo.
- Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.
- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.
Với tinh thần đoàn kết phấn đấu sẵn có của toàn dân, dưới một chính thể rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc cùng nhập với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại”.
Đây là bản Hiến pháp được kế thừa nền văn minh pháp lý của nhân loại, do nhân dân ta sáng tạo nên. Bọn thực dân đế quốc không thể “khai hoá” bằng hiến pháp và pháp lý của họ cho các dân tộc khác. Việc bảo đảm tự do dân chủ, hạnh phúc của nhân dân phải do chính nhân dân nước đó xây dựng lên. Thực hiện chế độ dân chủ trước hết là quyền tự quyết định lấy số phận của mình, quyền bình đẳng dân tộc.
Thực hiện quyền dân chủ trong việc lựa chọn con đường phát triển của đất nước thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, hội nhập với thế giới và chung sức thực hiện nền hoà bình của toàn thế giới. Quyền của mỗi con người, hay nói một cách khác nhân quyền của mỗi cá nhân, và nhân quyền của toàn dân tộc được xác lập. Cuộc bầu cử Quốc hội lần đầu tiên của nhân dân ta, vì vậy, chính là ngày hội của mỗi cá nhân, của cả dân tộc, vì nhân quyền của cả dân tộc. Quyền con người đầu tiên và cơ bản nhất là quyền được sống trong một đất nước có chủ quyền, tự do và độc lập.
Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đang trên đường phát triển vẻ vang đó thì hoạ xâm lăng lại đến. Hai cuộc kháng chiến chống xâm lược lại phải tiến hành để giành lại nền độc lập và thống nhất quốc gia đã thực hiện từ năm 1945. Trong cuộc kháng chiến và kiến quốc ấy, các giai đoạn về sau đã có các kỳ bầu cử Quốc hội và các bản Hiến pháp mới năm 1959 và 1992… Các bản Hiến pháp đã có những điểm sửa đổi, phát triển, nhưng tinh thần cơ bản của Hiến pháp Hồ Chí Minh 1946 vẫn được giữ nguyên giá trị.
Một là, chế độ ta là chế độ dân chủ, nhân dân làm chủ. Mọi quyền bính thuộc quyền nhân dân. Nhân dân quyết định bộ máy quản lý và phục vụ xã hội. Bác bỏ chế độ bảo hộ mà bọn thực dân áp đặt. Xoá bỏ các tàn tích phong kiến lạc hậu.
Hai là, nhân dân ta xây dựng lên một nhà nước pháp quyền mới của nhân dân, do nhân dân, phục vụ nhân dân. Bộ máy nhà nước phải là công bộc của dân. Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Nguyên tắc chính trị trong chế độ dân chủ là Nhà nước làm đúng quyền hạn, nghĩa vụ của mình, chống lạm dụng, lộng hành, trái với pháp luật. Thực hiện một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân trên nền tảng dân chủ.
Ba là, sự phục vụ của Nhà nước qua bộ máy gồm những công chức. Những công chức phải thực hiện những chính sách vì “dân sinh, dân quyền, dân tộc” của Nhà nước. Ngay từ những năm đầu của cách mạng, Hồ Chí Minh đã kêu gọi và kiên quyết chống ba thứ giặc “nội xâm” là tham nhũng, lãng phí và quan liêu. Đề cao đạo đức công vụ. Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ, Nhà nước pháp quyền; Nhà nước kiểu mới không tuyệt đối hoá pháp trị, song cũng không thần thánh hoá đức trị. Khen thưởng và xử phạt nghiêm minh.
Chỉ cần nhớ Quốc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành ngày 26/1/1946 là đủ rõ. Quốc lệnh này đã nêu ra 10 điều thưởng: “nhà nào có 3 con tòng quân sẽ được thưởng; ai lập được quân công sẽ được thưởng; ai vì nước hy sinh sẽ được thưởng, ai ra trận can đảm phi thường sẽ được thưởng; ai làm việc công một cách trong sạch, ngay thẳng sẽ được thưởng; ai làm việc gì có lợi cho nước nhà, dân tộc và được dân chúng mến phục sẽ được thưởng; ai bỏ tiền ra xây đắp cầu cống, đò đường sẽ được thưởng; ai bắt được những kẻ phản quốc sẽ được thưởng; ai liều mình về việc công sẽ được thưởng; ai cứu được người bị nạn sẽ được thưởng. Và 10 điểm phạt là: thông với giặc, phản quốc sẽ bị xử tử; trái quân lệnh sẽ bị xử tử; ra trận tự ý rút lui sẽ bị xử tử; tự ý phá hoại giao thông sẽ bị xử tử; phá hoại quân khí sẽ bị xử tử; để cho bộ đội hại dân sẽ bị xử tử; vô cớ sát hại kiều dân ngoại quốc sẽ bị xử tử; trộm cắp của công sẽ bị xử tử; hãm hiếp, cướp bóc sẽ bị xử tử; can tội bắt cóc, ám sát sẽ bị xử tử”([1]).
Trong điều kiện mới, với những bước tiến bộ của xã hội, phải chăng Nhà nước ta cần đề ra những Quốc lệnh mới, cụ thể hoá để khen thưởng những người có công và nghiêm trị những kẻ có tội, nhất là phạm vào quốc nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, trừ bỏ những sâu mọt đang đục khoét chế độ. Đó cũng là cách tốt nhất để tôn vinh cuộc bầu cử Quốc hội khoá I vì nhân quyền của con người và của cả dân tộc Việt Nam, bảo vệ chế độ, bảo vệ những thành quả mà chính nhân dân ta xây dựng lên.
-
PGS - TS Lê Doãn Tá
[1] - Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. CTQG, H.1995, tr.163.