(VietNamNet) - Theo quy luật của dòng nước, nếu nước đầu nguồn trong thì hạ nguồn mới trong. Chống tham nhũng cũng cần một thượng nguồn trong sạch - là sự trong sạch của những người lãnh đạo.
Tổng cộng có tới 54,9% doanh nghiệp tặng quà vào ngày lễ Tết cho các "quan sếp". "Quan" thì bảo "doanh nghiệp làm hư cán bộ", còn doanh nghiệp lại không dám... không có quà! Cùng với bất cập của cơ chế, nếu cá nhân còn mềm lòng, Chính phủ chưa cứng rắn thì tham nhũng chắn chắn có nhiều cơ hội sống và thịnh vượng.
Lên án rất gay gắt về tham nhũng, song không phải người dân nào cũng hiểu được thế nào là hành vi tham nhũng. Ảnh: TTO |
Một cán bộ thuộc Bộ Xây dựng đã trả lời Đoàn điều tra tham nhũng - do Ban Nội chính Trung ương chủ trì: "Đưa quà/tiền khi giải quyết công việc đang trở thành thói quen đối với người dân Việt Nam. Thậm chí, khi những người có trách nhiệm giải quyết công việc không gây khó khăn gì, nhưng nhiều người vẫn đưa quà hoặc tiền. Xưa quan niệm “miếng trầu là đầu câu chuyện”, còn bây giờ, người ta coi "phong bì" như... miếng trầu"...
Từng là người phát động chiến dịch "không nhận quà của cấp dưới", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng: "Do cấp dưới rất sợ không đến trình diện Thủ trưởng thì sau lên lương cũng khó, cất nhắc cũng khó, đề bạt cũng khó, kết nạp Đảng cũng khó! Vì tâm lý đó mà phải đi biếu xén chứ có khi không phải Thủ trưởng muốn như vậy! Rồi anh này lại nhìn anh kia, mình định không đến, làm đúng tinh thần Đảng, Nhà nước chỉ đạo lâu nay, nhưng mà thấy ông kia đến, mình không đến thì sợ ông Thủ trưởng, nhất là sợ... bà Thủ trưởng nhớ không đến".
Không chỉ "khó" cho cấp dưới, nếu cán bộ lãnh đạo thử nói "không" thì sao?
"Tôi sẽ bị mất bạn bè. Sẽ rất thua thiệt vì khi đi đến cơ quan bị đồng nghiệp nhìn với con mắt dò xét. Các cán bộ trong cơ quan thì quá nghèo...", một cán bộ công chức tỉnh Hải Dương trả lời như vậy khi được hỏi: Khước từ, từ chối nhận quà/đi ăn uống chiêu đãi, anh có cảm thấy mình bị thiệt thòi không? Mọi người có nghĩ khác về mình không?
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng một lần chua xót thừa nhận thực trạng của ngành mình từ bài học phân bổ quota: "Doanh nghiệp khi ra Bộ xem vì nóng ruột cũng có, mà để đưa phong bì cũng có... Cứ ra là thế nào cũng phong bì, phong bao".
Nói về cái vòng đưa - nhận luẩn quẩn vô lý này, GS. TS. Phạm Thị Trân Châu, thành viên UB MTTQ VN cho rằng: "Hối lộ và nhận hối lộ bao giờ cũng xấu cả. Bây giờ xã hội nảy sinh lề thói làm gì cũng phải đưa tiền. Tôi cho rằng, bản thân những người đưa tiền, trong nhiều trường hợp cũng cảm thấy rất ngượng ngùng nhưng vì đó là lề thói thì biết làm thế nào? Vì vậy, việc sửa đổi thói quen này phải được tiến hành đồng bộ từ cả hai phía: cấp trên và cấp dưới, lãnh đạo và nhân viên".
Từ bài học "đánh hổ lớn"...
Coi chống tham nhũng là vấn đề sinh tử của đất nước, Trung Quốc là một trong những quốc gia mạnh tay nhất đối với tệ tham nhũng. Nguyên Thủ tướng Chu Dung Cơ khi mới lên nhậm chức từng phát biểu: "Nếu có 100 viên đạn, tôi sẽ dành 99 viên cho tội phạm tham nhũng. Viên còn lại danh riêng cho tôi nếu cuộc chiến tham nhũng bị thất bại".
Giống như Việt Nam, tại Trung Quốc, hiện tượng phong bì, phong bao "bồi dưỡng" cán bộ, thầy cô giáo, bác sĩ bệnh viện... cũng diễn ra ngang nhiên và rộng rãi. Không chỉ chú trọng những vụ tham nhũng lớn mà đối tượng tham gia là các quan chức cấp cao, Trung Quốc cho rằng, những biểu hiện nhũng nhiễu này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi nhân dân.
Thẳng tay với những vụ việc tham nhũng lớn để làm gương cho các cán bộ công chức khác, Trung Quốc trị tham nhũng theo phương châm: "Đánh hổ lớn để đe ruồi nhặng".
Đánh tham nhũng từ "phần ngọn", tư tưởng chỉ đạo của Trung Quốc là: "Đảng không được mềm lòng khi xử lý đảng viên tham nhũng".
Nghiêm khắc với các quan chức phạm tội trong các vụ tham nhũng lớn, Trung Quốc còn củng cố lòng tin của nhân dân bằng cách xử lý không khoan nhượng hiện tượng nhũng nhiễu, tham nhũng nhỏ lẻ.
Chỉ trong 2 năm qua, nước này đã truy tố và trừng phạt gần 50.000 quan chức có hành vi tham nhũng và nhũng nhiễu. Từ tháng 1 - 6/2005, có đến 10.319 quan chức đã nộp lại quà biếu như tiền mặt hoặc hiện vật. 359 người đã chịu kỷ luật vì bị phát giác không nộp lại các khoản biếu xén đã nhận.
Còn ở Singapore, chính phủ đã đặt tại mỗi trụ sở cơ quan hành chính một hòm thư công. Mỗi người dân đến làm việc tại đó sẽ điền vào một tờ phiếu nhận xét thái độ phục vụ của các cán bộ, công chức bỏ vào hòm. Thậm chí, nước này còn ra quy định: "Nếu người dân đến cơ quan hành chính sau 30 phút mà không gặp người có trách nhiệm tiếp dân thì có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan đó trực tiếp giải quyết công việc cho mình".
"Không cho tham nhũng có đất để phát triển", đó là thành công mà chính phủ Singapore đã làm được.
... Đến nguyên tắc "nhà kính"
Người Hàn Quốc cho rằng, kẻ thù lớn nhất của tham nhũng là sự trong sạch và minh bạch. "Nếu chúng ta ngồi trong nhà kính, ai đi qua cũng có thể nhìn thấy những việc làm của chúng ta. Đó chính là sự minh bạch trong hành động". Vị Tổng thư ký Uỷ ban chống tham nhũng của Hàn Quốc cho biết.
Hầu hết cơ quan nhà nước chưa áp dụng thanh toán qua tài khoản. |
Vì thế, để làm trong sạch chính phủ, các quan chức cao cấp của nước này phải đăng ký và công bố tài sản cá nhân, bắt buộc ghi tên thật trong bất cứ giao dịch tài chính lớn nhỏ...
"Nước sạch đầu nguồn", theo đó, Hàn Quốc coi trọng chống tham nhũng phải từ trên xuống dưới. Những người lãnh đạo đất nước phải thật trong sạch, gương mẫu; cơ quan nhà nước phải hoạt động theo nguyên tắc công khai, minh bạch.
Tại Trung Quốc, mỗi năm 2 lần công chức phải kê khai tài sản. Những trường hợp cán bộ không chứng minh được nguồn gốc tài sản của mình trong ngân hàng, doanh nghiệp... thì bị coi là tham nhũng (bị kết án 5 năm tù và tịch thu phần tài sản vượt quá mức thu nhập).
Còn ở Việt Nam, quy định bắt buộc kê khai tài sản mới áp dụng cho các đại biểu dân cử, nhưng vẫn còn khá hình thức. 1/6, khi Luật Phòng chống tham nhũng có hiệu lực, quy định này sẽ được áp dụng mở rộng và chặt chẽ hơn, nhưng theo các chuyên gia, việc thực hiện sẽ gặp cản trở khá lớn bởi hầu hết cơ quan nhà nước hiện chưa áp dụng trả lương, thanh toán qua tài khoản.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không thông qua hệ thống tài khoản, việc kiểm soát các dòng tiền đến và đi của cán bộ công chức gần như không khả thi, chưa kể hiện nay, nhiều cán bộ thường có "thói quen" không đứng tên mình khi mua tài sản có giá trị lớn.
Bao giờ VN nói "bốn không" với tham nhũng?
Ông Lê Văn Lân: Sẽ là lý tưởng cho một chính phủ nếu đảm bảo thực hiện được "bốn không" với tham nhũng. |
Ông Lê Văn Lân, Phó Giám đốc điều hành Ban quản lý dự án tham nhũng của Ban Nội chính Trung ương cho biết: "Sẽ là lý tưởng cho một chính phủ nếu đảm bảo thực hiện được "bốn không" với tham nhũng".
Theo ông Lân, đó là: Không cần tham nhũng - đảm bảo điều kiện vật chất cho cán bộ công chức. Không nên tham nhũng - giáo dục, nâng cao đạo đức để cán bộ, công chức vững vàng trước mọi cám dỗ. Không dám tham nhũng - xử lý nghiêm minh những trường hợp, vụ việc tiêu cực, tham nhũng để làm gương cho cán bộ. Không thể tham nhũng - xây dựng một hệ thống pháp luật chống tham nhũng bài bản, đảm bảo cơ chế vận hành chặt chẽ đối với các cơ quan hành chính.
Được biết, Singapore trả lương cho công chức cao hơn khu vực tư nhân để công chức có sự lựa chọn sáng suốt giữa tham nhũng và sự liêm khiết. Lương cho cán bộ là sinh viên mới ra trường tương đương với 20 triệu VND/tháng, lương của Bộ trưởng tương đương với 10 tỷ VND/năm!
Có ý kiến cho rằng, cơ chế tiền lương hiện tại của Việt Nam sẽ khó đảm bảo cho công chức đủ trang trải cuộc sống. Mặc dù vậy, theo số liệu từ Ban Nội chính Trung ương, hiện nay, không kể tiền lương, chí phí hành chính bình quân cho mỗi cán bộ, công chức khoảng 14 triệu đồng/năm.
Do vậy, hoàn toàn có thể nâng cao hơn nữa mặt bằng lương cho cán bộ, trong điều kiện các cơ quan nhà nước thực hiện tiết kiệm chi phí hành chính, đưa các khoản chi phí ngoài lương (xe, nhà, điện thoại) vào chế độ tiền lương.
Luật phòng chống tham nhũng đã được ban hành và có hiệu lực kể từ tháng 6/2006. Cùng thời điểm này, Uỷ ban chống tham nhũng sẽ đi vào hoạt động, người đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu trước Quốc hội sau khi hoàn tất việc thông qua Luật này, Chủ tịch Nguyễn Văn An đặt sự tin tưởng vào vai trò Tổng tư lệnh của Thủ tướng: "Thủ tướng Chính phủ sẽ là người chỉ huy cao nhất trong chiến dịch chống tham nhũng, còn Quốc hội sẽ thực hiện quyền giám sát tối cao của mình trong cuộc chiến này".
Tháng 10 năm trước, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đánh giá Việt Nam là một trong số quốc gia "có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng" và xếp hạng 107/159. Sau hành trình dài với nhiều nỗ lực nhưng chưa thực sự hiệu quả, đã đến chúng ta lúc cần có biểu hiện mạnh mẽ để thay đổi cách đánh giá của cộng đồng về nền hành chính nước nhà.
-
L.Anh
Bài 1: Đến "cửa quan": Tự giác chi tiền!
1/3 cán bộ nhà nước muốn nhận hối lộ?
Ý kiến của quý vị: