(VietNamNet) - ''Việc lập trang tin điện tử (website) chỉ cần đăng ký, không phải xin phép''. Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá cho biết như vậy khi trình bày về dự thảo Luật công nghệ thông tin (CNTT) trước UBTVQH chiều 23/8.
Luật CNTT ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng và phát triển CNTT. |
Theo ông, việc thiết lập trang tin điện tử nhằm hoạt động báo chí phải tuân thủ quy định của luật báo chí, để hoạt động kinh doanh phải tuân thủ pháp luật về doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến đồng tình lập trang web chỉ cần đăng ký. Tuy nhiên, Phó Viện trưởng VKSNDTC Dương Thanh Biểu băn khoăn: ''Với trang web thông tin giá cả có cần phải đăng ký không?''. Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Hồ Đức Việt nhận xét, quy định này chưa sát thực tiễn, khó thực hiện.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh cũng tỏ ý lo ngại về việc quản lý, kiểm soát nội dung trên các trang thông tin điện tử hiện nay.
Một vấn đề khác cũng được thảo luận sôi nổi là phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Theo Bộ trưởng Đỗ Trung Tá, dự luật tập trung vào các hoạt động ứng dụng CNTT và công nghiệp CNTT. Trong ứng dụng CNTT, luật quy định cụ thể về hoạt động ''Chính phủ điện tử'' và ''thương mại điện tử''.
''Theo tôi, luật phải đề cập 4 vấn đề lớn. Đó là phát triển hạ tầng CNTT, công nghiệp CNTT, phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng CNTT'', Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên góp ý. Ông nói thêm: ''Lẽ ra luật này phải ra trước Luật giao dịch điện tử, vì giao dịch điện tử cũng trên nền cái này''.
(Luật CNTT dự kiến trình ra Quốc hội lần đầu vào cuối năm, trong khi Luật giao dịch điện tử sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp này).
Có ý kiến đề nghị lấy tên luật là Luật CNTT và truyền thông vì có nhiều quy định ''bản chất truyền thông'' như cơ sở hạ tầng thông tin, trang tin điện tử, cung cấp công cụ tìm kiếm thông tin... Bộ trưởng Đỗ Trung Tá cho rằng, điều chỉnh cả CNTT và truyền thông sẽ quá rộng, sau này nên có luật riêng cho truyền thông.
-
Văn Tiến