(VietNamNet) - Sửa đổi luật thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế với bia hơi tăng từ mức 30% lên 40% nhưng với ôtô nhập khẩu giảm 10-30%. Nhiều khả năng điều này sẽ làm giá bia hơi tăng, giá ôtô giảm.
Giá ôtô ở Việt Nam hiện cao gấp nhiều lần so với các nước trong khu vực. |
Luật ''gộp'' sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế giá trị gia tăng được Chính phủ trình ra Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều 18/8. Chính phủ đề nghị luật này có hiệu lực từ 1/1/2006.
Thuế ôtô nhập khẩu phải giảm nhiều hơn?
Luật thuế tiêu thụ hiện hành có một lộ trình phân biệt đối xử giữa ôtô lắp ráp, sản xuất trong nước với ôtô nhập khẩu: Năm 2004, thuế thấp hơn 70% so với ôtô nhập khẩu, năm 2005 thấp hơn 50%, năm 2006 thấp hơn 30%. Đến năm 2007 ôtô sản xuất lắp ráp trong nước mới hội nhập và chung mức thuế với ôtô nhập khẩu (80%, 50% và 25%), tương ứng với 3 loại xe ôtô dưới 5 chỗ ngồi, 6-15 chỗ, 16-24 chỗ.
Theo Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, nay để phù hợp với nguyên tắc đối xử quốc gia của WTO, Chính phủ đề nghị từ 1/1/2006 áp dụng chung mức thuế là 50%, 30% và 15% tương ứng với các loại xe nói trên. Như vậy, so mức thuế hiện hành (80%, 50%, 25%), thuế ôtô nhập khẩu giảm 10-30%.
Thẩm tra dự luật này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên cho biết, có ý kiến lấy mức thuế chung 40%, 25%, 12,5% của năm 2005 để không ''tai tiếng'' pháp luật của ta có tính ổn định thấp, thay đổi luôn.
Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng bảo vệ đề nghị của Chính phủ và cho rằng, mức thuế chung này góp phần hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô trong nước vì mức thấp hơn so với lộ trình đã ấn định cho năm 2006 (56%, 35% và 17,5%); góp phần ổn định ngân sách và phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam.
''Thuế bia hơi tăng, dân ít tiền chuyển sang rượu quốc lủi''
Mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt giảm mạnh nhất là đối với bia tươi nhập khẩu, từ 75% xuống còn 40%. Tương ứng thuế đối với bia hơi trong nước cũng tăng từ 30% lên 40%. Đây là vấn đề ''nóng'' tại cuộc họp. Bộ trưởng Hùng giải thích: ''Đàm phán WTO các đối tác đều cho rằng bia tươi và bia hơi là cùng một loại sản phẩm, thuế chênh lệnh giữa bia hơi và bia tươi là vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia của WTO''.
ĐB Nguyễn Thị Anh Nhân (Hà Nội), đại diện cho doanh nghiệp ngành bia, gay gắt: ''Không thể đánh đồng bia hơi, bia cỏ bình dân với bia tươi đắt tiền. Nếu tăng thuế bia hơi, người dân có ít tiền chuyển sang uống rượu quốc lủi''. Theo bà, tăng thuế bia hơi sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất bia, ảnh hưởng đến công ăn việc làm. Bà đề nghị ''giữ mức thuế 30% thì doanh nghiệp mới chịu đựng được''.
Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng đứng lên giải thích: ''Trước đây, giảm thuế suất bia hơi 50% xuống 30% từ 1/1/2004 là để doanh nghiệp sản xuất bia có thời gian tháo gỡ khó khăn. Nhưng bia cỏ, bia ''hôi'' rải rác khắp nơi, làm sao uống mà không đau đầu? Nay thuế suất phải nâng lên, doanh nghiệp nào cải tiến chất lượng thì sống''.
Thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu từ 40 độ trở lên đang chịu thuế suất 75% sẽ điều chỉnh xuống 60%. Rượu 20 độ đến dưới 40 độ, rượu dưới 20 độ, rượu hoa quả giữ thuế suất ở mức 20%; riêng rượu thuốc thuế suất từ 15% lên 20%.
Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá điếu hiện nay có 3 mức: 65% với thuốc lá điều đầu lọc nguyên liệu nhập khẩu; 45% với thuốc lá điếu đầu lọc nguyên liệu trong nước; 25% với thuốc lá không đầu lọc. Luật sửa đổi áp dụng thuế suất chung với thuốc lá điều: năm 2006 và 2007 là 55%, từ năm 2008 là 60%.
Giảm thuế bông sơ nhập khẩu 5%
Nội dung chính sửa đổi thuế giá trị gia tăng là sản phẩm bông sơ chế. Hiện nay, thuế suất với bông sơ chế từ bông trồng trong nước là 5%, bông sơ chế nhập khẩu là 10% thì mức thuế áp dụng chung tới đây là 5%. Chính phủ lý giải rằng điều này nhằm tạo thuận lợi cho ngành công nghiệp dệt may, giảm số vốn ứng trước để nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu (giảm từ 10% xuống 5%).
Bỏ sự phân biệt đối xử, dự luật bổ sung sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu nhập khẩu vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng như sản phẩm trong nước.
Thẩm tra dự án luật, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết, có ý kiến đề nghị xem xét sửa một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn mới phát sinh như hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với kinh doanh karaoke, vũ trường... nhằm điều tiết sản xuất, hướng dẫn tiêu dùng hợp lý và tăng cường quản lý nhà nước.
Sáng mai, đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục ''mổ xẻ'' dự án luật này.
-
Văn Tiến