221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
693792
Tinh thần Hiệp sĩ CNTT là hào khí của tuổi trẻ
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Tinh thần Hiệp sĩ CNTT là hào khí của tuổi trẻ
,

(VietNamNet) - ''Chúng ta phải nhìn nhận thế hệ trẻ, thời nào cũng có anh hùng, thời nào cũng có những hiệp sỹ cả. Trong lĩnh vực CNTT, chúng ta có những hiệp sỹ và phải tôn vinh họ''. TSKH Nghiêm Vũ Khải, đại biểu Quốc hội, thành viên Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đã hào hứng nói như vậy khi trao đổi với VietNamNet.

Ông Nghiêm Vũ Khải.
 

- Ngày 14/8 tới Tạp chí CNTT e-CHÍP của VASC tổ chức Lễ tôn vinh Hiệp sỹ CNTT năm 2005. Ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?

- Tôi được biết Báo CNTT e-CHIPS tổ chức lễ tôn vinh này nhằm động viên, khích lệ những người có công đóng góp đưa CNTT đến với cộng đồng, sáng tạo phần mềm phục vụ cộng đồng. Ở đây họ làm không vì lợi ích cá nhân mà phục vụ chung cho sự phát triển xã hội như làm công tác từ thiện, giáo dục đào tạo...

Đây là cách tập dượt cho những nhà CNTT để họ càng ngày đi sâu hơn nữa vào lĩnh vực của mình. Đây cũng là cách tổ chức rất hay để những nhà CNTT trẻ biết mình và biết đồng nghiệp, biết sản phẩm của mình xã hội tiếp nhận như thế nào.

Trong thời đại CNTT ngày nay thì thông tin rất nhiều. Các nhà nghiên cứu, phát triển nếu không giao lưu có khi những cái mình đang cặm cụi, tốn kém rất nhiều thời gian công sức vào đấy thì thiên hạ đã làm rồi. Cái mà xã hội đang cần thì mình lại không biết.

Qua hình thức tôn vinh Hiệp sỹ CNTT, tôi thấy rằng đó là cách trao đổi thông tin, định hướng cho những nhà nghiên cứu trẻ, sử dụng thành quả của nhau, bớt được thời gian tự mình mầy mò, dành cố gắng, thời gian, công sức của mình để phát triển cao hơn và sâu hơn. Tôi nghĩ những nhà CNTT trẻ tuổi ấy qua đợt này sẽ trở thành chuyên nghiệp hơn, sẽ trở thành những ''Bill Gates'' của Việt Nam. Tôi nhiệt liệt hoan nghênh Tạp chí CNTT e-CHÍP về sáng kiến này.

- Xã hội chúng ta đang rất cần những ''hiệp sỹ'', nhất là trong giới trẻ, có tinh thần lạc quan, vươn lên, xả thân vì cộng đồng...?

- Chính họ tạo nên khí thế, hào khí của tuổi trẻ. Thời nào cũng có anh hùng, thời nào cũng có những hiệp sỹ cả. Anh hùng trong đấu tranh chống Mỹ cứu nước, như chị Đặng Thuỳ Trâm. Trong lĩnh vực CNTT, chúng ta đều có những hiệp sỹ và phải tôn vinh họ. Chính cái đó là lợi thế của Việt Nam. Thế giới đánh giá cao trí tuệ Việt Nam. Từng làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, tôi rất tự hào khi các nhà khoa học Nhật luôn đánh giá cao hàm lượng trí tuệ, phẩm chất tư duy của người Việt Nam.

Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường mà tôi là thành viên, trước tiên về mặt tinh thần rất ủng hộ và tôn vinh những nhà CNTT trẻ có tâm phục vụ cho cộng đồng, thử sức mình để tiến xa hơn. Không loại trừ những Hiệp sỹ mà ta tôn vinh sau này sẽ trở thành những nhà CNTT tầm cỡ quốc gia, khu vực, thậm chí trên thế giới.

- Ông có cho rằng, chúng ta chỉ có thể xây dựng chính phủ điện tử, CNTT hóa thủ tục hành chính khi ngày càng có nhiều những con người như Hiệp sỹ CNTT?

- Hoàn toàn chính xác! Nếu ứng dụng thông tin trong quản lý nhà nước sẽ làm nhẹ đi những vất vả cho công dân và cũng làm trong sáng, lành mạnh hơn nền hành chính, bớt đi nhũng nhiễu. Đấy là hướng mà Đảng và Nhà nước ta đã quyết định. Tất nhiên quá trình thực hiện còn đang vướng ở nhiều khâu. Nhiều khi chính những người trong hệ thống hành chính không muốn thế, họ sợ một lúc làm được nhiều việc làm giảm biên chế, thậm chí một số phần tử không lành mạnh còn thấy rằng mất cơ hội nhũng nhiễu.

Tôi nghĩ rằng những người làm CNTT phải nỗ lực nhiều. Hãy làm những việc rất cụ thể đưa chương trình tin học giúp cho quản lý của nhà nước, thực hiện chính phủ điện tử, ứng dụng CNTT trong hoạt động hành chính. Chủ trương của chúng ta là bớt giấy tờ đi, thế nhưng thực ra nói ''vì nền hành chính rườm ra ta bớt quá'' cũng không nên. Chính ra thủ tục nào cần vẫn cứ phải làm nhưng chúng ta làm nhanh cái thủ tục đó. Vì giấy tờ cũng là quyền của công dân và giúp cho cơ quan quản lý nhà nước hệ thống, thống kê, tổng hợp dữ liệu của nền hành chính.

Cho nên đơn giản hoá thủ tục hành chính không có nghĩa giảm về số lượng nhưng chính là giảm về quy trình. Mà quy trình đó nhờ CNTT rút ngắn lại. Người dân không cảm thấy phiền hà nhưng nhà nước vẫn có đầy đủ dữ liệu quản lý thì đấy mới là mục tiêu của cải cách hành chính chứ không phải giảm đến mức độ đơn giản quá, nhà nước không nắm được các dữ liệu.

CNTT sẽ làm trong sạch doanh nghiệp. Thực hiện chính phủ điện tử, người ta đăng ký thông tin qua mạng và không có quan hệ trực tiếp. Như vậy chẳng cần nhờ đến ai, chỉ cần CNTT là xong. Hay quản lý người nước ngoài, để họ vào mạng khai là xong! Vấn đề gì nghi ngờ cần kiểm tra thì chúng ta kiểm tra.

- Làm thế nào để đẩy nhanh ứng dụng thông tin trong quản lý, thưa ông?

- Hiện nay Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến CNTT. Cho nên các cơ quan đều có khoản chi, kinh phí giúp cho khâu hiện đại hoá công tác văn phòng, quản lý. Đấy là nguồn lực. Thế nhưng để sử dụng nguồn lực hiệu quả, phải có những cuộc giao lưu, diễn đàn trao đổi những phần mềm đã và đang ứng dụng, hoặc trong giai đoạn thử nghiệm.

Từ khâu trao đổi thông tin có tính chất tình nguyện, dần dần sẽ tiến tới những hợp tác, hợp đồng gắn bó với chuyên gia CNTT và những người trực tiếp quản lý về ngành. Hai anh gộp lại thì giải quyết được vấn đề của cơ quan, ngành cụ thể đó. Chứ cụ thể về ngành thì trình độ CNTT của cán bộ quản lý không được cao, anh chuyên sâu về CNTT không nắm sâu các quy trình hành chính. Sự gặp gỡ đó sẽ dẫn đến một sản phẩm cao hơn, thoả mãn được về mặt công nghệ cũng như phục vụ sát thực công tác quản lý của ngành đó.

Tôi nói thật, hiện nay chúng ta nghèo nhưng rất lãng phí. Về nghiên cứu khoa học cũng vậy. 64 tỉnh thành có 64 đề tài kiểu giống nhau, không những năm này mà năm khác nữa cũng quanh đi quẩn lại... Có thể ''copy'' từ tỉnh này sang tỉnh kia như tỉnh Thái Bình và tỉnh Hưng Yên, về nông nghiệp cơ bản có những nét rất giống nhau. Đáng lẽ những nỗ lực đó nên gộp lại được chứ đừng bao giờ dẫm lại chân nhau.

* Xin cảm ơn ông!

  • Văn Tiến thực hiện
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,