Ngày 22/7/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 52-CT/TW về phát triển và quản lý báo điện tử ở nước ta hiện nay. Nội dung Chỉ thị như sau:
Mạng thông tin toàn cầu (Internet) là một trong những phát minh lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã và đang phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội của nhân loại. Nước ta bắt đầu nghiên cứu và chính thức tham gia mạng thông tin toàn cầu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Mấy năm gần dây, hệ thống thông tin đại chúng ở nước ta có thêm loại hình báo chí mới là báo điện tử.
Báo điện tử đang mạnh lên rất nhanh ở Việt Nam. |
Báo điện tử có tác dụng và tiện ích hơn hẳn các loại hình báo chí truyền thống, dung lượng thông tin rất lớn, tương tác thông tin nhanh, phát hành không bị trở ngại về không gian, thời gian, biên giới quốc gia. Từ khi ra đời, báo điện tử nước ta đã góp phần quan trọng vào việc phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mở rộng hiệu quả thông tin đối ngoại; nâng cao dân trí và thỏa mãn nhu cầu thông tin, hưởng thụ văn hóa của nhân dân...
Tuy nhiên, các báo điện tử của nước ta còn một số hạn chế, yếu kém. Tính tư tưởng, tính định hướng chính trị, tính chiến đấu, tính khoa học, tính chuyên nghiệp ở một số tờ báo điện tử chưa cao. Một số báo thiếu cân nhắc khi đưa tin, bài về các vấn đề trong nước và thiếu chọn lọc khi khai thác tư liệu, bài viết ở bên ngoài; một số tin, bài chạy theo thị hiếu tầm thường, giật gân, câu khách.
Ở một số cơ sở dịch vụ Internet, còn để xảy ra tình trạng lưu hành, phát tán các thông tin phản động, đồi trụy, vu khống, bôi nhọ danh dự cá nhân, gây bất bình trong nhân dân. Chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước lợi dụng mạng Internet và báo điện tử để chống phá cách mạng nước ta.
Nguyên nhân của những yếu kém nói trên, trước hết là do:
Năng lực của cơ quan chủ quản báo chí còn bất câp; thiếu các biện pháp chỉ đạo, quản lý sâu sát, thường xuyên. Ban biên tập của không ít báo điện tử, nhất là Tổng Biên tập ở một số tờ báo, còn yếu về bản lĩnh chính trị và năng lực tổ chức, quản lý chỉ đạo hoạt động của báo. Nhiều người trong đội ngũ những người làm báo điện tử chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ thuật. Công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, tổ chức bộ máy, quản lý tòa soạn chưa được quan tâm đúng mức; việc bảo vệ an toàn và an ninh mạng còn bất cập; trình độ kỹ thuật, cơ sở vật chất và trang thiết bị còn hạn chế.
Một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của báo điện tử và Internet, cả mặt tích cực cũng như tác hại của nó, dẫn đến tình trạng khắt khe, cấm đoán hoặc dễ dãi, buông lỏng quản lý. Thiếu các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho sự hoạt động, phát triển và quản lý báo điện tử. Thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan liên quan trong chỉ đạo, quản lý về lĩnh vực này.
Nhằm đưa hệ thống báo điện tử phát triển nhanh, vững chắc và có hiệu quả, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương và địa phương, các cơ quan báo điện tử và cơ quan báo chí có báo điện tử thực hiện tốt một số vấn đề sau:
1- Về chủ trương đối với báo điện tử
Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tác động của mạng thông tin toàn cầu và các báo điện tử đến sản xuất và đời sống xã hội. Đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, quản lý của các cơ quan nhà nước đối với báo chí điện tử; xây dựng các tờ báo điện tử ở nước ta có kỹ thuật và công nghệ hiện đại, đúng đắn, chân thực, phong phú về nội dung, sằc bén về tính định hướng, tính chiến đấu, có tính văn hóa, tính nghiệp vụ cao, thực sự là vũ khí chính trị tư tưởng quan trọng, sắc bén của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Báo điện tử ở nước ta phải được phát triển nhanh, vững chắc, có hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể về kinh tế, kỹ thuật, con người, năng lực quản lý; đảm bảo an ninh, an toàn, kết hợp hài hòa với việc phát triển các loại hình báo chí và các phương tiện thông tin khác.
2- Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
2.1 Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm không ngừng nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên về vị trí, tầm quan trọng và tính hai mặt của Internet và báo điện tử, để khai thác, sử dụng có hiệu quả mặt tích cực, đồng thời phòng ngừa, hạn chế mặt tiêu cực.
2.2 Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với báo điện tử và các mạng thông tin điện tử.
Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật, các cơ chế, chính sách phát triển, quản lý báo điện tử và mạng Internet.
Nâng cao năng lực quản lý báo điện tử của các cơ quan chủ quản báo chí, các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Phân định rõ báo điện tử và trang tin điện tử, chấn chỉnh tình trạng các trang thông tin điện tử hoạt động như một tờ báo điện tử. Kiên quyết khắc phục hoạt động dịch vụ Internet trái phép, ngăn chặn các trang tin điện tử phản động, đồi trụy, xâm phạm đời tư, làm tha hóa đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục; phòng chống các hoạt động lừa đảo, phá hoại kinh tế trên mạng thông tin điện tử.
Xây dựng chiến lược quản lý tài nguyên thông tin, quản lý tên miền, bản quyền tên và thiết kế báo, bảo đảm an ninh và an toàn mạng.
2.3 Tiến hành rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ trong các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng, trước hết tập trung củng cố đội ngũ cán bộ quản lý, các tổng biên tập và phó tổng biên tập báo. Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phòng viên báo chí, nhanh chóng hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên, quản trị kinh doanh báo điện tử có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ nghiệp vụ và kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, kiên quyết thay thế những người không đủ phẩm chất, năng lực. Xây dựng các khoa, bộ môn báo điện tử với hệ thống giáo trình và cán bộ giảng dạy có chất lượng ở các cơ sở đào tạo về báo chí. Quan tâm làm tốt công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các cơ quan báo điện tử, các cơ quan báo chí có báo điện tử, các cơ quan, đơn vị có trang thông tin điện tử.
2.4. Có kế hoạch đầu tư để các báo điện tử được trang bị kỹ thuật công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đầu tư lắp ráp, sản xuất máy tính và phần mềm máy tính, phát triển các dịch vụ đa phương tiện phù hợp với điều kiện của nước ta để phổ cập và mở rộng diện hoạt động của báo điện tử tới các tầng lớp nhân dân, nhất là đến nhân dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
2.5 Mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm với nước ngoài về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật và quản lý báo điện tử.
3- Tổ chức thực hiện
3.1 Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương hướng dẫn các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan báo chí nghiên cứu, quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị và Ban Bí thư những vấn đề cần quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo.
3.2. Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa - Thông tin thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về báo điện tử; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu để Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật, chế độ, chính sách nhằm thực hiện tốt Chỉ thị này. Tổ chức việc sắp xếp, quy hoạch mạng lưới báo điện tử trong cả nước, chú trọng xây dựng một số báo điện tử trọng điểm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thông tin đối nội và đối ngoại. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo điện tử. Chỉ đạo việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển các trang thông tin điện tử (website) của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và các địa phương, các tổ chức kinh tế theo hướng thiết thực, hiệu quả.
3.3 Ban cán sự đảng Bộ Bưu chính - Viễn thông chủ trì cùng Bộ Công an và các cơ quan liên quan chỉ đạo việc xây dựng nội dung, kế hoạch quản lý tài nguyên thông tin, các nhà cung cấp dịch vụ, các cơ sở kinh doanh Internet và báo điện tử, đảm bảo an ninh và an toàn mạng, ngăn chặn mọi âm mưu, hành động chống phá, gây rối của các thế lực thù địch.
3.4 Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giảng dạy, biên soạn chương trình, giáo trình, trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật, xây dựng bộ môn báo điện tử trong các khoa báo chí.
3.5. Các cấp ủy và tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tốt việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về báo điện tử để nhân dân và nhất là thế hệ trẻ sử dụng báo điện tử và Internet đúng mục đích, có hiệu quả. Đồng thời, động viên nhân dân phát hiện các hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ Internet trái pháp luật để xử lý kịp thời.
Các cơ quan chủ quản báo chí, các cơ quan báo điện tử và các cơ quan báo chí có báo điện tử, các đơn vị, tổ chức có trang thông tin điện tử cần có kế hoạch nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, trình độ kỹ thuật của báo điện tử, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(TTXVN)