(VietNamNet) - Ngoài ''sổ đỏ, giấy hồng'', theo dự thảo Luật đăng ký bất động sản, người dân sẽ phải đi xin thêm giấy chứng nhận đăng ký bất động sản.
Quyền sở hữu công trình xây dựng sẽ phải được đăng ký. |
Luật này do Bộ Tư pháp chủ trì dự thảo (vừa hoàn thành dự thảo 6), dự kiến trình ra Quốc hội vào cuối năm nay.
Không đăng ký, giao dịch nhà đất vô hiệu
Theo dự thảo luật, hầu hết các bất động sản hiện nay hoặc khi tiến hành giao dịch liên quan đều phải đăng ký. Cụ thể là quyền sử dụng đất khi được nhà nước giao đất; người đang sử dụng đất chưa có sổ đỏ; quyền sở hữu công trình xây dựng (trừ nhà cấp 4, nhà tạm, công trình công cộng...); quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng trồng. Các giao dịch bất động sản cũng phải đăng ký như chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, cho thuê, cầm cố, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất...
Việc đăng ký có thể coi là bắt buộc vì đây là điều kiện để các quyền, giao dịch đó có hiệu lực pháp luật (nếu pháp luật có quy định). Chắc chắn hơn, dự luật có điều khoản nêu rõ: ''Chứng nhận về việc đăng ký bất động sản là chứng cứ về sự tồn tại của các quyền, các giao dịch về bất động sản''.
Kết quả đăng ký ''đẻ'' ra một loại giấy tờ là ''giấy chứng nhận đăng ký bất động sản''. Giấy chứng nhận này, theo dự luật, là ''chứng thư pháp lý để thực hiện quyền và nghĩa vụ, trừ trường hợp pháp luật quy định được sử dụng các giấy tờ hợp lệ khác''. Giấy do Bộ Tư pháp phát hành và được sử dụng thống nhất trong cả nước.
Như vậy, ngoài ''sổ đỏ, giấy hồng'' (chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà), người dân sẽ phải đi xin thêm một giấy nữa để bảo đảm quyền về bất động sản và thực hiện các giao dịch liên quan. Một số người cho rằng, việc cấp ''sổ đỏ, giấy hồng'' lâu nay vốn phiền hà, là ''đoạn trường'' thì phải xin thêm một giấy nữa người dân sẽ càng ''khổ'' hơn.
Gộp 3 giấy thành 1 giấy?
Khi thảo luật về dự thảo Luật nhà ở tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng nên gộp ''sổ đỏ, giấy hồng'' vào 1 giấy, đồng thời thu gọn về một đầu mối để giảm phiền hà, giảm ''cửa'' thủ tục cho dân. Hiện nay, Bộ Xây dựng quản lý việc đăng ký cấp giấy sở hữu nhà, còn đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đọc dự thảo Luật đăng ký kinh doanh bất động sản, thì nội dung về giấy chứng nhận đăng ký dường như bao hàm 2 loại giấy trên: ''Quyền sử dụng, quyền sở hữu bất động sản và các quyền, giao dịch khác về bất động sản được ghi nhận trên cùng một Giấy chứng nhận đăng ký bất động sản''. Ghi nhận các quyền, giao dịch khác về bất dộng sản có thể cần thiết nhưng lập lại nội dung của ''sổ đỏ, giấy hồng'' có thừa?
Là cơ quan được giao chủ trì soạn thảo dự án luật, Bộ Tư pháp có khả năng nhiều nhất để quản lý đăng ký bất động sản. Tuy nhiên, trong dự luật, Bộ này vẫn để ngỏ 2 phương án: Một là Bộ Tư pháp quản lý đăng ký bất động sản, hai là giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cũng chính vì vậy, việc chọn chỗ đứng cho cơ quan (văn phòng) đăng ký bất động sản có tới 3 phương án. Một là theo ngành dọc, tương ứng thuộc Sở Tư pháp cấp tỉnh và Phòng Tư pháp cấp huyện. Phương án 2 có vẻ đề cao cơ quan này khi đặt nó thuộc UBND cấp tỉnh, chịu sự hướng dẫn về chuyên môn của Bộ Tư pháp. Phương án 3 là đưa sang ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý.
Có chuyên gia về lĩnh vực bất động sản đặt ra câu hỏi rằng: Liệu có thể gộp 3 giấy (nếu có thêm giấy chứng nhận đăng ký bất động sản) vào ''1 giấy'' và vào một đầu mối (một bộ) quản lý để đỡ phiền hà cho dân không?
-
Văn Tiến