221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
661470
Ra luật để nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Ra luật để nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam
,

(VietNamNet) - Quy trách nhiệm cụ thể bảo vệ môi trường du lịch (tự nhiên và xã hội), bảo vệ khách du lịch và thiết lập cơ chế lắng nghe ''phàn nàn'' của du khách, yêu cầu mọi người phải ứng xử văn minh, lịch sự...

Những nội dung này được đưa vào Luật Du lịch (Quốc hội thông qua ngày 11/6) nhằm nâng cao hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam.

Cát Bà - Di sản thế giới

Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch phải thu gom rác thải

Trước đó, khi thảo luận về dự thảo Luật Du lịch, nhiều đại biểu Quốc hội đã rất bức xúc lên tiếng cảnh tỉnh về bảo vệ môi trường du lịch (cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội). Đại biểu kiến nghị quy trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ các di sản, giá trị văn hoá, lịch sử.

Giải trình việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này ngày 11/6, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển cho biết quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) coi môi trường du lịch có vai trò to lớn trong việc tạo nên thiện cảm tốt đẹp của khách du lịch trong nước và quốc tế về Việt Nam.

Chính vì vậy, UBTVQH đã tiếp thu ý kiến đại biểu đưa vào luật. Cụ thể, giao cho bộ, cơ quan ngang bộ ban hành các quy định, UBND các cấp có biện pháp nhằm bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch phải thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh, khắc phục các tác động tiêu cực mình gây ra cho môi trường, có biện pháp phòng chống tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh của mình.

Khách du lịch, cộng đồng dân cư địa phương và các tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ cảnh quan môi trường, bản sắc văn hoá, thuần phong mỹ tục của dân tộc, có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự nhằm nâng cao hình ảnh của đất nước, con người và du lịch Việt Nam.

Lập đầu mối ''lắng nghe'' phàn nàn của du khách

Cũng tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự luật đã bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị kinh doanh bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho khách du lịch. Theo đó, khu, điểm, đô thị du lịch phải có biện pháp phòng tránh rủi ro và tổ chức bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu cho khách du lịch. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch có trách nhiệm thông báo kịp thời cho khách du lịch về trường hợp khẩn cấp, dịch bệnh và các nguy cơ có thể gây nguy hiểm cho khách.

Theo ông Vũ Đức Khiển, trong hoạt động du lịch, do khách hoạt động trên một diện rộng, cả ngày nghỉ, ngày lễ nên cần tổ chức bộ phần làm đầu mối ''lắng nghe'', tiếp nhận các yêu cầu, kiến nghị của khách du lịch và chuyển kịp thời tới cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải quyết. Vì vậy, dự luật quy định, tại khu, đô thị du lịch nơi có lượng khách du lịch lớn thì cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh phải tổ chức việc tiếp nhận yêu cầu, kiến nghị của khách du lịch.

Khách du lịch có thể chuyển tải yêu cầu, kiến nghị của mình qua 2 kênh: tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch hoặc qua tổ chức tiếp nhận vừa nói ở trên. Nếu không được giải quyết hoặc khách du lịch không đồng ý thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Chưa nâng Tổng cục Du lịch lên thành Bộ

Có ý kiến đại biểu đề nghị nâng Tổng cục Du lịch lên thành Bộ. Theo ông Vũ Đức Khiển, UBTVQH cho rằng, để bảo đảm tính ổn định, bền vững của Luật thì chưa nên xác định cụ thể ngay địa vị pháp lý của ''cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương''. Căn cứ vào yêu cầu cải cách bộ máy nhà nước, tuỳ tình hình cụ thể của đất nước, sẽ xác định địa vị pháp lý của cơ quan này sau.

Đề xuất của đại biểu lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã được tiếp thu. Theo UBTVQH, nhu cầu vốn cho phát triển du lịch rất lớn, trong đó có nhu cầu về đầu tư, xây dựng và nâng cấp các khu, điểm du lịch địa phương, phát triển các sản phẩm du lịch mới có tính cạnh tranh, khôi phục phát triển các làng nghề, các cơ sở vui chơi, giải trí, tôn tạo, bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch, xúc tiến du lịch. Vì vậy, lập quỹ này là cần thiết.

Về ý kiến không nên giới hạn hướng dẫn viên là người có quốc tịch Việt Nam mà mở ra cho cả người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, UBTVQH không tán thành. Điều này xuất phát từ yêu cầu về sự hiểu biết đối với đất nước, con người, chính sách của nhà nước ta. Ngoài ra, việc đưa khách du lịch đi liên quan đến cộng đồng dân cư địa phương, trong đó có những vấn đề nhạy cảm về an ninh, quốc phòng. Luật du lịch của nhiều nước đều quy định hướng dẫn viên du lịch là công dân nước họ.

Luật Du lịch đã được Quốc hội thông qua với 83% đại biểu tán thành. Luật này có hiệu lực từ 1/1/2006, thay thế cho Pháp lệnh Du lịch năm 1999.

Sau khi biểu quyết nhất trí bổ sung vào chương trình, chiều 11/6, Quốc hội đã thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung 2 điều của Luật thi đua, khen thưởng. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, sẽ thông qua sửa đổi này vào đầu tuần tới.

Hạn chế xuất thô khoáng sản

Quốc hội cùng ngày 11/6 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản với 85,53% đại biểu tán thành. Luật này có hiệu lực từ 1/10/2005.

Giải trình về ý kiến của đại biểu đề nghị ''cấm xuất khẩu các loại quặng dưới dạng thô'', UBTQVH cho rằng trước mắt chưa nên cấm mà chỉ hạn chế xuất thô. Vì điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và công nghiệp chế biến khoáng sản của ta chưa phát triển, chế biến quặng thô thành tinh, có giá trị cao còn hạn chế. Luật giao cho Chính phủ quy định cụ thể danh mục khoáng sản hạn chế xuất khẩu phù hợp với từng thời kỳ.

Đại biểu Quốc hội cũng đã cảnh báo về việc khai thác cát, sỏi lòng sông làm chuyển dòng chảy, sạt lở đê, kè. Tiếp thu ý kiến này, dự luật quy định: Khai thác chế biến cát, sỏi lòng sông thì mọi trường hợp đều buộc phải tiến hành thăm dò mà không phân biệt công suất và thời gian khai thác. Việc cấp giấp phép khai thác, chế biến loại khoáng sản này được phân cấp cho UBND cấp tỉnh.

  • Văn Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,