221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
661056
Dự án Dung Quất: Bài học đắt giá cho công nghiệp hoá
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Dự án Dung Quất: Bài học đắt giá cho công nghiệp hoá
,
  • Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Đại học Harvard, Hoa Kỳ
Công nghiệp hóa dầu đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế đất nước

Trong nghiên cứu so sánh quốc tế, nhịp độ, chất lượng, và tầm vóc phát triển của một quốc gia được đánh giá không chỉ bởi một số chỉ số thống kê qui chuẩn mà cả bởi tiến trình phát triển của một số ngành kinh tế chiến lược, trong đó có ngành dầu khí.

Phát triển ngành dầu khí - một chỉ số đánh giá thành công của sự nghiệp CNH

Ngành dầu khí thường được lựa chọn bởi ba lý do chính:

+ Ngành hoá dầu là ngành kinh tế có vai trò nền tảng với ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế.
+ Quá trình phát triển của ngành hoá dầu, đặc biệt trong giai đoạn đầu, phản ánh khá rõ chất lượng và tầm hoạch định chiến lược của chính phủ, một nhân tố then chốt cho sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá.
+ Với tất cả các nước, ngành dầu khí, đặc biệt là lĩnh vực lọc hoá dầu, có sự giống nhau cơ bản cả về đầu vào, đầu ra, và công nghệ sản xuất nên việc so sánh rất thuận tiện.

Các nghiên cứu khảo nghiệm về phát triển trong hơn bốn thập kỷ qua cho thấy, các nước đạt được những thành công kỳ diệu trong sự nghiệp công nghiệp hoá đều có những bước phát triển vô cùng ngoạn mục trong lĩnh vực hoá dầu (xem bảng).

Hàn Quốc, mặc dù phải nhập hoàn toàn dầu thô, ngay từ kế hoạch năm năm đầu tiên, đã đầu tư vào nhà máy lọc dầu. Với chủ trương công suất sản xuất vượt 30% so với nhu cầu sử dụng nội địa, Hàn quốc đứng thứ ba ở chấu á về năng lực lọc dầu và không chỉ đáp ứng sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu khoảng 20-25% sản phẩm lọc dầu.

Singapore, không có dầu thô, nhưng với chiến lược trở thành trung tâm hoá dầu của khu vực nên đã đầu tư rất lớn vào ngành này có công suất lọc dầu đứng thứ năm ở châu Á. Đài loan, hầu hết phải nhập dầu thô, cũng đứng thứ bảy ở châu Á về năng lực lọc dầu.

Điều đặc biệt đáng lưu tâm là các công ty dầu khí của các quốc gia nói trên đều hoạt động rất hiệu quả và có chất lượng quản lý rất cao.

Trung Quốc trong công cuộc bốn hiện đại hoá cũng chú trọng đầu tư đặc biệt vào nhịp độ và chất lượng phát triển của ngành dầu khí. Tình trạng độc quyền bị loại bỏ với sự cạnh tranh quyết liệt của bốn công ty dầu khí của nhà nước và nhiều công ty dầu khí tư nhân.

Các công ty dầu khí nhà nước đều quản lý theo mô hình hiện đại, được niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế, và có chất lượng quản lý ngày càng cao. Đặc biệt, tập đoàn dầu khí hàng đầu của Trung quốc, Sinopec, được xếp hạng thứ 15 trong các công ty dầu khí tốt nhất trên thế giới, dựa trên 9 tiêu chí, trong đó có: chất lượng quản lý, mức sáng tạo, khả năng thu hút - đào tạo - lưu giữ tài năng, và phản ứng nhạy bén với kinh doanh toàn cầu.

Số nhà máy và tổng công suất lọc dầu của một số quốc gia châu Á năm 2002

Quốc gia, vùng lãnh thổ

Số Nhà máy
Lọc dầu

Tổng Công suất
(triệu tấn/năm

Nhật bản

34

237.4

Trung Quốc

95

225.5

Hàn Quốc

6

127.5

ấn độ

17

106.3

Singapore

3

62.7

Indonesia

8

49.4

Đài loan

4

45.8

Thái lan

4

35.0

Malaysia

6

25.7

Philippine

4

20.9

Mianma

2

2.8

Sri Lanka

1

2.4

Bangladesh

1

1.6

Việt Nam

0

0.0

Nguồn: Cục thông tin năng lượng Hoa Kỳ (http://www.eia.doe.gov/pub/international/iea2002/table36.xls)

Nếu đánh giá nhịp độ, chất lượng, và tầm vóc của công cuộc công nghiệp hoá nước ta thông qua khảo sát động thái phát triển của ngành dầu khí, chúng ta không thể không có nhiều day dứt, quan ngại. Nhờ lợi thế tàI nguyên dồi dào, Việt nam nhanh chóng trở thành một nước có sản lượng dầu thô khá lớn (vào hàng đầu so với các nước đông Á, chỉ sau Trung quốc, Inđônêxia, và Malaysia).

Thế nhưng cho đến nay, sau 19 năm của công cuộc đổi mới và 30 năm kể từ khi khởi đầu công cuộc phát triển kinh tế, chúng ta vẫn không có nhà máy lọc dầu và được xếp ngang hàng với Lào và Nepal (và sau cả Miến điện, Băng la desh) về tiêu chí này. Điều đáng day dứt hơn là ngành dầu khí nước ta hiện rất nổi tiếng quốc tế về các vụ việc tham nhũng và sự lúng túng trong đầu tư dự án lọc dầu đầu tiên, dự án Dung Quất.

Thực tế phát triển của ngành dầu khí và kinh nghiệm của của dự án Dung Quất cho thấy, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, hoặc hô hào đẩy nhanh tiến độ dự án Dung Quất, mà không có sự đột phá về tư duy và ý chí chiến lược trong phát triển kinh tế nói chung và ngành dầu khí nói riêng thì sự nghiệp công nghiệp hoá nước ta sẽ rất khó hy vọng có được một tương lai rực rỡ để người Việt Nam ta có thể ngửng đầu trong những thập kỷ tới.

Dự án Dung Quất: Mấy điều cần cân nhắc

1) Khả năng cạnh tranh toàn cầu phải là tiêu chí tối cao:

Trong xu thế toàn cầu hoá nhanh chóng, mọi dự án đầu tư lớn, đặc biệt trong ngành dầu khí, khả năng cạnh tranh toàn cầu phải là tiêu chí tối cao cho mọi quyết định. Hai điều kiện quan trọng nhất cho cạnh tranh đối với sản phẩm lọc dầu là giá thành hạ và độ ô nhiễm môi trường thấp (hướng tới tiêu chuẩn Euro III).

Để giá thành hạ, nhà đầu tư chú ý đến ba điều kiện: gần nguồn nguyên liệu, gần thị trường, và qui mô sản xuất. Các nước thành công đặc sắc trong phát triển ngành dầu khí đều hết sức coi trọng các điều kiện cạnh tranh này. Đặc biệt, Hàn Quốc và Singapore xây dựng những nhà máy lọc dầu công suất rất lớn dể giảm suất đầu tư trên một tấn sản phẩm.

Các dự án lọc dầu mới của Trung quốc đều có công suất khá lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật cao, và đặt sát thị trường tiêu thụ; chẳng hạn, dự án lọc dầu 12 triệu tấn/năm với tông đầu tư 1,93 tỷ USD của công ty dầu khí CNOOC đặt ở vịnh Daya có vị trí lý tưởng trong tiếp cận thi trường tiêu thụ và nằm sát các tổ hợp hoá dầu khác.

Dự án lọc dầu Dung Quất của ta nằm xa nguồn nguyên liệu (1000 km từ mỏ dầu Bạch hổ), gần gấp đôi so với các vị trí lựa chọn khác như Vạn Phong hoặc Thành Tuy Hạ (Bà Rịa-Vũng Tàu). Nhà máy lọc dầu lại nằm rất xa thị trường tiêu thụ chủ yếu là TP Hồ chí Minh và khu vực lân cận. Công suất chúng ta lựa chọn là loại trung bình (6.5 triệu tấn/năm, với tổng đầu tư ban đầu là 1,3-1,5 tỷ USD).

Theo tính toán của công ty TOTAL, việc đặt nhà máy ở Dung Quất làm tăng giá thành sản xuất lên ít nhất 5%, nghĩa là từ 10-15 USD trên một tấn sản phẩm. Do đó, lọc dầu tại Dung Quất sẽ làm nền kinh tế nước ta mất đi tối thiểu 60-100 triệu USD mỗi năm. Công ty dầu khí của Nga, Zarubezhnet cho rằng, dự án phải mất nhất 18 năm mới thu hồi được vốn và khả năng lỗ rất tiềm tàng. Do vậy cả TOTAL và Zarubezhnet, cũng như một số công ty nước ngoài khác đã kiên quyết từ chối tham gia dự án.

Theo tính toán của chúng ta, dự án có mức hoàn vốn tối đa là 5-6%. Theo thông lệ chung cho đầu tư vào Việt Nam, mức hoàn vốn cho một dự án trung bình tối thiểu phải là 12-15%. Như vậy, đầu tư 1,3 tỷ USD vào Dung Quất, theo cách tính này, cũng làm mất đi tối thiểu 75-100 triệu USD.

2) Chiến lược phát triển kinh tế xã hội chỉ có thể được thực hiện vững chắc trên cơ sở tôn trọng qui luật thị trường và quyết tâm hội nhập quốc tế.

Đôi nét về tiến sĩ Vũ Minh Khương

(VieNamNet) - "Một trong những nghiên cứu sinh Ph.D xuất sắc nhất của Havard", "một tiến sĩ đẳng cấp thế giới trong lĩnh vực kinh tế học phát triển". Ít ai ngờ lời khen ngợi của một trong những nhà kinh tế học nổi danh nhất thế giới, G.S Dale Jorgenson, lại dành cho một nghiên cứu sinh đến từ VN: TS. Vũ Minh Khương.

Cả nước có nghĩa vụ rất lớn trong việc giúp các tỉnh miền Trung phát triển kinh tế. Thế nhưng, giải pháp xây dựng nhà may lọc dầu Dung Quất không thể mang lại cho các tỉnh này lợi ích dài hạn. Kinh nghiệm trong việc phát triển mía đường đã là một bài học quí. Nếu dự án đầu tư không có sức sống kinh tế thực sự, không thể đem lại lợi ích thực sự cho địa phương.

Chúng ta sẽ vào WTO, chúng ta không thể bảo hộ giá xăng dầu để dự án Dung Quất có thể tiêu thụ được sản phẩm. Hơn nữa, nếu chúng ta có thể kéo dài được thời gian bảo hộ thì tình trạng buôn lậu qua biên giới và qua các cảng biển sẽ bùng phát tới mức không thể kiểm soát được.

Nên chăng, ta nên chọn vị trí cho nhà máy lọc dầu đầu tiên có điều kiện cạnh tranh cao nhất. Khoản tiền lãi có thêm được từ cách lựa chọn mới này (có thể tới hàng trăm triệu USD) sẽ được giành cho quĩ phát triển miền Trung, đặc biệt để đầu tư vào giáo dục và hạ tầng cơ sở.

Quốc hội: Cần có đột phá về tư duy và cách tiếp cận mới về chất

Đổi mới của Quốc hội trong thời gian gần đây thực sự mang lại niềm động viên và hy vọng cho nhiều người dân. Thế nhưng, Quốc hội cần có nhiều thông tin hơn và nên có các tiểu ban chuyên trách cho một số lĩnh vực chiến lược, trong đó có dầu khí. Quốc hội nên có trang web tổng hợp thông tin toàn cầu, đặc biệt về kinh nghiệm phát triển các ngành chiến lược của những nước có thành công đặc sắc trong sự nghiệp công nghiệp hoá. Quốc hội cũng nên có kênh tiếp nhận ý kiến của mọi người Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới thông qua Internet về những vấn đề chiến lược mà Quốc hội tham gia hoạch định và giám sát.

Các tiểu ban chuyên trách của Quốc hội cần có thẩm quyền định kỳ đánh giá cán bộ lãnh đạo của các bộ và Tổng công ty nhà nước thuộc lĩnh vực được giám sát.

Tình thế và cơ hội phát triển của nước ta đang đòi hỏi cấp bách sự đột phá về tư duy và cách tiếp cận mới về chất trong chỉ đạo của Chính phủ cũng như giám sát của Quốc hội.

  • Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Đại học Harvard, Hoa Kỳ

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,